Thanh tra Quốc hội với tư cách là cơ quan nhân quyền quốc gia

- Chủ Nhật, 08/05/2022, 09:28 - Chia sẻ

Một trong những chức năng mở rộng của Thanh tra Quốc hội là việc trở thành thanh tra nhân quyền hỗn hợp, mô hình có sự kết hợp của hai cơ quan là Thanh tra Quốc hội cổ điển và Cơ quan nhân quyền quốc gia. Trên cơ sở thực hiện chức năng giám sát hoạt động hành chính công, thanh tra được bổ sung chức năng bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Mở rộng phạm vi, đối tượng thanh tra

Có thể nói, mỗi quốc gia tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh mà có sự vận dụng khác nhau đối với mô hình mở rộng này. Hầu hết các quốc gia ghi nhận chức năng bảo vệ quyền con người của thanh tra trong hiến pháp và thể chế hóa trong Luật Thanh tra. Ví dụ: Hiến pháp Cộng hòa Croatia năm 1990 quy định: “Các thanh tra viên là ủy viên của Quốc hội sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ các quyền hiến định và luật định của công dân trước các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan được giao thực hiện quyền lực công” (điều 93); hay Luật Thanh tra Bồ Đào Nha đã khái quát chức năng của Thanh tra Quốc hội: “Là cơ quan bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, bảo đảm các cơ quan nhà nước có những hành vi phù phợp với lợi ích của công dân” (khoản 1 điều 1)…

Trên cơ sở hiến định chức năng bảo vệ quyền con người của thanh tra, nhiều quốc gia mở rộng phạm vi đối tượng mà thanh tra có quyền điều tra và đưa ra khuyến nghị không chỉ có cơ quan công quyền mà còn có cả đơn vị công lập (tổ chức cung cấp dịch vụ công như trường học, bệnh viện; tổ chức kinh tế sử dụng vốn nhà nước…) và thậm chí có cả khu vực tư nhân như Bồ Đào Nha, Namibia, Tây Ban Nha…

Ở Nga, Thanh tra Quốc hội (cao ủy nhân quyền - the institution of the High commissioner for Human rights) được đánh giá là một trong những cải cách dân chủ quan trọng nhất của nước này. Cơ sở pháp lý ban đầu cho sự ra đời của thanh tra Quốc hội ở Nga là tuyên bố về các quyền dân sự, tự do và quyền con người ngày 22.11.1991; điều 45 và Điều 103 của Hiến pháp Nga năm 1993 về việc bảo đảm của nhà nước đối với các quyền và tự do của người dân (Điều 45) và việc Quốc hội bầu và bãi nhiệm ủy viên về quyền con người (Điều 103). Cho dù cơ chế bảo vệ quyền con người được “vay mượn” từ thiết chế thanh tra ở những quốc gia có truyền thống dân chủ, khi mới tiếp nhận còn khá mới mẻ và ít kinh nghiệm nhưng theo thời gian, Thanh tra Quốc hội ở Nga đã có những thành công nhất định với hàng chục nghìn vụ việc được giải quyết, xem xét hàng năm. Những điểm đặc biệt được cho là cơ sở của thành công đến từ một số lý do sau: tính độc lập cao; có quyền lực lớn; mang tính xã hội cao; trách nhiệm cá nhân lớn; có liên hệ chặt chẽ với các thiết chế nhân quyền quốc tế.

Mở rộng phạm vi quyền con người được bảo vệ bên cạnh mở rộng phạm vi đối tượng chịu thanh tra, giám sát, Thanh tra Quốc hội còn mở rộng phạm vi các quyền con người được thanh tra bảo vệ. Nếu như trước đây, xem xét bảo vệ quyền con người chỉ là một trong những yếu tố góp phần đưa ra lập luận để chống lại các hành vi của quan chức hành chính chủ yếu liên quan đến đối xử không công bằng, không thực hiện nhiệm vụ của quan chức hành chính, dẫn đến xâm phạm các quyền tự do cơ bản thì hiện nay, thẩm quyền của thanh tra đã mở rộng cả các quyền liên quan đến việc hưởng các chế độ phúc lợi xã hội như quyền của người già, trẻ em, bình đẳng giới hay quyền của người tiêu dùng… để bảo đảm thực hiện chức năng bảo vệ quyền con người, tổ chức thanh tra ở một số nước cũng có sự thay đổi, bên cạnh bổ nhiệm thanh tra chung thì còn hình thành các thanh tra chuyên biệt như Croatia có thêm thanh tra về trẻ em, thanh tra về bình đẳng giới…

t8-2.jpg -0
Các thành viên thuộc Thanh tra Liên bang Bỉ (còn được gọi là Cơ quan Hòa giải Liên bang)
Nguồn: federaalombudsman.be

Tuyên truyền phổ biến kiến thức về nhân quyền

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra nhân quyền hỗn hợp ở nhiều nước thường tổ chức các cuộc hội thảo, các chương trình hành động nhằm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về bảo đảm quyền con người cho các cơ quan, tổ chức có liên quan như các cơ quan tư pháp, cơ quan hành chính…

Đồng thời, có sự tham gia hợp tác, trao đổi kinh nghiệm để nâng cao vai trò của thanh tra trong lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền giữa các nước trên thế giới. theo báo cáo thường niên của Tổ chức Thanh tra thế giới (IOI) năm 2018 - 2019, trong một năm, IOI đã tổ chức 6 khóa đào tạo liên quan đến các vấn đề cụ thể về hoạt động của Thanh tra Quốc hội, thu hút được đông đảo các nước tham gia. Có thể thấy, mô hình này đóng vai trò quan trọng trong tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Cũng giống như sự kết hợp hai chức năng kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, sự kết hợp chức năng cổ điển của thanh tra và chức năng bảo vệ quyền con người có sự hài hòa, thống nhất và bổ trợ cho nhau, đặc biệt là trong nhà nước pháp quyền hiện đại. nhà nước pháp quyền hiện đại đòi hỏi phải có sự kiểm soát quyền lực hiệu quả, làm thế nào để các chủ thể nắm giữ quyền lực nhà nước không lạm quyền, không tắc trách, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức trong xã hội. Như vậy, mục đích sâu xa của kiểm soát quyền lực ở nhà nước pháp quyền chính là để bảo vệ quyền con người, hướng tới đề cao quyền con người. 

Thái Thị Thu Trang