Luật này không chỉ xác lập cơ chế tiếp nhận khiếu nại mà còn cung cấp các biện pháp bảo vệ đầy đủ để ngăn chặn tổn thất và hậu quả tiêu cực đối với những người tố cáo. Thời hạn tối đa để nộp đơn khiếu nại là 7 năm, bảo đảm rằng những người tố cáo có đủ thời gian để chuẩn bị và trình bày thông tin của họ. Luật cũng rõ ràng về việc không cho phép khiếu nại ẩn danh, đồng thời đưa ra hình phạt tù và phạt tiền đối với những người thông báo về sự sơ suất hoặc ý xấu trong quá trình xử lý khiếu nại.
Đối với việc bảo đảm tính minh bạch và công bằng, Luật Bảo vệ người tố giác Ấn Độ năm 2014 chi tiết hóa các cơ quan tư pháp khác nhau để thực hiện quá trình điều tra. Việc này không chỉ tăng cường quyền lực của cơ quan chống tham nhũng mà còn tạo ra một hệ thống chặt chẽ để giúp quy trình pháp lý được thực hiện một cách công bằng và minh bạch. Đặc biệt phần VI của luật đưa ra các quy định chi tiết về hình phạt đối với hành vi tố cáo sai sự thật, thiếu chính xác hoặc gây nhầm lẫn, tiết lộ danh tính người khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm pháp lý của công ty, quyền kháng cáo và thẩm quyền của các cơ quan có thẩm quyền.
Chẳng hạn, theo Mục 15, nếu một tổ chức hoặc quan chức được yêu cầu cung cấp báo cáo để phục vụ công tác giải quyết vấn đề khiếu nại tố cáo mà lại không cung cấp báo cáo trong thời gian quy định hoặc cố tình gửi thông tin không đầy đủ, không chính xác, gây nhầm lẫn hoặc hồ sơ bị sai lệch, phá hủy sẽ bị phạt. Điều này bao gồm tiền phạt lên tới 250 rupee mỗi ngày cho đến khi báo cáo được cung cấp, với tổng số tiền không vượt quá 50 nghìn rupee. Mức phạt cao hơn lên tới 50.000 rupee có thể được áp dụng đối với hành vi cố ý cung cấp thông tin sai lệch hoặc cản trở việc nộp báo cáo.
Trong khi đó, Mục 16 tập trung vào việc bảo vệ danh tính của người tố cáo. Bất kỳ người nào tiết lộ danh tính của người tố cáo, dù sơ suất hoặc cố tình, có thể bị phạt tù tới 3 năm và phạt tiền lên tới 50 nghìn rupee. Còn Mục 17 đề cập đến các cá nhân tiết lộ sai sự thật, cố ý cung cấp thông tin không chính xác, sai lệch hoặc gây nhầm lẫn. Hình phạt cho những hành vi phạm tội như vậy bao gồm phạt tù lên tới 2 năm và phạt tiền lên tới 30.000 rupee. Đặc biệt, trong các mục tiếp theo, hình phạt được đưa ra đối với người đứng đầu một bộ nếu bộ họ phụ trách có những hành vi vi phạm luật. Tương tự, Mục 19 nêu ra các hành động phạm tội của các công ty và hiệp hội cá nhân. Các cá nhân chịu trách nhiệm về hành vi của công ty hay hiệp hội như giám đốc, quản lý, thư ký hoặc cán bộ phụ trách… có thể bị coi là có tội, phải chịu hình phạt và có trách nhiệm xử lý, trừ khi chứng minh được giống như quan chức ở Bộ nói trên…