Luật Nhãn hiệu thương mại UAE

Mở rộng quyền sở hữu trí tuệ

- Chủ Nhật, 25/09/2022, 06:32 - Chia sẻ

Bên cạnh Luật Sở hữu công nghiệp 2021 và Luật Bản quyền mới, Luật Nhãn hiệu thương mại mới (luật liên bang số 36/2021) nằm trong hệ thống pháp luật về sở hữu trí tuệ cũng góp phần bảo vệ tốt hơn cho các chủ sở hữu hợp pháp khi trao cho họ một loạt cơ chế để bảo vệ và thực thi các quyền liên quan đến nhãn hiệu. Luật này có hiệu lực từ ngày 1.3.2022, bao gồm nhiều điểm quan trọng giúp mở rộng quyền sở hữu trí tuệ tại UAE.

Mở rộng bảo vệ trong thế giới ảo

Luật mới sẽ cải thiện quy trình đăng ký nhãn hiệu ở UAE. Nó đưa ra định nghĩa, khả năng đăng ký và khả năng thực thi của các nhãn hiệu nổi tiếng ở UAE. Việc hiểu rõ các quy định pháp luật liên quan đến nhãn hiệu nổi tiếng là điều cần thiết không chỉ đối với các nhãn hiệu lớn mà còn đối với các doanh nghiệp nhỏ để tránh các vụ kiện vi phạm tốn kém.

Nếu các biểu tượng và tên gọi là thứ mà các thương hiệu tập trung vào bảo vệ trong thế giới thực, thì giờ đây, nó mở rộng ra nhiều thứ hơn trong thế giới ảo ở Luật Nhãn hiệu thương mại mới. Đây là lý do tại sao luật đã mở rộng phạm vi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu sang những thứ phi truyền thống như nhãn hiệu ba chiều 3D và thậm chí cả nhãn hiệu màu sắc, âm thanh và mùi. Đặc biệt, nhãn hiệu âm thanh cũng có thể được đăng ký độc lập lần đầu tiên (trước đây nó chỉ có khả năng đăng ký như một phần của nhãn hiệu). Đây là sự phát triển thú vị cho thấy sự sẵn sàng của UAE trong việc công nhận các loại hình sở hữu trí tuệ mới và tiên tiến.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Công nhận Chỉ dẫn địa lý

Ngoài ra, Luật Nhãn hiệu mới còn công nhận Chỉ dẫn địa lý (Gl). Giờ đây, ở UAE, GI sẽ có khả năng đăng ký như một nhãn hiệu. GI được định nghĩa là bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ của một quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới hoặc tại một khu vực, vị trí hoặc địa điểm của khu vực đó, nếu chất lượng, danh tiếng hoặc các đặc tính khác của hàng hóa chủ yếu là do nguồn gốc địa lý của nó. Trên thực tế, GI từ lâu đã được công nhận ở một số khu vực pháp lý trên thế giới. Trong khi GI từng được đề cập trong luật về nhãn hiệu thương mại cũ, luật mới quy định GI, bao gồm định nghĩa thuật ngữ và giải quyết xung đột giữa GI với nhãn hiệu. Nó thiết lập các tiêu chí rõ ràng để đo lường liệu một nhãn hiệu có thể thuộc danh mục nhãn hiệu nổi tiếng hay không, cũng như giới thiệu khả năng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu hàng loạt. Theo Luật Nhãn hiệu mới, các tiêu chí để coi nhãn hiệu là nổi tiếng đã được làm rõ, bao gồm: mức độ mà nó được biết đến với công chúng do quảng cáo; thời gian đăng ký, việc sử dụng của nhãn hiệu; số quốc gia mà nhãn hiệu được đăng ký hoặc nổi tiếng; giá trị của nhãn hiệu; hoặc mức độ ảnh hưởng của nhãn hiệu đối với việc quảng bá hàng hóa hoặc dịch vụ có sử dụng nhãn hiệu nổi tiếng để phân biệt chúng.

Thay đổi cơ cấu Ủy ban Khiếu nại thương hiệu

Luật còn mở ra cơ hội cho các cá nhân nộp đơn đăng ký nhãn hiệu, trong khi trước đây, chỉ có các công ty mới được phép đăng ký nhãn hiệu. Ngoài ra, sẽ không còn bắt buộc phải ghi giấy phép nhãn hiệu tại cơ quan đăng ký của Văn phòng nhãn hiệu thương mại (TMO).

Chưa hết, luật đã thay đổi cơ cấu nội bộ của Ủy ban Khiếu nại thương hiệu. Giờ đây, cơ quan này sẽ nằm dưới sự lãnh đạo của một thẩm phán chuyên trách do Bộ trưởng Tư pháp chỉ định, cùng với hai thành viên chuyên trách khác cũng do Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Thông thường, người nộp đơn/đại lý sẽ phải gửi bất kỳ phản đối nào đối với các quyết định do TMO đưa ra liên quan đến đơn đăng ký, phản đối và hủy bỏ trước Ủy ban. Giờ đây, sau khi kháng cáo quyết định của TMO, Ủy ban sẽ ban hành quyết định của mình, quyết định này có thể được kháng cáo trước Tòa án phúc thẩm liên bang, ngược lại với thông lệ trước đây là kháng cáo quyết định của TMO phải thực hiện trước Tòa án sơ thẩm. Thời hạn để kháng cáo trước đây là 60 ngày đã giảm xuống còn 30 ngày. Thay đổi này giúp đẩy nhanh quy trình và hạn chế các vụ kiện tụng rườm rà.

Đối với vấn đề thực hiện nhãn hiệu, trừ khi một nhãn hiệu được đăng ký với mục đích xấu, nhãn hiệu đó sẽ trở nên không thể thu hồi sau 5 năm kể từ ngày đăng ký, với điều kiện nhãn hiệu đó không bị kiện trong khoảng thời gian này.

Chuyển nhượng và bảo hộ tạm thời nhãn hiệu

Luật Nhãn hiệu mới hiện trao cho người nộp đơn chuyển quyền sở hữu trong quá trình chuyển nhượng các đơn đăng ký nhãn hiệu đang chờ xử lý. Thực tiễn trước đây không cho phép chuyển nhượng các đơn đang chờ xử lý, yêu cầu các nhãn hiệu phải được đăng ký đầy đủ mới được chuyển nhượng.

Một điểm đáng chú ý nữa là việc bảo hộ tạm thời nhãn hiệu. Nó đã được đề cập rõ ràng trong luật mới và hỗ trợ chủ sở hữu nhãn hiệu tạm thời đăng ký nhãn hiệu của họ để tham gia tự do vào các sự kiện và triển lãm tạm thời. Vì UAE là trung tâm của các loại hoạt động này, các sự kiện được tổ chức quanh năm cho tất cả các lĩnh vực.

Tăng hình phạt đối với các hành vi vi phạm

Cũng như Luật bản quyền, hình phạt trong Luật Nhãn hiệu thương mại mới đã được tăng lên từ 100.000 AED - 1.000.000 AED đối với các tội danh sau: làm giả hoặc giả mạo nhãn hiệu; cố ý sử dụng nhãn hiệu giả mạo hoặc làm giả; sử dụng với mục đích xấu nhãn hiệu thuộc sở hữu của người khác; sở hữu tài liệu để làm giả hoặc giả mạo nhãn hiệu đã đăng ký; nhập khẩu hoặc xuất khẩu các sản phẩm có nhãn hiệu giả mạo…

Trong Luật Nhãn hiệu mới, Hải quan được trao quyền thu giữ hàng hóa nhập khẩu vi phạm quyền đối với nhãn hiệu. Điều khoản này không có trước khi sửa đổi và việc giới thiệu nó là nhằm bảo đảm rằng không có hàng hóa vi phạm được lưu hành trong lãnh thổ của UAE. Nếu hàng hóa bị cáo buộc vi phạm quyền đối với nhãn hiệu, hàng hóa đó sẽ bị dừng thông quan trong 20 ngày, sau khi chủ sở hữu nhãn hiệu bị vi phạm đệ trình lên cơ quan hải quan về việc thu giữ hàng hóa nhập khẩu.

Sự phát triển quan trọng về nhãn hiệu thương mại ở UAE được đánh dấu bằng sự kiện nước này trở thành thành thành viên thứ 109 của Hệ thống Madrid năm 2021 khi tham gia Nghị định thư liên quan đến Thỏa thuận Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế (Nghị định thư Madrid).

Nghị định thư Madrid và Thỏa thuận Madrid (hai trụ cột hình thành Hệ thống Madrid) cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu ở một quốc gia thành viên bảo vệ nhãn hiệu của họ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào trong số 108 quốc gia thành viên khác bằng cách nộp đơn quốc tế duy nhất thông qua văn phòng nhãn hiệu quốc gia của họ và qua Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Thụy Sĩ.

Ngọc Minh