Sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Trong bối cảnh chiến tranh trong giai đoạn khó khăn, ác liệt, với thắng lợi quan trọng cả về chính trị, quân sự, ngoại giao, Hiệp định Géneva năm 1962 về Lào đã được ký kết, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho cách mạng Lào và Việt Nam. Ngày 5.9.1962, Việt Nam - Lào chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu mốc rất quan trọng trong quan hệ hai nước, khẳng định sự gắn bó vận mệnh của cả hai dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Để đưa quan hệ song phương phát triển toàn diện, sau khi hai nước được giải phóng hoàn toàn vào năm 1975, Việt Nam và Lào đã ký kết Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ngày 18.7.1977, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một, hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, góp phần gìn giữ và củng cố hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Đây là văn kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới, toàn diện của mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào.
Hiệp ước nhấn mạnh: “Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị không gì lay chuyển được giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Lào, tình đồng chí vĩ đại giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào được tôi luyện trong mấy chục năm đồng cam cộng khổ, cùng chiến đấu, cùng chiến thắng kẻ thù xâm lược, cùng hợp tác và giúp đỡ nhau xây dựng đất nước là một truyền thống quý báu, một sức mạnh vô địch của hai dân tộc, hai Đảng...”.
Trải qua 45 năm triển khai thực hiện, Hiệp ước đã phát huy tác dụng to lớn, không chỉ là cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng trong việc không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ đoàn kết keo sơn và hữu nghị Việt Nam - Lào, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước mà còn là biểu tượng sinh động của mối quan hệ gắn bó thủy chung hiếm có giữa hai nước. Mặc dù ra đời cách đây gần nửa thế kỷ, nhưng những bài học lịch sử của mối quan hệ mẫu mực Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam, những tư tưởng chỉ đạo và nội dung hợp tác nêu trong bản Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác vẫn còn nguyên giá trị, và mãi mãi là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tiến trình phát triển của mối quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Thành tựu nổi bật của Hiệp ước
Về tổng thể, quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác, các cơ chế hợp tác hiện có giữa hai Đảng, hai Nhà nước tiếp tục phát huy tốt hiệu quả. Mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” được nâng lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại” được coi là mốc lịch sử quan trọng trong quan hệ hợp tác. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên tổ chức các chuyến thăm, trao đổi, tiếp xúc dưới mọi hình thức linh hoạt; phối hợp tổ chức thành công các Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào. Trong suốt 60 năm qua, hai nước ký kết hàng trăm văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, từ quản lý biên giới, thương mại, đầu tư, đến năng lượng, giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, lao động…
Về hợp tác quốc phòng - an ninh: Đây là trụ cột trong quan hệ song phương, nhằm bảo đảm độc lập, chủ quyền, cũng như giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của mỗi nước. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký về biên giới, ngăn chặn và xử lý mọi hành động xâm phạm biên giới, phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, thúc đẩy ký kết các hiệp định trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh.
Hoạt động đối ngoại trao đổi đoàn đã tạo nền tảng cho tình hữu nghị vĩ đại và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam - Lào, tạo tiền đề nâng cao vị thế và uy tín của hai nước ở khu vực và trên trường quốc tế. Qua các chuyến thăm, các lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hai bên luôn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào trong bối cảnh mới, phù hợp với tình hình mỗi nước nói riêng và tình hình chung của khu vực và thế giới.
Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư tiếp tục được thúc đẩy, là nền tảng lâu dài trong quan hệ hai nước. Hiện Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Lào, sự tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều là kết quả rõ ràng nhất cho những ưu tiên trong hợp tác kinh tế, thương mại.
Về văn hóa, giáo dục và đào tạo, hai nước có những hợp tác rất cụ thể. Hàng năm, hai bên đã phối hợp đào tạo hàng nghìn học sinh, thực tập sinh, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy ở cả cấp độ các bộ, ngành và các địa phương, đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong công cuộc đổi mới, phát triển.
Đoàn kết trước những diễn biến chính trị phức tạp của thế giới
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh, giải phóng của cả hai dân tộc Việt Nam - Lào, quan hệ hai nước trải qua nhiều thử thách, thăng trầm, đặc biệt thời gian gần đây những diễn biến chính trị khu vực, thế giới diễn ra mau lẹ, phức tạp và khó lường, trong đó cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn diễn ra ở khu vực đã tác động nhiều chiều đến mỗi nước và quan hệ giữa hai nước nói chung. Trên cơ sở nhận thức chung của lãnh đạo hai nước và lịch sử gắn bó dài lâu, mối quan hệ thủy chung, trong sáng, có một không hai giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào vẫn không hề thay đổi. Hơn lúc nào hết, quan hệ song phương không ngừng được củng cố, tăng cường và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực.
Trong thời gian tới, hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ trên nhiều lĩnh vực chính: Khẳng định xuyên suốt quan hệ chính trị giữ vai trò nòng cốt, định hướng trong tổng thể quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào; các thỏa thuận hợp tác cấp cao giữa hai Đảng, hai Nhà nước, hai Quốc hội tiếp tục được phát huy tốt, có hiệu quả, đi vào thực chất. Các hoạt động trao đổi đoàn được diễn ra thường xuyên ở cả cấp lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao hai nước và ở cấp độ các địa phương… trong đó đặc biệt chú ý đến thúc đẩy giao lưu, giáo dục truyền thống, gìn giữ và phát huy quan hệ tốt đẹp cho thế hệ trẻ mỗi nước.
Bên cạnh đó, hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng - an ninh, phối hợp triển khai thực hiện tốt theo các thỏa thuận đã ký về biên giới; tăng cường thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, tạo thông thoáng hơn về mặt thể chế, các quy định về xuất nhập khẩu, đầu tư, ngân hàng… để doanh nghiệp, doanh nhân và người dân hai nước có điều kiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi hơn, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả hai nước, tương xứng với quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Hợp tác giáo dục - đào tạo cũng được chú trọng để có chất lượng và hiệu quả hơn, nhất là cả hai đưa nội dung giáo dục lịch sử quan hệ đặc biệt giữa hai nước vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mỗi nước. Ngoài ra, hợp tác về văn hóa, nghệ thuật, du lịch, hợp tác về nông nghiệp, lao động việc làm… vẫn còn rất nhiều dư địa để hai bên thúc đẩy đi vào hoạt động thực chất và hiệu quả.