Hệ thống pháp luật liên tục được hoàn thiện
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp đi kèm với tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên nghiêm trọng trong thập kỷ 70 và 80, Luật Bảo tồn môi trường đã thay thế Luật Ngăn ngừa ô nhiễm vào năm 1977. Luật này không chỉ đưa ra các biện pháp chủ động mà còn thiết lập một hệ thống tổng thể, bao gồm đánh giá tác động môi trường, tiêu chuẩn môi trường, và giới hạn tổng lượng chất ô nhiễm.
Tuy nhiên, với việc chất lượng môi trường tiếp tục suy giảm, đến năm 1990, Luật Bảo tồn môi trường đã được tách thành 6 luật nhỏ hơn, trong đó có Luật Về chính sách môi trường cơ bản và Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái, nhằm bảo vệ cả hệ sinh thái thủy sinh.
Năm 2001, việc ban hành các luật chuyên biệt (chẳng hạn như Luật Quản lý nước và hỗ trợ cộng đồng) cho các lưu vực sông chính (sông Hàn, sông Nakdong, sông Deum, sông Yeongsan và sông Seomjin) đã mở ra cơ hội để xây dựng các chương trình khôi phục chất lượng nước trên các lưu vực sông này. Hơn nữa, năm 2003, hệ thống trách nhiệm mở rộng đối với người sản xuất trong việc thu gom và tái chế chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất và sản phẩm đã được áp dụng, thúc đẩy sự thay đổi quy trình sản xuất hướng tới việc giảm thiểu chất thải.
Những điểm chính trong hệ thống pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước
Hệ thống pháp luật kiểm soát ô nhiễm nước của Hàn Quốc tập trung vào các điểm chính như ngăn ngừa ô nhiễm, thiết lập danh mục chất ô nhiễm và tiêu chuẩn xả thải, cũng như quản lý, khôi phục, và bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh.
Coi ngăn ngừa ô nhiễm là biện pháp nền tảng
Hàn Quốc thực sự coi công tác ngăn ngừa ô nhiễm là biện pháp nền tảng và bao gồm nhiều chính sách, nhiều luật khác nhau. Khác với một số nước chỉ có một luật về kiểm soát ô nhiễm nước. Hàn Quốc có bộ luật và chính sách cụ thể cho công tác này như Luật Về chính sách môi trường cơ bản, Luật Xây dựng các công trình cấp nước, Luật Quản lý nước và hỗ trợ cộng đồng cho bốn lưu vực sông chính, Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái…
Các luật này chịu trách nhiệm xác định các vùng nước cần biện pháp đặc biệt để bảo tồn chất lượng nước, các vùng bảo vệ nguồn nước cấp, các vùng đệm ven sông, và các vùng hạn chế xây dựng các công trình xả thải.
Thiết lập danh mục các chất ô nhiễm và các tiêu chuẩn xả thải
Ở Hàn Quốc, việc thiết lập danh mục các chất ô nhiễm hướng tới mục tiêu bảo đảm chất lượng nước tại các vùng nước công cộng an toàn cho con người và bảo đảm cho các loài động, thực vật sinh sống và phát triển. Danh mục này bao gồm chất ô nhiễm thông thường và chất ô nhiễm độc hại. Các tiêu chuẩn xả thải được thiết lập cho nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp, và nước thải/chất thải chăn nuôi. Với nước thải công nghiệp, giới hạn xả thải cho phép được thiết lập dựa trên lượng xả thải và vùng nước tiếp nhận. Vùng nước tiếp nhận được phân thành 4 hạng, trong đó hạng A là các vùng nước đòi hỏi chất lượng cao nhất, do đó yêu cầu tiêu chuẩn xả thải nghiêm ngặt nhất, tiếp sau là các hạng thấp hơn và các vùng nước đặc biệt.
Quản lý, khôi phục, và bảo tồn hệ sinh thái thủy sinh
Sau khi bản Quy hoạch tổng thể về quản lý môi trường nước được xây dựng vào năm 2006, các chính sách về môi trường nước tại Hàn Quốc không còn chỉ tập trung vào các tính chất lý, hóa của nước mà đã chuyển sang hướng bảo vệ cả chất lượng nước lẫn hệ sinh thái thủy sinh. Vì vậy, Luật Bảo tồn chất lượng nước cũng được đổi tên thành Luật Bảo tồn chất lượng nước và hệ sinh thái. Theo luật này, bất kỳ ai có ý định lắp đặt cơ sở xả nước thải đều phải xin giấy phép hoặc nộp báo cáo cho Bộ Môi trường. Sau khi nhận được đơn đăng ký, Bộ có thể tham khảo ý kiến chính quyền địa phương và hạn chế lắp đặt cơ sở nếu Bộ xác định rằng cơ sở đó gần với bất kỳ vùng bảo vệ hồ chứa hoặc vùng bảo vệ đặc biệt và nó có thể gây hại. Người vận hành cơ sở cũng phải lắp đặt phương tiện ngăn chặn để bảo đảm lượng chất ô nhiễm thải ra không vượt quá ngưỡng cho phép. Bên cạnh đó, báo cáo bắt đầu vận hành phải được nộp cho Bộ khi vận hành cơ sở...
Quan trắc và đánh giá
Hệ thống quan trắc chất lượng nước tại Hàn Quốc đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn điểm quan trắc, trong đó có tới các trạm quan trắc tự động tích hợp vào mạng lưới. Các thông tin này được công khai minh bạch thông qua hệ thống website, cung cấp bộ số liệu cơ bản về hệ thống nước mặt của Hàn Quốc.
Ngoài ra, do sự chuyển hướng trong các chính sách về môi trường nước của Hàn Quốc hướng tới khía cạnh sinh thái, việc quan trắc không chỉ giới hạn trong các thông số lý, hóa của nước mà đã được mở rộng ra các thông số về hệ động, thực vật, và môi trường sống của chúng cả trong và xung quanh các vùng nước. Nhờ hệ thống này, Hàn Quốc đã có bộ số liệu cơ bản về hệ thống nước mặt của mình.
Nói chung, hệ thống pháp luật và quản lý môi trường nước tại Hàn Quốc đang ngày càng trở nên chặt chẽ và hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và hệ sinh thái thủy sinh của quốc gia, hướng tới tương lai bền vững.