Hai chức năng cơ bản

- Chủ Nhật, 19/06/2022, 06:03 - Chia sẻ

Giống như các cơ quan lập pháp trên thế giới, Quốc hội Cộng hòa Mozambique đang ngày càng hoàn thiện hai chức năng cơ bản của mình là lập pháp và giám sát đối với hành pháp.

Lập pháp

Mặc dù các đại biểu đều được trao sáng quyền lập pháp, nhưng điều này rất ít khi xảy ra trên thực tế. Hầu hết các dự luật đều do Chính phủ đệ trình.

Hành trình của một dự luật ở Quốc hội bắt đầu bằng lần đọc đầu tiên tại phiên họp toàn thể. Sau đó, dự luật được chuyển cho các nhóm nghị sĩ. Giai đoạn đầu tiên của các cuộc thảo luận diễn ra trong các ủy ban công tác, và chỉ khi các dự luật đã được nhất trí tương đối thì mới được gửi lại cho Quốc hội để thông qua.

Trong quá trình thẩm tra, xem xét dự luật ở ủy ban, các thành viên lãnh đạo của cả hai đảng chính trị có thể tham gia. Tuy nhiên, số lượng ủy ban công tác ít, mỗi ủy ban lại phải phụ trách nhiều lĩnh vực một lúc trong khi thời gian xem xét các dự luật trong một kỳ họp lại hạn chế (ủy ban họp vào các ngày thứ hai trong một kỳ họp kéo dài 45 ngày), do vậy, quá trình xem xét tại ủy ban thường không được kỹ càng và đây là một trong những điểm mà Quốc hội Mozambique đang nỗ lực cải thiện.

Quá trình thảo luận tại Quốc hội có thể làm chậm quá trình lập pháp. Trong trường hợp điều này xảy ra, có một quy định trong Hiến pháp liên quan đến sáng quyền lập pháp cho phép một dự luật không cần phải Quốc hội thông qua mà chỉ cần Quốc phê duyệt trước. Quy định này tương tự như một sự ủy quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Tuy nhiên, việc lạm dụng quy định này có thể làm suy yếu chức năng làm luật của Quốc hội, có nguy cơ dẫn đến tình trạng Quốc hội Mozambique sẽ bị gạt ra ngoài trong quy trình lập pháp, tạo ra sự chồng chéo giữa các chức năng của hành pháp và lập pháp.

Trong quá trình lập pháp, hiếm khi xảy ra trường hợp một dự luật bị hết hạn hoặc bị thu hồi. Cũng như các cơ quan lập pháp khác, ít khả năng xảy ra tình trạng các dự luật tự nhiên “chết yểu” trong quy trình lập pháp.

Nguồn: ITN

Giám sát

Trong thể chế cộng hòa đại nghị, một trong những công cụ quan trọng để Quốc hội/Nghị viện thực hiện chức năng giám sát đối với cơ quan hành pháp là quyền thành lập Chính phủ của Quốc hội. Tuy nhiên, ở Mozambique, Quốc hội không có bất kỳ quyền lực nào đối với quá trình thành lập chính phủ. Quyền bổ nhiệm và bãi miễn Chính phủ (cá nhân hoặc tập thể) đều thuộc quyền của Tổng thống. Ngoại lệ duy nhất là Tổng thống có thể bị buộc phải bãi nhiệm Thủ tướng và Nội các mới được bổ nhiệm của mình trong trường hợp chương trình của Chính phủ bị Quốc hội từ chối thông qua lần thứ hai (Điều 188, Hiến pháp 2004) và (Điều 159, Nội quy Quốc hội 2001). Theo quy định, Chính phủ phải đệ trình chương trình hành động của mình để Quốc hội thông qua. Trong trường hợp Quốc hội không thông qua, Tổng thống có thể phải giải tán Chính phủ và thành lập Chính phủ mới, hoặc giải tán Quốc hội để triệu tập cuộc bầu cử lập pháp sớm.

Mặc dù không có chức năng thành lập Chính phủ, Quốc hội Mozambique vẫn thực hiện chức năng giám sát, vốn được coi là một trong những chức năng cổ điển của bất kỳ cơ quan lập pháp nào, dù là thuộc hệ thống nghị viện hay tổng thống.

Theo quy định, Quốc hội không có quyền bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ, việc bỏ phiếu luận tội các quan chức Chính phủ cũng không được quy định. Tuy nhiên, Quốc hội Mozambique có quyền yêu cầu thông tin từ hành pháp, giải trình thuyết phục từ các thành viên của Chính phủ, yêu cầu báo cáo và tổ chức thời gian chất vấn với các thành viên của hành pháp. Ngoài ra, các ủy ban công tác có thể triệu tập các phiên điều trần công khai (Điều 50, Nội quy Quốc hội 2001 và Điều 172, Hiến pháp 2004).

Tự quyết về ngân sách

Ở Mozambique, ngân sách Quốc hội do Quốc hội tự phê chuẩn. Đây được coi là một trong những điểm mạnh giúp tăng cường tính độc lập cũng như vị thế của Quốc hội trong tương quan với các cơ quan quyền lực khác. Tuy nhiên, trên thực tế, việc phê duyệt này được đàm phán không chính thức với Bộ trưởng Bộ Tài chính. Thông thường, quá trình thương lượng ngân sách của Quốc hội được thực hiện trước khi thông qua tại phiên họp toàn thể. Kể từ năm 1994, theo các nhân viên và đại biểu Quốc hội, quá trình thương lượng thường diễn ra suôn sẻ và không có dấu hiệu nào cho thấy phía Quốc hội bất bình với phía hành pháp trong vấn đề này.

Trên toàn thế giới, tồn tại quan niệm cho rằng mức lương của các nghị sĩ luôn cao. Ở Mozambique, mức tiền lương của các đại biểu Quốc hội thường không được công khai. Lý do được Tổng thư ký đưa ra để giữ bí mật về tiền lương của các đại biểu là để tránh làm gia tăng nhận thức của công chúng rằng Quốc hội là một tổ chức tốn kém. Tuy nhiên, so sánh ngân sách của Quốc hội với ngân sách của các cơ quan nhà nước khác cho thấy nhận thức này trái ngược với thực tế. Chẳng hạn, xem xét Bảng phân bổ ngân sách năm 2007 của Mozambique, có thể thấy, ngân sách cho Quốc hội là 13.720 USD, ít hơn chi phí cho nhiệm kỳ tổng thống (18.520 USD) và thậm chí còn ít hơn ngân sách của một số cơ quan nhà nước khác. Casa Militar (bộ phận quân đội phụ trách an ninh của Tổng thống), Bộ Quốc phòng và Quân đội có ngân sách gấp 5 lần ngân sách của Quốc hội. Còn so sánh với các quốc gia khác trong cùng châu lục, chẳng hạn ngân sách của Quốc hội Nam Phi lớn gấp 11 lần ngân sách của Quốc hội Mozambique (thông tin từ Kho bạc Quốc gia Nam Phi, 2006).

Quỳnh Vũ