Cơ chế đặc thù về kinh tế, tài chính, an ninh, đối ngoại

- Chủ Nhật, 19/11/2023, 11:04 - Chia sẻ

Quy định cũng như cơ chế về thủ đô của một số nước cho thấy, các nước đều quan tâm đến cơ chế, chính sách đặc thù về kinh tế tài chính, an ninh đối ngoại, đặc biệt, thể hiện sự phân quyền mạnh mẽ để tạo điều kiện phát triển thủ đô.

Về kinh tế - tài chính

Theo Quy chế của Belarus về cơ chế bảo đảm tài chính, thì ngoài việc quy định Nhà nước phân bổ một phần ngân sách nhà nước cho thành phố; tài trợ, trợ cấp các khoản kinh phí cần thiết để thành phố thực hiện chức năng là thủ đô. Bên cạnh đó, Belarus còn có quy định về việc bảo đảm vật tư, tài chính cho các chi phí bổ sung của thành phố, theo đó trong quyết định của cơ quan nhà nước cần xác định các khoản chi bổ sung và chuyển kịp thời cho cơ quan quản lý, điều hành của thành phố có liên quan tới việc thành phố thực hiện chức năng là thủ đô của đất nước mà thực tế có các khoản chi phí chưa được dự toán trong ngân sách.

Ấn Độ quy định về Quỹ Hợp nhất của thủ đô,gồm nguồn thu mà Chính phủ Ấn Độ hoặc người đứng đầu thu được trên địa bàn thủ đô liên quan đến bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi lập pháp của Hội đồng Lập pháp, mọi khoản trợ cấp và khoản vay cấp trước cho thủ đô từ nguồn Quỹ Hợp nhất của Ấn Độ. Ngoài ra Ấn Độ còn lập quỹ dự phòng, bản chất là quỹ tạm ứng để tiếp nhận các khoản tiền từ Quỹ Hợp nhất với số tiền do luật định và số tiền này do Phó Thủ hiến quản lý và quyết định cho tạm ứng khi cần.

Thổ Nhĩ Kỳ quy định cụ thể về từng khoản thu, chi của thủ đô. Về các khoản thu, theo quy định tại Điều 23 Luật Thủ đô thì thủ đô có 16 khoản thu, trong đó có tiền do ngân hàng chuyển đến, tiền thuế, phí, tiền hiến tặng, phần trăm trích lại từ tiền thu thuế, tiền phạt, tiền cho thuê động sản, bất động sản...

Quy chế thành phố Moscow tại Điều 71 có quy định về hoàn trả cho Moscow những chi phí do Moscow thực hiện chức năng là Thủ đô của Liên Bang Nga, bao gồm: những chi phí và thiệt hại của ngân sách thành phố do Moscow thực hiện chức năng là thủ đô của Liên Bang Nga thì hàng năm được hoàn trả đầy đủ từ ngân sách Liên bang và được các cơ quan chính quyền, cơ quan, tổ chức, các cơ quan đại diện của các chủ thể Liên bang và Đại sứ quán nước ngoài chi trả theo quy định của pháp luật, căn cứ vào các hợp đồng đã ký kết; trong số chi trả cho ngân sách thành phố được tính cả những lợi ích do sử dụng tài sản, cơ sở vật chất thuộc quyền sở hữu của thành phố và những dịch vụ do thành phố cung cấp. Ngân sách Nhà nước tính trả cho thành phố theo từng niên khóa tài chính.

Tại Bỉ, theo Luật Đặc thù năm 1984, thì hàng năm thành phố Brussels được nhận được khoản hỗ trợ nhất định từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Hiến pháp Bỉ (khoản 2 Điều 170) còn trao cho chính quyền Khu vực thủ đô Brussels quyền quy định và thu thuế trong giới hạn hợp lý.

Cờ Bỉ, cùng với cờ của nhiều nước khác trên Quảng trường Lớn Brussels - thủ đô của Bỉ. Ảnh:  Diplomatie.belgium.be
Cờ Bỉ, cùng với cờ của nhiều nước khác trên Quảng trường Lớn Brussels - thủ đô của Bỉ. Ảnh: Diplomatie.belgium.be

Về an ninh

Theo quy định của Bỉ thì lực lượng cảnh sát là giống nhau. Vùng Thủ đô Brussels không có lực lượng cảnh sát riêng. Điều đặc biệt là, ngoài các nhiệm vụ thông thường, cảnh sát tại Brussels còn có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho các hội nghị của EU tổ chức tại Brussels.

Theo Quy chế thành phố Minsk của Belarus, thì việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho Thủ đô Cộng hòa Belarus được thực hiện theo quy định của các văn bản pháp luật Nhà nước. Ngoài ra, nhằm mục đích bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho thủ đô, tạo sự an toàn cho hoạt động của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội; các đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài và các tổ chức quốc tế tại thủ đô, Quy chế cho phép Hội đồng, Ủy ban hành chính thành phố căn cứ vào quy định của pháp luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quy định các điều kiện nhập cảnh vào thành phố; đăng ký hộ khẩu, tạm trú của người dân; phân luồng giao thông; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Nga trao cho thị trưởng thành phố, theo quy định của pháp luật, quyền thành lập các phòng, đội cảnh sát bảo vệ trật tự, trị an. Thành phần, chức năng nhiệm vụ của các đơn vị cảnh sát do pháp luật thành phố quy định.

Luật Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ trao cho thủ đô trách nhiệm thực thi các hoạt động cảnh sát về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền của thủ đô hoặc do thủ đô đảm nhiệm.

Về đối ngoại

Tại Bỉ, kể từ năm 1993, cải tổ hiến pháp đã mở rộng thẩm quyền của các khu vực và cộng đồng tương ứng với quan hệ quốc tế. Điều này có nghĩa là các cộng đồng và khu vực bao gồm khu vực vùng thủ đô có thể theo đuổi chính sách đối ngoại trong mối quan hệ với các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ. Quyền này bao gồm cả ký kết điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận hợp tác, nếu các khu vực và cộng đồng này không vượt quá thẩm quyền của mình.

Nga cũng cho phép Thị trưởng Moscow thiết lập mối quan hệ giữa thành phố với các vùng của Liên bang và với thế giới, trong đó có các vấn đề mang tầm quốc gia.

__________

Trang báo được hoàn thành dựa trên tài liệu của Bộ Tư pháp

Đạt Quốc