Bồi thường và giải quyết tranh chấp trong thu hồi đất

- Chủ Nhật, 11/09/2022, 07:45 - Chia sẻ

Nguyên tắc bồi thường khi thu hồi đất được xác định là phải bảo đảm cho người bị thu hồi đất có chỗ ở bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ.

Quy định về bồi thường

Các khoản tiền trả cho người sử dụng đất bị thu hồi gồm:

- Tiền bồi thường đất đai;

- Tiền trợ cấp về tái định cư;

- Tiền trợ cấp bồi thường hoa màu trên đất đai.

Bồi thường khi thu hồi đất không căn cứ giá thị trường, mà phụ thuộc vào mục đích sử dụng ban đầu của khu đất bị thu hồi, cụ thể là:

làng Jinhua, ngoại ô thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô - China Daily.jpg
Làng Jinhua, ngoại ô thành phố Côn Sơn, tỉnh Giang Tô Nguồn: China Daily

Đối với đất nông nghiệp, cách tính tiền bồi thường đất đai và tiền trợ cấp tái định cư căn cứ theo giá trị tổng sản lượng của đất đai những năm trước đây rồi nhân với một hệ số do nhà nước quy định. Mức bồi thường được tính bằng 6 đến 10 lần giá trị sản lượng hàng năm trung bình của ba năm trước khi thu hồi. Trợ cấp tái định cư được tính bằng 4 đến 6 lần giá trị sản lượng hàng năm trung bình. Bồi thường về hoa màu và các công trình hiện có sẽ do chính quyền địa phương quyết định.

Trong trường hợp mức bồi thường không đủ để duy trì mức sống ban đầu, thì có thể tăng thêm, tuy nhiên, tổng mức bồi thường không vượt quá 30 lần giá trị sản lượng trung bình của 3 năm trước khi thực hiện thu hồi nếu như các quy định trong luật không đủ duy trì mức sống hiện tại của người nông dân. Ví dụ: ở Bắc Kinh quy định, khoản tiền bồi thường hoa màu được tính bằng 6 - 10 lần sản lượng trung bình của 3 năm trước đó cộng lại; tiền trợ cấp tái định cư được xác định bằng 4 - 6 lần sản lượng bình quân của 3 năm trước đó. Tuy nhiên, tổng 2 khoản tiền này không được vượt quá 30 lần sản lượng bình quân của 3 năm trước của thửa đất đó.

Đối với đất ở, số tiền bồi thường được xác định bao gồm: giá cả xây dựng lại nhà ở, sự chênh lệch giữa xây dựng lại nhà mới và nhà cũ; giá đất tiêu chuẩn và trợ cấp về giá. Giá xây dựng nhà mới được xác định là khoảng cách chênh lệch giữa giá trị còn lại của nhà cũ và chi phí xây dựng lại nhà mới. Còn giá đất tiêu chuẩn do Nhà nước quyết định, căn cứ theo giá đất trong cùng khu vực.

Việc trợ cấp về giá cũng do chính quyền xác định. Khoản tiền bồi thường này được tính theo mét vuông, cộng lại và nhân với diện tích xây dựng của nhà ở.

Những đối tượng trong diện giải tỏa mặt bằng được hưởng chính sách mua nhà ưu đãi của nhà nước. Trường hợp nhà nước có diện tích nhà ở tái định cư thì nếu người được bồi thường có nhu cầu sẽ được phân nhà với diện tích tương đương số tiền họ đã được nhận bồi thường.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau khi nhận tiền bồi thường, người dân thường mua nhà bên ngoài thị trường. Người dân thuộc khu vực nông thôn có thể dùng khoản tiền bồi thường này mua được 2 căn hộ ở cùng một nơi.

Điển hình ở Bắc Kinh, phần lớn các gia đình sử dụng số tiền bồi thường đó cộng với khoản tiền tiết kiệm của họ để có thể mua được căn hộ mới. Tuy nhiên, cũng có một số gia đình ở thành thị, tiền bồi thường không đủ để mua căn hộ để ở.

Bên cạnh đó, khi bị thu hồi đất nông nghiệp, người nông dân có thể bị mất đất canh tác và phải chuyển đổi nghề nghiệp. Vì vậy, bên cạnh các khoản bồi thường trên, Trung Quốc còn thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội như sau: đối với người già thì thực hiện chế độ dưỡng lão: theo quy định, phụ nữ từ 45 tuổi và nam giới từ 50 tuổi trở lên được trả từ 90.000 - 110.000 NDT/1 lần cho Cục Bảo hiểm xã hội và Cục Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm trả tiền dưỡng lão hàng năm cho những người này; đối với những người đang trong độ tuổi lao động thì trả cho họ một khoản tiền khoảng 100.000 - 120.000 NDT để các đối tượng này tự đi tìm việc làm mới.

Như vậy, quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp ở Trung Quốc thể hiện sự quan tâm đến người dân. Khi chính quyền thu hồi đất, phải chú ý đến lợi ích của người sử dụng đất và có sự đền bù hợp lý, gắn công tác bồi thường với việc giải quyết các vấn đề xã hội.

Giải quyết khiếu nại về thu hồi đất

Theo thống kê, kể từ năm 2010, trung bình mỗi năm ở Trung Quốc có 100.000 vụ khiếu nại hành chính. Số lượng vụ việc khiếu nại hành chính được thụ lý về cơ bản cân bằng với số lượng vụ việc khởi kiện được Tòa án thụ lý. Ở một số địa phương như Thượng Hải, Hắc Long Giang, số lượng vụ việc khiếu nại hành chính cao gấp 2 lần số vụ án hành chính sơ thẩm. Về nội dung khiếu nại, tỷ lệ cụ việc trong các lĩnh vực thu hồi đất đai; xử phạt vi phạm hành chính an ninh trât tự xã hội; giao thông;… tương đối cao.

Để tăng cường chất lượng và hiệu quả giải quyết khiếu nại hành chính, năm 1999, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc đã thông qua Pháp lệnh Khiếu nại hành chính có tính chất thay thế Điều lệ khiếu nại hành chính được Quốc vụ viện Trung quốc ban hành năm 1990. Theo quy định pháp luật, tranh chấp về quyền chủ sở hữu hoặc quyền sử dụng đất sẽ được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên, nếu đàm phán không thành công, sẽ do chính quyền địa phương giải quyết. Tranh chấp giữa các đơn vị sẽ được giải quyết bởi chính quyền địa phương ở cấp trên cấp quận, tranh chấp giữa cá nhân hoặc giữa cá nhân và đơn vị sẽ được giải quyết ở cấp thị xã hoặc cấp quận hoặc cấp cao hơn. Nếu các bên liên quan không chấp nhận quyết định của chính quyền địa phương, tranh chấp sẽ được đưa ra tòa án trong vòng 30 ngày sau khi các bên nhận được thông báo về quyết định. Tuy nhiên, hiện tại, nhiều người dân không lựa chọn tòa án để giải quyết khiếu kiện về thu hồi đất do mức phí cao và các hạn chế khác.

Đặc biệt, từ năm 2008, Ban Pháp chế của Quốc vụ viện đã ban hành “Thông báo về việc thiết lập thí điểm Ủy ban Khiếu nại hành chính ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Ban đầu, các Ủy ban này được thành lập thí điểm ở Bắc Kinh, Hắc Long Giang, Giang Tô rồi dần được mở rộng phạm vi trên cả nước. Tính đến đầu năm 2014 đã có hơn 190 thành phố, huyện của 24 tỉnh, thành phố ở Trung Quốc thành lập Ủy ban khiếu nại hành chính. Thực tiễn cho thấy, sau khi thành lập Ủy ban này, chất lượng giải quyết khiếu nại hành chính nói chung và khiếu nại về thu hồi đất nói riêng được nâng cao rõ rệt. Đây là một trong những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể học hỏi để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại về thu hồi đất hiện nay.

Lê Thuỷ Tiên