Hướng tiếp cận quản lý và thực thi
Có thể nói, Thái Lan đang tiên phong trong việc kiểm soát và quản lý ô nhiễm nước thông qua những hướng tiếp cận và biện pháp thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Trước hết, nước này ban hành các quy chuẩn xả thải và tiêu chuẩn nước mặt. Điều này bảo đảm rằng mọi nguồn nước đều tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt, giữ cho môi trường nước trong tình trạng sạch sẽ và an toàn. Tiếp đến, Thái Lan áp dụng nguyên tắc quản lý lưu vực để kiểm soát được nước thải sinh hoạt từ các khu dân cư tập trung. Quy định đòi hỏi tất cả các công trình nhà ở phải trang bị hệ thống xử lý nước thải, từ các công nghệ hiện đại đến những giải pháp đơn giản như bể tự hoại.
Ngoài ra, đối với hướng tiếp cận liên quan đến tổng lượng nước thải phát sinh, các khu đô thị phải xây dựng các nhà máy xử lý nước thải tập trung, được cấp kinh phí để vận hành và duy trì. Đồng thời các khu công nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải và được kiểm soát.
Đối với việc quản lý lưu vực, Thái Lan hỗ trợ bảo vệ môi trường nước bằng cách giữ lượng chất ô nhiễm phát sinh ra môi trường trong khả năng của quá trình tự làm sạch của từng khu vực. Bên cạnh đó, đất nước chùa vàng cũng chú trọng đến biện pháp xây dựng đối tác công ty. Theo đó, Tổng Giám đốc Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCED) và các thống đốc tỉnh trong lưu vực sông ký thỏa thuận hợp tác để khôi phục nước mặt thông qua hiệp định lưu vực sông.
Ngoài ra, để ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm nước, Thái Lan còn ban hành Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia (NEQA 1992). Đây là đạo luật khung cơ bản về bảo vệ môi trường trong đó xác định quyền hạn và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường. Luật tập trung vào một số nội dung chính như: thành lập Quỹ môi trường để sử dụng cho việc giải quyết các vấn đề môi trường trong lĩnh vực ưu tiên; thành lập Chiến lược quản lý môi trường quốc gia, trách nhiệm của các cơ quan Chính phủ để thực hiện kế hoạch và cho các địa phương chuẩn bị kế hoạch hành động; Quy định cho Ban Môi trường quốc gia (NEB) công bố các Vùng ô nhiễm (PCAs) hoặc các Vùng được bảo vệ môi trường và bảo tồn khi chứng minh được các yếu tố môi trường cần thiết đã bị ảnh hưởng; Thành lập Hội đồng kiểm soát ô nhiễm với sự tham gia của nhiều cơ quan cho các vấn đề kiểm soát ô nhiễm; Công nhận nguyên tắc "Người gây ô nhiễm phải chi trả"…
Phục hồi các dòng sông
Để phục hồi chất lượng nước của các dòng sông, Chính phủ Thái Lan thành lập các Ủy ban lưu vực sông chịu trách nhiệm lập quy hoạch, hình thành các dự án và triển khai kế hoạch phát triển lưu vực sông. Cục Kiểm soát ô nhiễm chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý chất lượng tất cả lưu vực sông ở Thái Lan.
Đối với lưu vực sông lớn, kế hoạch chỉ tập trung vào quản lý nước thải, ưu tiên xây dựng các cơ sở xử lý nước thải cho các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp. Đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp ở các vùng nông thôn (doanh nghiệp vừa và nhỏ), Chính phủ không có có quy định điều chỉnh mà ban hành văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể để doanh nghiệp tuân theo với mục tiêu hạn chế tối đa nước thải của các cơ sở này gây ô nhiễm nước. Quy định hướng dẫn này đề cập đến việc áp dụng các công nghệ xử lý nước thải đơn giản, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đơn giản như bể lắng với chi phí thấp…
Ngoài ra, Cục Kiểm soát ô nhiễm thành lập các tiêu chuẩn xả thải cho kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn điểm để đáp ứng với các tiêu chuẩn chất lượng nước xung quanh. Trong khi đó, Luật Tăng cường và bảo tồn chất lượng môi trường quốc gia yêu cầu chủ sở hữu các nguồn ô nhiễm thiết kế quan trắc chất lượng xả thải và thu thập dữ liệu thống kế cũng như nộp các báo cáo. Nếu khả năng xử lý của các cơ sở không đáp ứng tiêu chuẩn thì các chủ cơ sở có nhiệm vụ thay đổi hoặc nâng cấp công nghệ xử lý phù hợp với hướng dẫn của cơ quan kiểm soát ô nhiễm. Lệ phí, tiền phạt, trách nhiệm dân sự và các quy định hình sự được áp dụng nếu vi phạm được phát hiện hay các chủ nguồn thải không thực hiện đúng theo yêu cầu…
Box: Theo báo cáo vào năm 2021, 44% nguồn nước mặt ở Thái Lan có chất lượng nước ở mức khá, trong khi chỉ có 2% ở tình trạng rất tốt. Các nguồn gây ô nhiễm chính là nước thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp và chất thải nông nghiệp. Các vấn đề chính về chất lượng nước ở các con sông ở Thái Lan là suy giảm oxy hòa tan, cá chết, hàm lượng nitơ amoniac cao, vi khuẩn coliform cao (gây ra các bệnh về đường ruột) và hiện tượng phú dưỡng (là kết quả của việc ao, ngòi, sông, hồ tiếp nhận một lượng quá lớn các nguồn thải chứa các chất dinh dưỡng như nitơ và phospho, vượt quá khả năng tự điều hòa của hệ thống nước).