Bài 3: Tăng hình phạt đối với hành vi đưa hối lộ

- Chủ Nhật, 30/10/2022, 06:35 - Chia sẻ

Vào cuối năm 2021, các cơ quan thực thi chống tham nhũng của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định nhằm áp dụng hình phạt nặng hơn đối với hành vi đưa hối lộ. Các hình phạt này bao gồm hệ thống danh sách đen hạn chế khả năng tiếp cận thị trường của những đối tượng đưa hối lộ, cũng như giám sát của bên thứ ba đối với các công ty và cá nhân bị điều tra về hành vi tham nhũng. Những quy định đó đánh dấu sự thay đổi trong môi trường thực thi chống tham nhũng ở Trung Quốc, vốn nhiều năm qua chủ yếu tập trung vào người nhận hối lộ.

Thiết lập hệ thống danh sách đen

Theo reedsmith.com, các cơ quan thực thi chống tham nhũng của Trung Quốc cho biết, họ sẽ tập trung vào các công ty và cá nhân trong các ngành chủ chốt, chẳng hạn như khoa học, tài chính, giáo dục và bảo vệ môi trường.

Ngoài hệ thống danh sách đen, các công ty và cá nhân bị phát hiện có hành vi liên quan đến tham nhũng do các cơ quan thực thi chống tham nhũng lập ra, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc cũng tự thiết lập hệ thống danh sách đen các công ty đối tác có hành vi này. Theo đó, công ty và cá nhân nào bị đưa vào danh sách có thể phải chịu một số hạn chế tiếp cận thị trường ở Trung Quốc, cũng như bị tịch thu các khoản thu lợi bất chính.

Vào tháng 9.2021, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI), Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cùng ban hành “Ý kiến ​​về việc thúc đẩy hơn nữa công tác điều tra chung về hối lộ và nhận hối lộ” (gọi tắt là ý kiến). CCDI là cơ quan thực thi chống tham nhũng chính ở Trung Quốc, chịu trách nhiệm điều tra các hành vi liên quan đến tham nhũng của các quan chức Chính phủ. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm thông báo về các hành vi tội phạm liên quan đến tham nhũng cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chịu trách nhiệm điều tra và truy tố hành vi phạm tội liên quan đến tham nhũng của các quan chức Chính phủ và công dân.

Ý kiến ​​ghi rõ, các cơ quan thực thi của Trung Quốc sẽ xem xét một số yếu tố khi áp dụng hình phạt đối với các đối tượng đưa hối lộ, bao gồm cả việc xem xét liệu đối tượng đó có thái độ hợp tác với cuộc điều tra hay không, ý định chủ quan của họ (liệu đó có phải là cố ý), thái độ hối lỗi và khả năng tịch thu số tiền từ các khoản hối lộ. Ý kiến cũng cho biết, các cơ quan thực thi của Trung Quốc sẽ tập trung điều tra vào những người đưa hối lộ, những người đưa “hối lộ nhiều lần, hối lộ số tiền lớn và hối lộ cho nhiều người”.

Thực tế, CCDI đã bắt đầu triển khai hệ thống danh sách đen ở Trung Quốc. Ví dụ, vào tháng 3.2022, 6 công ty và 106 cá nhân ở tỉnh Hồ Nam đã bị đưa vào danh sách đen. Họ chủ yếu hoạt động trong ngành tài chính và xây dựng. Tên và chi tiết về hành vi liên quan đến tham nhũng đã được công bố rộng rãi. Tại tỉnh Hồ Nam, các công ty và cá nhân nằm trong danh sách đen phải đối mặt với 28 loại hình phạt trong tối đa một năm, chẳng hạn như cấm đấu thầu các hợp đồng Chính phủ, hạn chế tiếp cận trợ cấp của Chính phủ và phải chịu sự tăng cường kiểm tra của các cơ quan Chính phủ. Các công ty và cá nhân sẽ tự động được xóa khỏi danh sách đen nếu họ không có hành vi liên quan đến tham nhũng trong khoảng thời gian một năm. Cũng trong tháng 3, hai nhà phân phối sản phẩm y tế bị đưa vào danh sách đen vì liên quan đến tham nhũng ở Trùng Khánh và bị cấm tham gia vào các thỏa thuận mua bán với các tổ chức y tế ở đây.

Một số doanh nghiệp nhà nước lớn của Trung Quốc cũng công bố danh sách đen của riêng mình vào đầu năm 2022. Ví dụ, Tập đoàn China Southern Airlines đưa vào danh sách đen 26 nhà cung cấp vì đưa hối lộ cho nhân viên của tập đoàn trong quá trình mua sắm. Những nhà cung cấp này bị cấm kinh doanh với hãng hàng không vĩnh viễn hoặc tạm thời, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi và mức độ hợp tác của họ với các cuộc điều tra. Tập đoàn FAW, một nhà sản xuất ô tô thuộc sở hữu Nhà nước, cũng đưa vào danh sách đen những nhà cung cấp đưa hối lộ hoặc quà cáp cho nhân viên của mình. Họ có thể bị cấm kinh doanh với FAW Group từ một năm đến vĩnh viễn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi liên quan đến tham nhũng của họ.

Giám sát của bên thứ ba

Tháng 6.2021, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành “Hướng dẫn thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá của bên thứ ba đối với sự tuân thủ của các doanh nghiệp liên quan đến các vụ việc (để triển khai thử nghiệm)” (gọi tắt là Cơ chế của bên thứ ba).

Cơ chế của bên thứ ba áp dụng cho các công ty và cá nhân đang bị điều tra về hành vi liên quan đến tham nhũng. Để đủ điều kiện cho sự giám sát của bên thứ ba, trước tiên, bên liên quan phải nhận tội về kinh tế hoặc tội liên quan đến nghĩa vụ, chẳng hạn như đưa hối lộ cho các quan chức Chính phủ. Các bên liên quan cũng phải cam kết chấp nhận các hình phạt do Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đưa ra và thiết lập một chương trình tuân thủ hoặc cải thiện chương trình hiện có của họ. Các công ty và cá nhân bị điều tra và luật sư của họ có thể yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao để bên thứ ba giám sát việc tuân thủ cho họ.

Cơ chế yêu cầu các công ty và cá nhân gửi kế hoạch tuân thủ cho cơ quan giám sát của bên thứ ba để khắc phục “rủi ro tuân thủ nội bộ” dẫn đến hành vi liên quan đến tham nhũng. Các rủi ro tuân thủ nội bộ này bao gồm “cấu trúc quản trị nội bộ, các quy tắc, quy định, và quản lý nhân sự”. Cơ quan giám sát của bên thứ ba sẽ đánh giá “tính khả thi, hiệu quả và tính toàn diện” của kế hoạch tuân thủ, đồng thời đưa ra các đề xuất cải tiến đối với kế hoạch tuân thủ. Người giám sát của bên thứ ba đặt ra khung thời gian để các bên liên quan thực hiện kế hoạch tuân thủ của họ, và có thể yêu cầu các bên liên quan báo cáo định kỳ về tình trạng thực hiện.

Khi kết thúc giám sát, cơ quan giám sát của bên thứ ba đánh giá kế hoạch tuân thủ do những người đưa hối lộ thực hiện. Sau đó, người giám sát sẽ gửi “báo cáo kiểm tra tuân thủ” của họ cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Báo cáo đóng vai trò “như tài liệu tham khảo quan trọng” cho Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khi quyết định cách thức sẽ khởi tố vụ án. Một báo cáo thuận lợi có thể giúp công ty hoặc cá nhân liên đới chỉ phải chịu hình phạt ít nghiêm khắc hơn.

Cơ chế bên thứ ba thiết lập cơ sở dữ liệu gồm các chuyên gia (chẳng hạn như luật sư và kế toán) để giám sát các công ty và cá nhân bị điều tra về hành vi liên quan đến tham nhũng. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chịu trách nhiệm lựa chọn, đào tạo và giám sát các chuyên gia này.

Cơ chế đang được thí điểm tại 10 tỉnh của Trung Quốc, bao gồm: Bắc Kinh, Quảng Đông, Thượng Hải và Chiết Giang. Tính đến tháng 4.2022, cơ chế này đã được áp dụng trong 503 vụ án liên quan đến tham nhũng trên khắp các tỉnh, thành phố trên. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao kỳ vọng, cơ chế bên thứ ba sẽ được thực hiện trên khắp Trung Quốc vào năm 2023.

Thái Anh