Những áp lực đối với hệ thống hưu trí
Báo cáo Chỉ số hưu trí toàn cầu nhiều năm gần đây của Viện CFA Mercer, và đặc biệt là Báo cáo mới nhất năm 2023 thừa nhận rằng, hệ thống hưu trí trên toàn thế giới đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết, do xu hướng già hóa dân số khiến số người bước vào độ tuổi nghỉ hưu cũng như có tuổi thọ cao hơn, lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và bất ổn địa chính trị.
"Hệ thống hưu trí trên khắp thế giới đang đối mặt với tình hình tuổi thọ cao chưa từng thấy và áp lực ngày càng lớn đối với nguồn lực công để hỗ trợ phúc lợi và y tế cho người già", Tiến sĩ David Knox, đồng tác giả của báo cáo trên cho biết. "Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đối mặt với những điểm mạnh và điểm yếu trong hệ thống hưu trí, nhằm bảo đảm phúc lợi dài hạn dành cho những người về hưu trong tương lai". Theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc (UN), khoảng 1/5 dân số toàn cầu được dự báo sẽ bước vào tuổi nghỉ hưu vào năm 2070.
Bên cạnh đó, kể từ đại dịch Covid-19, tình trạng suy giảm kinh tế cùng với đó là lạm phát gia tăng và chính sách tài khóa thắt chặt của nhiều quốc gia cũng là một trong những yếu tố gây áp lực đáng kể đến các quỹ hưu trí trên toàn thế giới. Bà Margaret Franklin, Chủ tịch, Giám đốc điều hành của Viện CFA cho biết: “Bên cạnh thách thức do độ tuổi trung bình của dân số trên toàn thế giới tiếp tục tăng, lạm phát và lãi suất tăng đã đặt ra những áp lực đáng kể cho các kế hoạch hưu trí. Chúng tôi cũng thấy sự rạn nứt liên quan đến toàn cầu hóa”. Bà nói thêm: “Đây chỉ là một vài trong số những thách thức ngày càng phức tạp mà các quỹ hưu trí phải đối mặt và ảnh hưởng đến người về hưu theo những cách ngày càng đáng lo ngại”.
Xu hướng cải cách
Đứng trước những thách thức trên, các hệ thống hưu trí phải đối mặt với áp lực cải cách, bởi đây không chỉ là vấn đề bảo đảm về tài chính mà có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định đời sống kinh tế - xã hội.
Viện CFA Mercer thừa nhận rằng, không có giải pháp phổ quát nào có thể áp dụng chung cho tất cả các nước vì mỗi hệ thống hưu trí đều được phát triển từ hoàn cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị và lịch sử riêng biệt của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, trên cơ sở chỉ ra những thách thức chung của hệ thống lương hưu trên toàn thế giới, cơ quan này đưa ra những khuyến nghị cải cách mang tính chung nhất.
Thứ nhất, các chương trình hưu trí bắt buộc nên chuyển dịch dần từ khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân. Các nước cũng nên tích cực phát triển các chương trình hưu trí tự nguyện, coi đó là một kênh quan trọng để giúp người lao động tự bảo đảm cho tương lai của chính mình.
Thứ hai, các chương trình hưu trí nên chuyển đổi từ phương thức mức hưởng xác định trước sang mức đóng xác định. Đồng thời, nên cho phép sự tham gia của nhiều đơn vị trung gian như như đơn vị giám sát, đơn vị quản lý tài sản, tổ chức đầu tư (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng…), đơn vị quản trị chương trình hưu trí…
Thứ ba, Viện CFA Mercer khuyến nghị các hệ thống lương hưu trên toàn cầu nên hạn chế khả năng tiếp cận các quỹ trước khi nghỉ hưu, hạn chế việc thanh toán lương hưu một lần. Để làm được điều này, các hệ thống hưu trí và bảo hiểm xã hội nói riêng cần cải thiện tính minh bạch, cũng như các Chính phủ cần tăng cường tuyên truyền, cải thiện sự hiểu biết và tin tưởng của người tham gia chương trình bảo hiểm.