Hiến pháp Nhật Bản

Sự ra đời của Hiến pháp hòa bình

- Thứ Sáu, 18/11/2011, 07:03 - Chia sẻ
Hiến pháp hiện thời của Nhật Bản ra đời từ năm 1946, có hiệu lực chính thức từ ngày 3.5.1947. Hiến pháp này còn gọi là Hiến pháp hòa bình, có độ cương tính cao, cho đến nay chưa một lần được sửa đổi. Sở dĩ như vậy vì quy trình, thủ tục sửa đổi Hiến pháp rất khó khăn và đồng thời nó vẫn phù hợp với thực tiễn, với lợi ích của các lực lượng chính trị cầm quyền. Ngoài ra, kỹ thuật thể hiện trong bản Hiến pháp của Nhật Bản mang tính chuẩn mực, đi vào xác định những nguyên tắc chung, các vấn đề cơ bản nên rất ngắn gọn và chặt chẽ, thể hiện xu hướng kỹ thuật lập hiến hiện đại và tiến bộ.

Sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nhật Bản đầu hàng phe Đồng minh. Với mong muốn một nước Nhật theo đường lối hòa bình và dân chủ tự do, xóa bỏ chế độ quân phiệt và nền quân chủ tuyệt đối của Nhật Bản, tướng Mỹ MacArthur, Chỉ huy các lực lượng chiếm đóng Nhật Bản, đã giao các luật sư người Mỹ soạn thảo bản Hiến pháp mới cho nước Nhật, thay thế Hiến pháp Minh Trị 1890, dịch bản Hiến pháp mới ra tiếng Nhật và giao cho Chính phủ Nhật lúc đó thực hiện các quy trình, thủ tục bình thường về sửa đổi Hiến pháp để Hiến pháp mới có hiệu lực. Về mặt hình thức, bản Hiến pháp 1946 của Nhật Bản tuân thủ theo quy trình, thủ tục sửa đổi được quy định trong Hiến pháp Minh Trị cũ, nhưng nội dung bản chất hay giá trị bản sắc của Hiến pháp đã được thay đổi hoàn toàn. Về hình thức, bản Hiến pháp mới chỉ là một văn bản sửa đổi Hiến pháp Minh Trị, không vi phạm các quy định của Hiến pháp Minh Trị, do đó duy trì tính liên tục và giá trị pháp lý của bản Hiến pháp mới.

Căn cứ theo Điều 73 của Hiến pháp Minh Trị 1890, dự thảo Hiến pháp mới được Nhật Hoàng trình lên Quốc hội và được thảo luận tại Quốc hội với tư cách là một dự luật sửa đổi Hiến pháp đế chế. Hiến pháp cũ quy định dự luật sửa đổi phải nhận được đa số 2/3 phiếu ủng hộ tại cả hai Viện của Quốc hội để trở thành luật. Sau khi hai Viện điều chỉnh, sửa đổi bản dự thảo, Thượng viện Nhật đã thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp ngày 6.10.1946 và Hạ viện cũng thông qua bản dự luật đó ngay ngày hôm sau với chỉ 5 phiếu chống. Cuối cùng, bản Dự thảo chính thức trở thành luật ngày 3.5.1947 sau khi Nhật Hoàng chấp thuận. Theo điều khoản của luật, bản Hiến pháp mới có hiệu lực sau 6 tháng kể từ ngày Nhật Hoàng phê chuẩn, tức là ngày 3.5.1947.

Hiến pháp mới của Nhật Bản do lực lượng Mỹ chiếm đóng viết ra và không cho các nhà chính trị và chuyên gia Hiến pháp của Nhật được tự quyết định, nên nó đã trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt, nhất là từ khi Nhật Bản giành lại chủ quyền vào năm 1952. Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo Hiến pháp mới này, từ cuối năm 1945 và trong năm 1946, ở Nhật đã có nhiều cuộc thảo luận công khai về cải cách Hiến pháp Minh Trị và tướng MacArthur đã quyết định tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của trường phái dân chủ tự do ở Nhật thắng thế trong các cuộc tranh luận về cải cách Hiến pháp. Chính vì thế, MacArthur đã không áp đặt một bản Hiến pháp kiểu Mỹ, các giá trị Mỹ của chế độ cộng hòa tổng thống vào nước Nhật. Trái lại, ông đã đề xuất một bản Hiến pháp mới theo mô hình quân chủ đại nghị của Vương quốc Anh, một mô hình được những người Nhật theo đường lối dân chủ tự do xem là khả thi nhất để thay chế độ quân chủ tuyệt đối của Hiến pháp Minh Trị. Chính vì bản Hiến pháp mới là kết tinh những giá trị tiến bộ mà chính người Nhật tự mình tiếp thu và thừa nhận, nên nó có sức sống mạnh mẽ, chống lại được các sức ép và nỗ lực đòi thay đổi của các lực lượng bảo thủ và dân tộc chủ nghĩa ở Nhật từ sau năm 1952 đến nay.

Lê Anh