Rủi ro khi dỡ bỏ bản quyền vaccine

- Chủ Nhật, 06/06/2021, 08:14 - Chia sẻ
Có nhiều lý do để một số nước trong đó có châu Âu phản đối việc tạm thời dỡ bỏ bản quyền vaccine. Họp báo về vấn đề này hôm 6.5, phát ngôn viên của Chính phủ Đức cảnh báo việc này sẽ làm các hãng dược, các công ty công nghệ sinh học mất động lực nghiên cứu, phát triển vaccine, tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghiệp vaccine nói chung. Vì thế “việc bảo vệ tài sản trí tuệ là nguồn lực cho sáng tạo và phải được duy trì trong tương lai”.

Ảnh hưởng đến công sức và động lực nghiên cứu

Theo đài CNN, trong bối cảnh hiện tại thì chuyện từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine là một vấn đề rất phức tạp. Một vaccine sau khi được nghiên cứu bào chế thành công là tập hợp của một loạt thành phần, nguyên liệu khác nhau và mỗi thành phần, nguyên liệu này đều được ít nhất một công ty hay một nhà nghiên cứu nào đó đăng ký bản quyền trí tuệ.

Ví dụ, bên trong vaccine của hãng dược Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) sản xuất có 280 thành phần và nguyên liệu được mua bản quyền từ nhiều bên đến từ 19 quốc gia. Một khi kịch bản từ bỏ bản quyền vaccine xảy ra, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận và sử dụng thoải mái các thành phần, nguyên liệu trong loại vaccine này - gây thiệt hại đáng kể cho Pfizer, BioNTech và những bên đang nắm bản quyền các thành phần và nguyên liệu đó.

“Một liều vaccine chứa đựng tất cả tài sản trí tuệ từ thỏa thuận cấp phép, bản quyền, kiểu dáng công nghiệp đến các luật bảo hộ bí mật thương mại, bí mật sáng chế. Nếu từ bỏ bản quyền vaccine phòng Covid-19 thì làm sao những nội dung này có thể được thực thi nữa?” - chuyên gia về quyền sở hữu trí tuệ Achal Prabhala thuộc Quỹ Shuttleworth (Nam Phi) phân tích.

Ông Prabhala còn khẳng định, bản quyền trí tuệ là xương sống cho toàn ngành dược và y tế bởi quá trình nghiên cứu và tạo ra được một sản phẩm sử dụng an toàn trên người thật sự rất khó và tốn thời gian. Việc công nhận và bảo vệ bản quyền là cách tôn trọng công sức của nhà nghiên cứu.

Nguồn: ITN

Nguy cơ lộ bí mật công nghệ

Một vấn đề khác cũng quan trọng không kém khi nhắc tới vấn đề bản quyền vaccine là việc bảo vệ công nghệ và công thức bào chế vaccine. Hiện Pfizer, BioNTech và Moderna (Mỹ) là các hãng dược và công ty công nghệ đi đầu trong việc sử dụng công nghệ mRNA thế hệ mới giúp gia tăng đáng kể hiệu quả vaccine.

Công nghệ này cũng được đánh giá là có tính ứng dụng cao không chỉ trong phòng Covid-19 mà còn ở các bệnh khác trong tương lai. Trong khi đó, các hãng dược ở Nga hay Trung Quốc thì chưa áp dụng hoàn chỉnh được công nghệ này; các loại vaccine mà các nước này sản xuất và đưa vào sử dụng không có công nghệ mRNA nên mức độ hiệu quả vì thế cũng có phần không cao bằng.

“Pfizer và Moderna phải mất rất nhiều năm nghiên cứu để có thể phát triển những vaccine này. Trung Quốc và Nga cùng những nước khác đều muốn tiếp cận nó. Mục tiêu của họ là sở hữu công nghệ nền để bào chế vaccine không chỉ để ngăn ngừa Covid-19 mà còn cho các bệnh khác” - cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc Gary Locke chia sẻ trên Reuters.

Trong trường hợp bản quyền vaccine bị từ bỏ, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ bắt các hãng dược nói trên giao nộp công nghệ nếu muốn hoạt động ở thị trường Trung Quốc.

Mặt khác, Bắc Kinh cũng có thể yêu cầu các công ty khác thu nhập giúp các thông tin đó mà không sợ bị chỉ trích là đánh cắp bí mật của công ty nước ngoài. Nếu các hãng dược từ chối cung cấp thông tin thì sẽ phải đối mặt với nhiều hậu quả pháp lý.

Còn nhớ, bản quyền trí tuệ là một khúc mắc lớn giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều năm nay, là một trong những nguyên nhân chính khiến thương chiến Mỹ - Trung bùng phát năm 2018.

Quỳnh Vũ