Nghị viện tam viện Nam Phi được thành lập năm 1984, theo Hiến pháp Nam Phi 1983. Tiền thân của cơ quan này ra đời từ năm 1981, khi Thượng viện bị thay thế bởi Hội đồng Tổng thống, đóng vai trò như cơ quan cố vấn, gồm 6 thành viên do các nhóm người da trắng, da màu, người Ấn và người Hoa đề cử. Sau yêu cầu của Thủ tướng P.W.Botha, năm 1982, Hội đồng Tổng thống đã trình ra một loạt đề xuất cải cách Hiến pháp và chính trị, trong đó kêu gọi thực hiện chia sẻ quyền lực giữa các nhóm sắc tộc. Phe cánh hữu của đảng NP không hài lòng với đề xuất này. Vì vậy, một nhóm các nghị sĩ do Dr. Andries Treurnicht, thành viên Nội các và lãnh đạo của NP tại tỉnh Transvaal dẫn đầu, đã tách khỏi NP và thành lập đảng Bảo thủ (CP) nhằm tìm cách đưa Nam Phi quay trở lại thời kỳ phân biệt chủng tộc.
Tuy nhiên, Tổng thống Botha tiếp tục ủng hộ việc thực thi các đề xuất của Hội đồng Tổng thống và năm 1983, Chính phủ do đảng NP lãnh đạo đã đề xuất khuôn khổ Hiến pháp mới và đưa dự thảo Hiến pháp mới ra trưng cầu dân ý, nhằm phê chuẩn dự thảo này. Cuộc trưng cầu dân ý được tiến hành với cử tri hầu hết là người da trắng vào ngày 2.11.1983. Cả đảng Tiến bộ liên bang (PFP), vốn phản đối việc gạt bỏ tiếng nói của người da đen, cũng như đảng CP, phản đối người da màu và người Ấn tham gia chính trị, đều vận động cử tri bỏ phiếu “Không”. Tuy nhiên, kết quả trưng cầu dân ý cho thấy, số người ủng hộ đã giành chiến thắng với 66,3% phiếu. Hiến pháp mới được Nghị viện ban hành với tên gọi Hiến pháp Nam Phi 1983.
Theo Hiến pháp mới, Nghị viện gồm 3 viện riêng rẽ. Trong đó, Hạ viện (House of Assembly) gồm 178 thành viên da trắng; Viện đại diện (House of Representatives) gồm 85 thành viên đại diện cho người da màu và Viện đại biểu (House of Delegates) gồm 45 thành viên đại diện cho người Ấn. Mỗi viện có thẩm quyền giải quyết những vấn đề riêng thuộc về cộng đồng sắc tộc mà viện đó đại diện, như giáo dục, an sinh xã hội, nhà ở, chính quyền địa phương, văn hóa, giải trí… Những vấn đề chung, như quốc phòng, tài chính, chính sách đối ngoại, tư pháp, pháp luật, giáo thông, thương mại, công nghiệp, nhân lực, nội vụ và nông nghiệp sẽ cần phải được cả ba viện thông qua, sau khi được các ủy ban thường trực chung của ba viện xem xét.
Sau 10 năm hoạt động, Nghị viện tam viện của Nam Phi giải tán năm 1994. Một trong những văn bản luật được cơ quan lập pháp này thông qua là Hiến pháp lâm thời năm 1993, nhằm mở được cho cuộc bầu cử không phân biệt chủng tộc đầu tiên ở Nam Phi, diễn ra ngày 27.4.1993.