Theo kết quả cuộc trưng cầu, 62% trên tổng số 3,2 triệu người bỏ phiếu ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, và chỉ có 1/43 quận bỏ phiếu phản đối. Đây là một kết quả ấn tượng nhất là khi cách đây không lâu chẳng mấy ai dám nghĩ đến cuộc bỏ phiếu này. Ireland chỉ mới dỡ bỏ tội danh hình sự áp cho hành vi tình dục đồng giới năm 1993. Ở đất nước này, nhà thờ có ảnh hưởng sâu rộng, chi phối nhiều mặt đời sống, đặc biệt là hệ thống giáo dục, và việc phá thai vẫn bị coi là phạm pháp trừ khi mạng sống của người mẹ bị đe dọa. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân đã thay đổi Hiến pháp Ireland, từ đây mọi cuộc hôn nhân giữa hai người “không phân biệt giới tính” sẽ đều được coi là hợp pháp.
“Ngày hôm nay Ireland đã làm nên lịch sử. Bằng việc bỏ phiếu kín, mọi người đã đưa ra một tuyên bố công khai”, Thủ tướng Enda Kenny phát biểu trong một cuộc họp báo. “Quyết định này khiến cho mọi công dân đều bình đẳng, và tôi tin rằng nó sẽ củng cố định chế hôn nhân”, ông Kenny khẳng định.
Kết quả bỏ phiếu là chương mới nhất trong cuộc xung đột văn hóa sâu sắc có quy mô rộng khắp toàn cầu. Trong khi hôn nhân đồng giới đang trỗi lên mạnh mẽ ở nhiều phương Tây, được công nhận là hợp pháp ở 19 quốc gia, thì ở phần lớn khu vực Trung Đông, tình dục đồng tính vẫn bị coi là phạm pháp và quyền của người đồng tính liên tục bị xâm phạm ở Nga và nhiều nước châu Phi.
Những người ủng hộ kết hôn đồng giới ở Ireland ăn mừng chiến thắng sau cuộc trưng cầu ý dân hôm 23.5 |
Với những nhà hoạt động lớn tuổi, thời khắc này đánh dấu một bước phát triển có ảnh hưởng mạnh mẽ ở Ireland. Đối với thế giới, nó cho thấy phong trào đòi quyền cho người đồng giới đã vươn xa đến thế nào khi đạt được bước tiến có ý nghĩa lớn lao như vậy ở đất nước có lịch sử là một thành trì tôn giáo vững chắc.
Bộ trưởng Truyền thông Ireland Alex White khẳng định: “Kết quả này không thay đổi Ireland, mà xác nhận sự thay đổi đó. Kết quả này cũng đánh dấu sự phân tách thật sự giữa nhà nước và nhà thờ”.
“Tôi cho rằng đây là thời khắc tạo cho Ireland một thương hiệu mới. Ireland không còn là đất nước bị vướng mắc trong truyền thống, mà là một đất nước có một truyền thống có tính dung nạp”, một nhà hoạt động nhận xét.
Theo kết quả một cuộc khảo sát về dân chủ trực tiếp ở 214 nước thì: - Có 110 nước quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với cả hiến pháp và một số vấn đề quan trọng khác (trong đó có Singapore, Thái Lan, Thụy Sĩ, Thụy Điển…). - 27 nước chỉ quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với hiến pháp (Ireland, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản). - 12 nước quy định trưng cầu ý dân bắt buộc đối với các vấn đề khác nhưng không bắt buộc đối với hiến pháp. - 65 nước không có quy định gì về trưng cầu ý dân (Brunei, Campuchia, Myamar, Ấn Độ, Lào, Indonesia, Malaysia…). |