Con đường không bằng phẳng

- Chủ Nhật, 03/04/2022, 07:05 - Chia sẻ
Trong hành trình phấn đấu đi vào cuộc sống, con đường mà dự luật Thị trường kỹ thuật số của EU đang đi không hề bằng phẳng và gặp phải khá nhiều chông gai…

Theo The New York Times, nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra về cách luật mới (sau khi đã được thông qua) sẽ hoạt động trong thực tế. Các công ty công nghệ lớn chắc chắn sẽ tìm cách giảm thiểu tác động của văn bản pháp lý này của EU thông qua các tòa án. Ngược lại, các cơ quan quản lý châu Âu sẽ cần nguồn kinh phí mới để trả cho trách nhiệm giám sát mở rộng của họ như thuê thêm nhiều nhân viên mới để điều tra các công ty công nghệ, trong bối cảnh ngân sách của khối đang bị căng thẳng vì đại dịch Covid-19. Trên thực tế, các luật khác của EU, chẳng hạn như luật quyền riêng tư trực tuyến, hay còn gọi là Quy định chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR), từng hứng chịu khá nhiều chỉ trích vì thiếu thực thi.

Ông Thomas Vinje, luật sư kỳ cựu về chống độc quyền ở Brussels, người từng đại diện cho Amazon, Microsoft và Spotify nhận định: “Áp lực sẽ rất lớn để cho ra kết quả nhanh chóng”. Thực tế, nhiều nhóm công nghiệp công nghệ chỉ trích dự luật mới là có thành kiến đối với các công ty Mỹ và dự đoán nó sẽ gây hại cho sự đổi mới ở châu Âu.

Theo ông Adam Kovacevich, Giám đốc điều hành của Chamber of Progress, một nhóm thương mại ở Washington: “Dự luật được viết ra để nhắm mục tiêu vào các công ty công nghệ của Mỹ và tác động của nó sẽ ảnh hưởng đến người lao động Mỹ”. “Các quy định của châu Âu áp dụng riêng cho lĩnh vực công nghệ của chúng tôi đe dọa việc làm của người Mỹ - không chỉ ở Thung lũng Silicon, mà còn ở các thành phố từ Pittsburgh đến Birmingham”, ông nói.

Nguồn: Getty Images

Dự luật Thị trường kỹ thuật số sẽ áp dụng cho các nền tảng được gọi là “người gác cổng”, gồm những công ty có giá trị thị trường hơn 75 tỉ euro, tương đương khoảng 82.5 tỷ USD. Nhóm trên sẽ bao gồm những cái tên sừng sỏ như Alphabet - chủ sở hữu của Google và YouTube, Amazon, Apple, Microsoft và Meta (chủ sở hữu Facebook).

Nhiều nhà phê phán nhận xét, những quy định trong dự luật chẳng khác nào “danh sách mong muốn” cho các đối thủ của các công ty lớn nhất. Bởi Apple và Google, những công ty tạo ra hệ điều hành chạy trên hầu hết điện thoại thông minh, sẽ được yêu cầu nới lỏng chính sách của họ. Ví dụ, Apple sẽ phải cho phép các lựa chọn thay thế cho App Store trong việc tải xuống ứng dụng. Dự luật cũng sẽ cho phép các công ty như Spotify hay Epic Games sử dụng các phương thức thanh toán không phải của Apple trong App Store, vốn tính phí hoa hồng tới 30%. Đây chính là điều Apple cực lực phản đối.

Amazon sẽ bị cấm sử dụng dữ liệu được thu thập từ những người bán bên ngoài trên các dịch vụ của mình để có thể cung cấp các sản phẩm cạnh tranh, vốn là vấn đề thực tiễn mà EU muốn điều tra chống độc quyền.

Dự luật còn dẫn đến những thay đổi lớn đối với các ứng dụng nhắn tin. Chẳng hạn, ứng dụng WhatsApp, thuộc sở hữu của Meta, có thể được yêu cầu cung cấp biện pháp để người dùng các dịch vụ đối thủ như Signal hay Telegram gửi và nhận tin nhắn cho ai đó đang dùng WhatsApp. Các dịch vụ đối thủ trên sẽ hoàn toàn được lựa chọn phát triển sản phẩm của họ có thể tương tác với WhatsApp…

Trong khi đó, những ông lớn bán quảng cáo trực tuyến lớn nhất, Meta và Google, sẽ phải đối mặt với các giới hạn mới trong việc cung cấp các quảng cáo được nhắm mục tiêu mà không có sự đồng ý. Những quảng cáo như vậy, vốn dựa trên dữ liệu được thu thập từ người dùng khi họ xem Youtube, tìm kiếm trên Google, Instagram và Facebook, đã mang lại lợi nhuận vô cùng lớn cho cả hai công ty.

Những người phản đối cho rằng, quy định mới trong dự luật là mối đe dọa đối với quyền sở hữu trí tuệ. Người phát ngôn của Apple phát biểu: “một số điều khoản của dự luật Thị trường kỹ thuật số sẽ tạo ra các lỗ hổng bảo mật và quyền riêng tư không cần thiết cho người dùng của chúng tôi, trong khi những điều khoản khác sẽ cấm chúng tôi tính phí đối với tài sản trí tuệ mà chúng tôi đã đầu tư rất nhiều”. Google thì sợ “một số quy tắc có thể làm giảm đổi mới và sự lựa chọn có sẵn cho người châu Âu”. Chưa hết, có người còn cảnh báo, các yếu tố của văn bản dự thảo “có thể gây nhầm lẫn dẫn đến sự mâu thuẫn với GDPR”…

Tuy nhiên, bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành của Ủy ban châu Âu về giám sát chính sách cạnh tranh và kỹ thuật số, lại nghĩ khác: “Các nền tảng người gác cổng lớn đã ngăn cản các doanh nghiệp và người tiêu dùng khỏi những lợi ích của thị trường kỹ thuật số cạnh tranh. Vì thế, họ giờ đây sẽ “phải tuân thủ một loạt các nghĩa vụ và điều cấm được xác định rõ ràng”.

Linh Anh