Chính sách về tuần làm việc 4 ngày trên thế giới

Bỉ: Giúp người lao động và doanh nghiệp mạnh mẽ hơn

- Chủ Nhật, 20/03/2022, 05:55 - Chia sẻ
Giữa tháng 2 vừa qua, Bỉ bày tỏ ý định gia nhập “câu lạc bộ” những quốc gia cho phép người lao động hưởng tuần làm việc 4 ngày như một phần thay đổi về Luật Lao động trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19.

Thích ứng theo điều kiện mới

Thông báo về dự luật cải cách này, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho biết, chính sách tạo thuận lợi hơn cho người lao động sẽ giúp người dân và doanh nghiệp mạnh mẽ hơn sau hai năm khó khăn với đại dịch. Theo ông, Covid-19 đã buộc nước này phải làm việc linh hoạt hơn và thị trường lao động cần phải thích ứng với điều đó. Người lao động trong nền kinh tế Gig (nơi mọi người thường làm việc ở những vị trí tạm thời và linh hoạt, chẳng hạn như tài xế công nghệ như Uber, Grab…) sẽ nhận được sự bảo vệ pháp lý tốt hơn theo các quy định mới, trong khi lao động toàn thời gian sẽ có thể làm việc theo lịch trình linh hoạt theo yêu cầu.

Nguồn: ITN

Trên thực tế, một số quốc gia đã áp dụng hoặc thử nghiệm tuần làm việc ngắn hơn. Không giống như Bỉ, hầu hết các công ty và quốc gia cắt giảm tuần làm việc mà không bắt người lao động phải làm thêm giờ trong ngày làm việc. Trong khi đó, ở Bỉ, những người chọn chế độ làm việc mới theo dự luật sẽ phải làm việc 10 giờ mỗi ngày thay vì 8 giờ như hiện nay. Động thái này giúp họ có khả năng tận hưởng kỳ nghỉ cuối tuần dài hơn hoặc có thêm một ngày chăm sóc con cái mà không bị cắt, giảm lương.

Có thể nói, các đề xuất cải cách sẽ có tác động đến việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động ở cả khu vực công lẫn tư. Người lao động cũng có thể yêu cầu lịch trình làm việc linh hoạt. Thời gian thông báo tối thiểu cho các ca làm việc cũng đang thay đổi, với các công ty hiện phải cung cấp lịch trình trước ít nhất 7 ngày. Dự luật sẽ tạo thuận lợi cho những ai muốn dành thêm thời gian cho con cái của mình. Và theo Bộ trưởng Bộ Lao động Bỉ Pierre-Yves Dermagne, nó đặc biệt hữu ích cho các bậc cha mẹ ly hôn hoặc ly thân, những người chia sẻ quyền nuôi con.

Chính sách mới cũng cho phép người lao động quyền ngắt kết nối hoặc tắt các thiết bị làm việc của mình, cũng như bỏ qua các tin nhắn liên quan đến công việc từ văn phòng sau giờ làm việc mà không bị khiển trách hay kỷ luật. Người lao động Bỉ còn được phép chọn làm nhiều giờ hơn trong một tuần và ít hơn vào tuần sau. Tuy nhiên, những yêu cầu này sẽ cần được người quản lý lao động chấp thuận. Theo Bộ trưởng Dermagne, trong trường hợp người sử dụng lao động từ chối yêu cầu trên của nhân viên, họ sẽ phải đưa ra những lý do hợp lý và xác đáng.

Được biết, giới công đoàn ở Bỉ sẽ phải đồng ý với dự thảo luật trước khi các sửa đổi được thực hiện. Việc này sẽ được Hội đồng Nhà nước tư vấn cho Chính phủ xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra biểu quyết tại Nghị viện. Những người chọn tuần làm việc 4 ngày có thể thực hiện trong thời gian 6 tháng thử nghiệm. Sau đó, họ có thể quyết định chọn làm việc kiểu này hoặc không tham gia nữa. Giới chức Bỉ cho biết, khoảng thời gian 6 tháng được chọn để người lao động không bị mắc kẹt quá lâu trong trường hợp lựa chọn sai.

Hàng trăm nghìn người tử vong do làm việc quá sức mỗi năm

Theo nghiên cứu chung của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố giữa năm ngoái, làm việc nhiều giờ đang khiến hàng trăm nghìn người tử vong mỗi năm. Theo nghiên cứu toàn cầu đầu tiên về thiệt hại nhân mạng liên quan đến thời gian làm việc, 745.000 người đã chết do đột quỵ và bệnh tim liên quan đến thời gian làm việc quá dài vào năm 2016. Con số đó tăng gần 30% so với năm 2000. Theo bà Maria Neira, Giám đốc Bộ phận Môi trường, biến đổi khí hậu và sức khỏe của WHO, “làm việc 55 giờ trở lên mỗi tuần là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với sức khỏe”.

Nghiên cứu của WHO và ILO cho thấy, hầu hết nạn nhân (72%) là nam giới và ở độ tuổi trung niên trở lên. Bên cạnh đó, những người sống ở Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương - khu vực được WHO xác định bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Australia - bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Nhìn chung, nghiên cứu dựa trên dữ liệu từ 194 quốc gia cho biết, những người làm việc 55 giờ có nguy cơ đột quỵ cao hơn 35% và nguy cơ tử vong do thiếu máu cục bộ cao hơn 17% so với những người tuần làm việc chỉ 35 - 40 giờ.

Mặc dù nghiên cứu trên chỉ xem xét các số liệu trong giai đoạn 2000 - 2016, lúc đại dịch Covid-19 chưa xảy ra, nhưng theo các quan chức WHO, sự gia tăng công việc từ xa và suy thoái kinh tế toàn cầu do đại dịch có thể làm tăng rủi ro.

Trong khi đó, tuần làm việc 4 ngày đã được chứng minh có lợi cho cả người lao động lẫn người sử dụng lao động. Kết quả một số chương trình thí điểm trên toàn thế giới mang lại nhiều kết quả đầy hứa hẹn đối với người lao động như tăng năng suất, cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, nghỉ ốm ít đi, tinh thần phấn chấn và chi phí chăm sóc trẻ em thấp. Còn về phía người sử dụng lao động, lợi ích có thể thấy là phí bảo hiểm y tế phải đóng cho người lao động giảm, chi phí hoạt động cũng thấp hơn...

Thái Anh