Nghị viện kỹ thuật số giai đoạn Covid-19

Bài học từ đại dịch

- Chủ Nhật, 27/03/2022, 06:17 - Chia sẻ
Sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 vào tháng 3.2020 đã khiến hầu hết các quốc gia lâm vào tình huống bất ngờ và bị động. Nhưng bất chấp những thách thức, tác động của đại dịch không hoàn toàn tiêu cực. Các nghị viện đã tăng tốc đổi mới và số hóa ở mức độ chưa từng có, làm thay đổi văn hóa và phương thức làm việc của họ trong quá trình này. Và bất chấp những rào cản mà nghị viện gặp phải, các nghị viện đã cho thấy nỗ lực vượt bậc để vượt qua chúng và rút ra những bài học kinh nghiệm cho mình.
Nguồn: IPU

Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) đã có Báo cáo “Nghị viện kỹ thuật số giai đoạn Covid-19”, chủ yếu xem xét và khảo sát các số liệu trong năm 2020. Báo cáo cho thấy những đổi mới, chuyển biến nhanh chóng và thành công của nhiều cơ quan lập pháp trên thế giới khi đối phó với tình huống mới. Báo cáo cũng khuyến nghị các biện pháp mà nghị viện nên xem xét, trong việc hiện đại hóa hoạt động của mình, để tăng cường khả năng phục hồi. Thời gian sẽ cho biết tác động lâu dài mà đại dịch có thể gây ra đối với chất lượng công việc lập pháp và giám sát của các nghị viện trên toàn thế giới, nhưng vẫn có cơ sở cho sự lạc quan thận trọng. Những thay đổi lâu dài theo hướng kết hợp giữa phương thức làm việc truyền thống và làm việc từ xa cuối cùng có thể chứng minh tính hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của nghị viện.

Thách thức trong tình hình mới

Khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 1.2020, các Chính phủ trên thế giới phải trải qua nhiều khó khăn để hiểu chuyện gì đang xảy ra và nắm bắt được mức độ khẩn cấp của việc hành động. Hầu hết các nước đều nhận ra rằng cần phải thực hiện các bước khẩn cấp nhằm thích ứng với tình hình dịch bệnh. Đã có rất nhiều phản ứng khác nhau, một số quốc gia đối phó thành công hơn những quốc gia khác. Trong mọi trường hợp, nhiệm vụ của tất cả các Chính phủ là phải ứng phó bằng các biện pháp thích hợp, chẳng hạn như giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới và nền kinh tế, tăng cường các dịch vụ y tế. Kinh doanh, văn hóa và giao tiếp xã hội như thường lệ đã bị đình trệ ở khắp mọi nơi. Ngăn chặn đại dịch hầu như đã trở thành trọng tâm duy nhất của nhiều tổ chức công.

Nghị viện chắc chắn nằm trong số đó. Các biện pháp khẩn cấp được yêu cầu để bảo đảm một nơi làm việc an toàn cho các thành viên nghị viện và nhân viên, khắc phục những khó khăn do tình trạng vắng mặt của các nhân viên. Do các quy định hạn chế đi lại và đóng cửa, các cơ quan, tổ chức, công ty hầu hết phải chuyển sang làm việc từ xa và cho phép nhân viên làm việc ở nhà. Trong khi đó, khối lượng công việc của cơ quan lập pháp giai đoạn này càng trở nên đồ sộ. Họ phải thông qua luật khẩn cấp để điều chỉnh các phản ứng của họ đối với đại dịch; xem xét và thông qua các gói kích thích kinh tế mà chính phủ đệ trình cũng như buộc phải xem xét các quy định mới để các cơ quan tổ chức hoạt động thích ứng với tình hình mới. Họ không thể đơn giản đóng cửa như các cơ quan khác. Không ai biết đại dịch sẽ kéo dài bao lâu, mức độ ảnh hưởng của nó sẽ thảm khốc như thế nào hoặc cần phải có những sắp xếp tạm thời trong bao lâu. Rõ ràng là cần có các phương pháp mới để đáp ứng những công việc từ xa và đối với những người làm việc trực tiếp, điều chỉnh cách làm việc của các ủy ban của nghị viện và từng nghị sĩ. Phản ứng được chứng kiến ​​là minh chứng cho sự chuyên nghiệp và tận tâm của các nghị sĩ và nhân viên văn phòng Quốc hội trên toàn thế giới.

Thay đổi văn hóa và phương thức làm việc

Nhiều nghị viện đã phải vật lộn trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi đối mặt với tình huống mới và không lường trước được. Tất cả đều không rõ cách đối phó và hoang mang không rõ tình hình sẽ kéo dài bao lâu. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, 65% nghị viện được khảo sát đã tổ chức các cuộc họp ủy ban trực tuyến và 33% đã tiến hành ít nhất một cuộc phiên họp toàn thể theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp với trực tuyến. Nhiều nghị viện đã vượt qua giai đoạn đổi mới bằng cách phản ứng nhanh với các sự kiện. Khi tình hình trở nên rõ ràng hơn, họ đã cải tiến các giải pháp ban đầu và rút ra những kinh nghiệm. Sau đó, họ bắt đầu đưa các phương pháp, quy trình và công cụ làm việc mới vào thực tiễn nghị viện. Sự đổi mới được nêu chi tiết trong Báo cáo của IPU đã chứng minh việc ứng dụng công nghệ thông tin đã trở thành yếu tố nổi bật tại nhiều cơ quan lập pháp. 40% các nghị viện được khảo sát chọn tiếp tục học hỏi từ những gì đã xảy ra trong đại dịch này, áp dụng những kinh nghiệm được chia sẻ trong Báo cáo để tối ưu năng lực công nghệ thông tin của chính họ.

Đến những thay đổi vĩnh viễn

Giai đoạn đổi mới này đã chứng kiến các nghị viện đưa ra những thay đổi căn bản đối với các quy trình và thủ tục mà một nửa số người được khảo sát dự định duy trì trong tương lai, ít nhất là một phần.

Trong số các nghị viện áp dụng các phương pháp làm việc từ xa dưới một số hình thức trong đại dịch, 24% cho biết họ có thể không áp dụng lại các phương pháp này, mà chuyển sang làm việc trực tiếp càng sớm càng tốt. Đối với các nghị viện này, điều đó không có nghĩa là từ bỏ những công nghệ mới đã áp dụng trong đại dịch mà sẽ sử dụng công nghệ đó để phục vụ tốt hơn cho các hoạt động hội họp trực tiếp. Tại Ireland, nơi Hạ viện được yêu cầu nhóm họp trực tiếp sau khi bỏ giãn cách xã hội, một số đổi mới kỹ thuật số đã được áp dụng sẽ cung cấp cơ sở cho các kế hoạch phát triển trong tương lai.

Trong khi đó, hầu hết các nghị viện có ý định giữ lại một phần hoặc tất cả các phương thức làm việc từ xa của họ sau đại dịch, với 24% giữ nguyên tất cả các công cụ và quy trình. 52% nghị viện khác dự định giữ lại một số đổi mới, nhưng một phần ba trong số đó dự định giới hạn chúng trong các cuộc họp cụ thể (thường là áp dụng cho các ủy ban chứ không áp dụng cho các phiên họp toàn thể).

Đạt Quốc