Nghị viện Kazakhstan: Từ Xô viết Tối cao đến Nghị viện nước Cộng hòa

03/08/2007 00:00

Nền dân chủ đại diện ở Kazakhstan có chiều dài lịch sử đúng bảy thập niên. Trong quãng thời gian đó, cơ quan lập pháp đã không ngừng phát triển, từ chỗ chỉ là cơ quan đại diện mang tính hình thức, trở thành cơ quan đại diện có thực quyền nhiều hơn.

CÁC BÀI TRONG CHUYÊN ĐỀ NGHỊ VIỆN KAZAKHSTAN

Nghị viện Kazakhstan: Từ Xô viết Tối cao đến Nghị viện nước Cộng hòa ảnh 3 Tòa trụ sở theo phong cách hiện đại

Nghị viện Kazakhstan: Từ Xô viết Tối cao đến Nghị viện nước Cộng hòa ảnh 4 Tổng thống và Nghị viện

Nghị viện Kazakhstan: Từ Xô viết Tối cao đến Nghị viện nước Cộng hòa ảnh 5 Ủy ban hỗn hợp của hai Viện

      Vào năm 1937, lần đầu tiên cơ quan đại diện ra đời trên lãnh thổ nước cộng hoà Kazakhstan ngày nay với tên gọi Xô viết Tối cao. Lúc đó, Kazakhstan là một nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ, có tên gọi là Cộng hoà Liên bang XHCN Kazakh. Trong suốt thời gian tồn tại, Xô Viết Tối cao trải qua 13 nhiệm kỳ; nhiệm kỳ đầu tiên được bầu vào 6.1938 theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Các cuộc bầu cử Xô viết Tối cao diễn ra theo “cơ cấu” đã được định sẵn như trong đảng, ngoài đảng, dân tộc, giới tính, vùng miền, độ tuổi... mang tính hình thức. 

      Tuy nhiên, những thay đổi quan trọng trong chế độ nghị viện Kazakhstan đã diễn ra từ nhiệm kỳ 12 của Xô viết Tối cao CHLB XHCN Kazakh. Trong cuộc bầu cử Xô viết Tối cao khoá 12, có hơn 2.000 ứng viên tham gia. Đặc biệt, lần đầu tiên các tổ chức xã hội giành được 90 ghế trong cơ quan đại diện. Theo đánh giá của các nhà hiến pháp học ở Kazakhstan và Liên Xô cũ hiện nay, Xô viết Tối cao nhiệm kỳ 12 đã đóng vai trò đặc biệt trong lịch sử chế độ nghị viện nước này khi thông qua những văn bản pháp luật thiết yếu, làm cơ sở cho việc chuyển đổi và phát triển chế độ nghị viện. Đó là đạo luật về chức danh Tổng thống được ban hành ngày 24.4.1990, theo đó Tổng thống đầu tiên của nước cộng hoà vùng Trung Á này đã được bầu. Ngày 25.10.1990, Xô viết Tối cao thông qua tuyên bố “Về chủ quyền quốc gia của CHLB XHCN Kazakh”. Tuyên bố đã khẳng định CHLB XHCN Kazakh là chủ thể của pháp luật quốc tế, đề cập đến quốc tịch Kazakh, công nhận sự bình đẳng giữa các hình thức sở hữu. Năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Xô viết Tối cao Kazakhstan tuyên bố về nền độc lập của Cộng hoà Kazakhstan.

      Ngày 28.1.1993, sau hai năm tranh luận và thoả thuận, Xô viết Tối cao nhiệm kỳ 12 đã thông qua Hiến pháp Kazakhstan. Bản Hiến pháp này trao khá nhiều quyền cho Xô viết Tối cao. Điều này được đánh giá là gây trở ngại cho việc thực hiện nguyên tắc phân chia quyền lực và đối trọng, kiềm chế lẫn nhau giữa các nhánh quyền lực nhà nước, cũng như làm cho cơ quan đại diện thiếu linh hoạt. Kết quả là Xô viết Tối cao đã tự giải tán. Quá trình tự giải tán bắt đầu từ các cơ quan đại diện địa phương, khi một loạt Xô viết Tối cao cấp quận và tỉnh, thành phố quyết định ngừng hoạt động trước thời hạn. Sau đó, 43 đại biểu Xô viết Tối cao trung ương cũng tuyên bố từ bỏ chức danh và kêu gọi đồng nghiệp hưởng ứng. 

      Cuộc bầu cử lập pháp năm 1994 đã đánh dấu trang mới trong lịch sử chế độ nghị viện Kazakhstan. Có gần 74% cử tri tham gia bỏ phiếu, 692 ứng viên của nhiều đảng phái đủ điều kiện tranh cử 135 ghế trong nghị viện tại 135 khu vực bầu cử. Liên minh Nhân dân thống nhất Kazakhstan chiếm 32 ghế, Đảng Dân nghị Kazakhstan có 22 ghế, Đảng XHCN có 12 ghế, Liên minh các hiệp đoàn lao động có 12 ghế, và 14 nhóm đại biểu khác được thành lập chủ yếu theo nghề nghiệp. Tại khoá 13, lần đầu tiên các đại biểu Xô viết Tối cao Kazakhstan làm việc thường xuyên theo chế độ chuyên trách. Đây được coi là những viên gạch đầu tiên cho chế độ nghị viện chuyên nghiệp ở Kazakhstan. Tuy nhiên, Xô viết Tối cao khoá 13 chỉ hoạt động hơn một năm, vì Toà án Hiến pháp phán quyết rằng, một số quy định trong luật bầu cử đã trái Hiến pháp 1993, do đó, cuộc bầu cử nghị viện năm 1994 không hợp Hiến.

      Hiến pháp 1993 cũng bộc lộ một số nhược điểm, mâu thuẫn, và theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý, tháng 8.1995, bản Hiến pháp mới đã ra đời, quy định cụ thể nguyên tắc phân chia quyền lực và cơ chế kiềm chế, đối trọng. Đáng chú ý là lần đầu tiên thuật ngữ “Nghị viện” đã được sử dụng trong Hiến pháp. Nghị viện Kazakhstan là cơ quan đại diện cao nhất của quốc gia, thực hiện chức năng lập pháp và giám sát. Nghị viện Kazakhstan có hai viện: Thượng viện và Hạ viện (Majilis). Thượng viện bao gồm các nghị sỹ do các cơ quan lập pháp địa phương bầu, mỗi địa phương được hai người, cộng với 7 thượng nghị sỹ do Tổng thống bổ nhiệm theo nhiệm kỳ Thượng viện. Hạ viện gồm 77 nghị sỹ, trong đó 67 người do cử tri bầu trực tiếp từ 67 khu vực bầu cử, 10 người do cử tri bầu theo danh sách của các đảng phái. Tuy nhiên, từ năm 1999 chế độ bầu cử hỗn hợp này mới được áp dụng trên thực tế.

Minh Thy

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị viện Kazakhstan: Từ Xô viết Tối cao đến Nghị viện nước Cộng hòa
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO