Nghị viện có những thẩm quyền ngân sách nào?

Lê Anh 12/08/2011 07:12

Yêu cầu cần có sự phê chuẩn của nghị viện về mức thuế và chi tiêu có nguồn gốc từ hơn 600 năm trước khi Hạ viện Anh ra đời. Khi đó, nhà vua cần tiền để tiến hành các cuộc chiến tranh và điều hành chế độ quân chủ. Các cộng đồng địa phương, có đại diện trong Hạ viện, đã được kêu gọi để cung cấp kinh phí cho hoàng gia. Thủ tục cơ quan lập pháp phê chuẩn mức thuế và chi tiêu của ngành hành pháp vẫn được tiếp tục đến ngày nay nhưng mức độ tham gia của các nghị viện có thay đổi tùy từng nước. Ở một số nước Nghị viện mạnh, thẩm quyền ngân sách được ví như quyền lực của túi tiền.

Hiến pháp Mỹ quy định Quốc hội có quyền “định ra thuế, thuế quan để trả nợ và đảm bảo nền quốc phòng chung và sự thịnh vượng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ”. Hiến pháp 1946 của Nhật cũng viết: “Chính phủ quản lý các nguồn ngân sách của Nhà nước trên cơ sở các quyết định của Nghị viện” (Điều 83); “Việc định ra các loại thuế mới và thay đổi các loại thuế đang tồn tại chỉ có thể trên cơ sở của luật hoặc với sự tuân thủ những điều kiện do luật quy định” (Điều 84). “Không một phương tiện ngân sách nào của Nhà nước được chi, không một nghĩa vụ tiền tệ nào của Nhà nước được thông qua nếu không có quyết định của Nghị viện” (Điều 85).

Chức năng ngân sách của Nghị viện trước hết thể hiện trong việc thông qua đạo luật ngân sách lớn nhất hàng năm được gọi là Luật Ngân sách Nhà nước gồm các khoản thu - chi của Nhà nước. Đó là bản dự toán mọi nhu cầu về ngân sách của Nhà nước và mọi khoản thu cần thiết để trang trải những nhu cầu đó. Lúc phê chuẩn ngân sách, một mặt Nghị viện ủy nhiệm cho Chính phủ chi các nguồn ngân sách của Nhà nước theo bản dự toán, mặt khác Chính phủ có nghĩa vụ thu những khoản thuế cần thiết và những khoản thu khác để đảm bảo ngân sách nhà nước.

Nếu như ở Pháp, Italy... ngân sách nhà nước được thể hiện dưới dạng đạo luật (mặc dù chỉ có hiệu lực một năm), thì ở Mỹ, Anh, Nhật... đó là một chương trình về ngân sách được thực hiện thông qua các luật riêng biệt về lĩnh vực này. Trong đó, năm ngân sách có thể trùng với năm dương lịch, và cũng có thể khác (ở nhiều nước năm ngân sách bắt đầu vào tháng 10, tháng 7).

Cũng trong thẩm quyền ngân sách của mình, Nghị viện có quyền phê chuẩn quyết toán ngân sách của Chính phủ. Ví dụ Hiến pháp Nhật Bản, Hiến pháp Ba Lan, Hiến pháp Liên bang Nga quy định Chính phủ không chỉ thảo ra và trình dự toán Ngân sách Nhà nước, mà còn trình quyết toán về việc thi hành ngân sách đó. Những điều khoản tương tự cũng có trong Hiến pháp nhiều nước khác.

Quy định, sửa đổi mức thuế có vai trò quan trọng trong số các thẩm quyền ngân sách của Nghị viện. Có những nước thẩm quyền đó chỉ thuộc về Nghị viện. Ví dụ như điều 60, Hiến pháp Bungary quy định, các khoản thuế cũng như những ưu tiên về thuế chỉ có thể do luật xác lập nên, và như vậy chỉ thuộc về thẩm quyền của Nghị viện. Bên cạnh đó, không hiếm các đạo luật về thuế lại ủy quyền cho các cơ quan chính quyền thấp hơn lập nên những khoản thuế nhất định.

Trong hiến pháp cũng có thể gặp những điều khoản quy định cho Nghị viện thẩm quyền tạo ra các quỹ ngoài ngân sách. Ví dụ như điều 267 Hiến pháp Ấn Độ quy định rằng Nghị viện liên bang và cơ quan lập pháp của tiểu bang có thể lập nên quỹ dự trữ, được bổ sung theo định kỳ và dưới sự định đoạt của Tổng thống hoặc Thống đốc bang để đáp ứng những khoản chi không được tính trước trong khi Nghị viện hay cơ quan lập pháp chưa kịp đưa chúng vào ngân sách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị viện có những thẩm quyền ngân sách nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO