Nghị viện đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật trong lần trình đầu tiên với tỷ lệ 313 trên 269. Dự luật sau đó sẽ được xem xét kỹ lưỡng chi tiết và dự kiến sẽ có thêm lần bỏ phiếu bầu vào đầu tháng tới.
Tháng 4.2022, Anh và Rwanda nhất trí với thỏa thuận để đưa hết những người vượt eo biển Manche đến Rwanda để chờ xử lý đơn xin tị nạn. Rwanda, quốc gia vốn là nơi sinh sống của hàng nghìn người tị nạn từ các nước châu Phi, đồng ý thỏa thuận này sau khi Anh trả trước 140 triệu bảng Anh (175 triệu USD).
Kế hoạch Rwanda là trọng tâm mà Chính phủ Anh đề ra để ngăn chặn những người tị nạn trái phép cố vào Anh qua Pháp trên những chiếc thuyền nhỏ. Nhiều nước châu Âu và Mỹ đang chật vật tìm cách đối phó với dòng người di cư chạy trốn chiến tranh, bạo lực, áp bức và thiên tai. Trong năm nay, hơn 29.000 người đã tìm cách vào Anh qua con đường này, ít hơn đáng kể so với con số 46.000 người năm 2022.
Chính phủ Anh cho rằng cách trục xuất này sẽ gây nản lòng những người định vượt biển theo cách đầy rủi ro để vào Anh và thuê dịch vụ của các băng nhóm buôn người.
Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối gay gắt của các nhóm nhân quyền. Những người chỉ trích cho rằng thoả thuận giữa Anh và Rwanda về việc đưa người di cư, trong đó nhiều người chạy khỏi các quốc gia có xung đột như Afghanistan, Syria và Iraq, đến một quốc gia cách đó 6.400 km, là phi đạo đức và không khả thi. Chuyến bay đầu tiên dự kiến đưa 7 người di cư đến Rwanda vào tháng 6 năm ngoái đã bị hủy sau sự can thiệp vào phút cuối của Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Tháng trước, Tòa án Tối cao Vương quốc Anh cũng ra phán quyết rằng kế hoạch trục xuất của chính phủ là bất hợp pháp thoả thuận này là trái pháp luật, vì Rwanda không phải là quốc gia an toàn cho người tị nạn, khiến họ có nguy cơ bị ngược đãi.
Tuy nhiên, Chính phủ Anh không từ bỏ. Tuần trước, Anh và Rwanda ký một hiệp ước cam kết tăng cường bảo vệ người di cư. Chính phủ của Thủ tướng Sunak cho biết, thoả thuận cho phép London thông qua luật công nhận Rwanda là điểm đến an toàn.
Đồng thời, Chính phủ của ông Sunak tuần trước đã công bố một đạo luật khẩn cấp được thiết kế nhằm vô hiệu hóa Luật Nhân quyền vốn đang cản trở những vụ trục xuất như vậy.
Tuy nhiên, những người theo đường lối cứng rắn của Đảng Bảo thủ cho rằng dự luật mới chưa đủ khắc nghiệt. Nhóm nghiên cứu châu Âu bảo thủ (ERG), một nhóm nổi tiếng gồm các nhà lập pháp ủng hộ Brexit, ủng hộ đường lối cứng rắn về nhập cư, hôm 11.12 đã kêu gọi chính phủ rút lại dự luật khẩn cấp và soạn thảo lại nó.
Phản ứng với cuộc bỏ phiếu của Nghị viện, Sunak đã viết trên trang cá nhân: "Người dân Anh nên quyết định ai sẽ đến đất nước này - không phải các băng nhóm tội phạm hay tòa án nước ngoài. Đó là những gì Dự luật này mang lại”.
Ông nói thêm: “Bây giờ chúng tôi sẽ làm việc để đưa ra luật để chúng tôi có thể có các chuyến bay đến Rwanda và ngăn chặn các chuyến tàu”.