Nghĩ về văn hóa lễ hội
Lễ hội là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa cộng đồng; trở thành nơi công chúng trở về với cội nguồn dân tộc; là nơi người dân được vui chơi, giải tỏa, bù đắp về tinh thần. Tuy nhiên, ý nghĩa thiêng liêng đó ít nhiều bị suy giảm trước sự thiếu hụt kiến thức và ý thức văn hóa lễ hội của một bộ phận người dân…
![]() Nguồn: news.vn |
Thiếu kiến thức về lễ hội
Chỉ mới 2 tuần đầu tiên của năm mới Giáp Ngọ, khắp các tỉnh thành trên cả nước đã diễn ra vô số các lễ hội dân gian lớn nhỏ. Trong đó những lễ hội lớn như Lễ hội chùa Hương, chùa Bái Đính, đền Gióng khai hội ngày mùng 6 âm lịch; Lễ hội Yên tử, lễ hội Côn Sơn khai hội ngày mùng 10 âm lịch; Lễ hội đền Trần ở Nam Định khai hội ngày 12 âm lịch, Hội Lim ngày 13 âm lịch, Lễ hội Bà chúa Kho ngày 14 âm lịch… thu hút hàng triệu khách thập phương hành hương dự lễ. Tuy nhiên, đông người đi lễ là vậy nhưng chắc rằng trong số đó không nhiều người hiểu được thần tích, không gian văn hóa và giá trị riêng của lễ hội mà họ tham gia.
Cũng chỉ vì đi lễ mà không hiểu đối tượng hành lễ là ai, ý nghĩa của lễ hội là gì, cần phải ứng xử ra sao nên nhiều người tham gia lễ hội không tự trang bị cho mình những kỹ năng hành xử cần thiết. Nhiều người chỉ chăm chăm chọn chùa, chọn đền thiêng để khấn vái cầu tài, cầu lộc. Ðến Phủ Tây Hồ và đền Bà Chúa Kho vào những ngày đầu xuân, trong cảnh chen chúc lễ bái, đặt tiền, râm ran tiếng cầu khấn mới biết sự lệch lạc, thiếu hiểu biết của không ít người. Tâm lý lễ to là lộc lớn nên ai cũng sắm lễ thật linh đình, trên các ban biện của đền chùa bày la liệt các loại bánh trái, chen chúc khấn vái cả vào lưng nhau.
Nếu như lễ vật ngày xưa thật đơn giản chỉ là vàng hương, oản chuối, trầu cau và tấm lòng thành. Thì bây giờ thay cho những thứ đó là xôi, gà, bia, nước ngọt, hình nhân thế mạng, nhà lầu, xe hơi giấy... Trước đây đốt vàng mã là tượng trưng nay thì hình thành cả ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm này. Mang tiền thật đi mua tiền giả đốt để chứng minh cho lòng thành của mình, người ta đang bóp méo và tạo ra một giá trị ảo trong suy nghĩ về các lễ hội.
Nhiều nơi, mặc dù ban tổ chức lễ hội đã có biển cấm cắm nhang, rải tiền nhưng hầu như không ai để mắt đến quy định này. Thậm chí tiền lẻ gặp đâu rải đấy, giắt cả vào tay Phật, gài cả vào cành cây, vứt cả dưới lòng suối, tiền lẻ xả xuống như rác và bị dẫm đạp lên. Có những người rải tiền không tiếc tay, phô trương sự giàu sang do suy nghĩ rải càng nhiều tiền thì phúc lộc sẽ càng đầy.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đã nhận xét rằng, phần đông người khi tham gia vào hoạt động lễ hội hiện nay không hề có kiến thức hiểu biết về lễ hội. Họ chỉ hành động theo trào lưu, theo tâm lý đám đông mà không biết rõ, những hành vi của mình có đúng và có mang lại ý nghĩa gì không. Có cầu an thì cũng phải có văn hóa, có đóng góp tiền công đức cũng phải đúng chỗ. Chắc chắn cái sự xô bồ, bát nháo mà người ta tạo ra ở chốn tôn nghiêm không thể là sự biểu hiện lòng thành một cách tích cực. Tất cả dường như đều đã quên rằng, điều quan trọng nhất của phong tục đi lễ chùa đầu năm vẫn phải là Phật tại Tâm.
Sự thiếu kiến thức cộng với tâm lý đám đông dần dần đã làm mất đi truyền thống tín ngưỡng tốt đẹp của cha ông, tạo nên những hiện tượng thực dụng hóa thánh thần. Chính nhận thức lệch lạc này đã tạo điều kiện cho tệ nạn buôn thần, bán thánh, mê tín dị đoan, bói toán có đất nảy nở khắp nơi. Trong khi hầu như không ai được tuyên truyền và giảng giải về văn hóa giáo lý của nhà Phật, cần nhận thức và đối xử như thế nào cho đúng về hoạt động văn hoá tâm linh.
Ứng xử lệch chuẩn với lễ hội
Việc đi hội thì có nhưng văn hóa lễ hội thì có vẻ chưa được phổ cập rộng rãi. Do đó, hiện tượng cúng bái quá mức, hành động phi văn hóa còn xuất hiện nhiều tại các lễ hội, khu di tích. Dù có bàn thờ nhưng người ta vẫn chen chúc, quỳ lạy cả cây cối, đường đi. Rồi để kiếm chút lộc thánh, họ mặc nhiên chen lấn xô đẩy nhau, như việc cướp lộc ở đền Sóc, cướp ấn ở đền Trần.
Sự thiếu ý thức của người tham gia lễ hội còn thể hiện qua việc xâm hại nghiêm trọng di tích như vẽ bậy, sờ nắn, ngồi lên các hiện vật. Nhiều công trình công cộng cũng bị du khách thập phương làm hư hỏng. Đó là chưa kể đến những bãi rác tự phát mọc lên sau lễ hội do thói quen ăn uống rồi xả rác ngay tại chỗ của nhiều người, mặc dù nhiều khi thùng rác ngay bên cạnh. Đặc biệt như tại chùa Hương, với lượng du khách đổ về rất đông nên ngay trong ngày khai hội nhìn đâu đâu cũng thấy rác thải. Rác được du khách vứt bừa bãi khắp nơi từ dòng suối Yến, chân chùa hay ngay sân chùa, không sao dọn xuể.
Đi lễ chùa, lễ đền chúng ta cũng đang phải chứng kiến hình ảnh ăn mặc phản cảm của một bộ phận người dân thiếu ý thức, trong đó phần lớn là các bạn trẻ. Đi lễ chùa, quan trọng nhất là phải có ý thức chọn cho mình những bộ trang phục không chỉ thể hiện sự trang nghiêm, lịch sự mà còn thể hiện lòng tôn kính của mình nơi cửa Phật. Vậy mà chúng ta vẫn phải chứng kiến nhiều cảnh thiếu nữ mặc váy, thậm chí váy ngắn và trang phục hở hang, thiếu vải ở những nơi trang nghiêm, gây nhức mắt, khó chịu cho người đi lễ....
Còn đủ thứ chuyện bi hài, đáng trách đâu đó vẫn diễn ra tại chốn cửa Phật tôn nghiêm. Nhiều người hồn nhiên bước qua mặt người đang làm lễ để xin lộc, nhờ người khấn thuê cho mình, nháo nhác tìm lễ vật bị thất lạc trên bàn thờ Phật, thụ lộc ngay tại chùa... Dường như những biển thông báo của nhà chùa đã không được mọi người quan tâm, sự thanh tịnh vốn có đã phải nhường chỗ cho sự vội vàng và những mong ước của cõi trần mà hàng vạn lượt người đem đến chùa mỗi ngày. Tất cả tạo nên một mớ bòng bong, hỗn độn làm mất đi vẻ tôn nghiêm chốn cửa Phật.
Hãy khoan đổ lỗi cho các cấp quản lý mà cần xem xét và thay đổi trước tiên là ý thức, nhận thức của người tham gia lễ hội. Là một đất nước có truyền thống văn hóa lâu đời, tại sao mỗi người chúng ta không tự nâng cao ý thức, nhận thức của mình để văn hóa đi lễ hội nói riêng và các lễ hội nói chung được trở về đúng với ý nghĩa ban đầu mà tổ tiên chúng ta đã dày công xây dựng?
Điều cần thiết có lẽ là người dân khi tham gia lễ hội cũng phải chuẩn bị cho mình tâm lý người hưởng thụ văn hóa, xem mình như là khách để có ý thức trọng thị, thanh thản và vui vẻ. Ðể xây dựng văn hóa lễ hội rất cần người tham dự lễ hội có văn hóa. Lễ hội chỉ thật sự có ý nghĩa khi người đi lễ hội được hòa mình vào không khí trang nghiêm, náo nức, trở thành chủ thể tham gia vào sự thu hút, hấp dẫn của lễ hội đó.