Nghĩ về chuyện dựng bia tiến sĩ

Vũ Chân Thư 25/10/2008 00:00

Hội nghị Khởi động dự án Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn di sản tiến sĩ Việt Nam vừa cho hay một công viên Văn miếu đương đại sẽ được dựng lên trên diện tích 25 ha đất, các vị Tiến sĩ hiện đại sẽ được tạc tên tuổi trên bia đá …Đây là hoạt động theo bước tổ tiên, vinh danh những người đỗ đạt, góp phần cổ vũ tinh thần hiếu học của dân tộc, nhưng xem ra để triển khai được dự án này không ít nỗi suy tư.

      1. Dựng bia để làm gì nhỉ?  Chắc hẳn để lưu danh muôn thuở rồi, vì “ bảng vàng, bia đá” là thịnh điển của Nhà nước phong kiến xưa dành cho người đỗ đại khoa, bây giờ ta phát huy truyền thống đó. Ngày xưa các cụ chỉ đục trên đá xanh Ninh Bình, bây giờ có điều kiện hơn ta khắc trên đá hoa cương. Ngày xưa chỉ dựng bia quanh giếng Thiên Quang trong Văn Miếu, bây giờ ta dựng hẳn một công viên tới 25 ha. Như vậy là đưa việc tôn vinh Tiến sĩ lên một tầm cao mới.
      Vấn đề đặt ra ai sẽ lên Hoà Bình để xem rừng bia này. Đồng bào cả nước chăng? Khách quốc tế chăng? E rằng không ai cả, dân ta không có tiền mua vé máy bay, mua vé ô tô để đến xem  đâu. Khách quốc tế thì họ sẽ tra cứu trên mạng, đầy đủ và chính xác hơn, nên họ cũng không đến. Hay chỉ để … chính các vị được khắc tên đến tìm đọc tên mình thôi. Vậy là lo tìm đối tượng sẽ đến chiêm ngưỡng rừng bia là mối lo lớn. Nếu ít người đến xem thì chả tôn vinh được ai cả.
      2. Ai sẽ được lên bia? Theo ông Giám đốc Trung tâm thì họ sẽ cố gắng thu thập toàn bộ thông tin và tư liệu khoa học liên quan đến các tiến sĩ Việt Nam; sau đó, sẽ nghiên cứu để lựa chọn những nhà khoa học có đóng góp thực sự cho nước nhà để ghi bia lưu danh. Việc trưng bày tư liệu về các tiến sĩ dựa trên thẩm định của hội đồng cố vấn gồm hơn 20 nhà khoa học đầu ngành. 
      Như vậy là Hội đồng 20 vị được coi là đầu ngành  sẽ xếp loại Tiến sĩ, như Vua xưa xếp hạng tân khoa sau buổi thi Đình, để quyết định ai được khắc tên, ai không. Làm sao để tránh khỏi dị nghị, phân biệt kẻ quen người lạ? Liệu có xảy chuyện  đi cửa sau để được khắc tên không? Chuyện bỏ phiếu kín bầu Phó Giáo sư, Giáo sư đã có vô số chuyện bi hài rồi, thêm chuyện này nữa, mà những 16.000 vị thì không biết sẽ phức tạp đến đâu.  Cơ quan nào sẽ giải quyết khiếu kiện nhỉ?!
      3. Hay là ta cứ đưa tất cả lên, 16.000 vị cho nó đầy đủ, thể hiện cho hết bề dày học vị nước ta. Ai đến rừng bia Tiến sĩ cũng sẽ phải cúi đầu thán phục sức học của dân tộc mình. Nhưng có cái khó là nhiều vị sẽ xin rút, không muốn lên bia. Bằng chứng là một vị PTS ở Đông  u đã nói công khai trên báo rằng ngày xưa ông ấy được cấp bằng PTS do các nước XHCN dễ dãi, động viên ta theo kiểu ngoại giao thôi, bây giờ ông ấy sợ nhất là có ai đọc Luận án của mình. Ổng kiên quyết xin rút cái vụ lên bia.
       Chắc đây không phải là ý kiến của ít vị Tiến sĩ không thích hư danh. Tôi biết một vị Tiến sĩ đựơc trong giới đánh giá cao cũng từ chối không đăng tên tuổi trên bộ sách mới xuất bản về các Tiến sĩ Việt Nam hiện đại.
      Nếu nhiều người từ chối vinh dự này thì liệu rừng bia Tiến sĩ có đạt được mục tiêu đề ra?
      4. Giả sử cứ làm, vừa làm vừa tính thì không hiểu hình thức và nội dung tấm bia thế nào? Chẳng lẽ lại “Lưỡng long triều nguyệt” “thuỷ ba”… như văn hoá của thời các ông hoàng búi tó, đi guốc quai mây, quần chùng áo dài, đi hia cầm hốt? Nhưng không có hoa văn truyền thống mà lại gắn trên lưng rùa có ổn không?
      Nội dung văn bia thế nào? Chỉ đề tên tuổi , quê quán, năm bảo vệ và tên đề tài hay cả những công trình khoa học? Nếu đề hết thì có người hết cả một bia có được không? Rồi ai sẽ ở bia trước, ai ở bia sau…
      Lại nữa, theo văn bia của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các cụ  ghi tên Tiến sĩ lên bia không chỉ để biểu dương mà còn răn đe, nhắc nhở. Do đó ngoài câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì nước mạnh và vươn cao;  nguyên khí suy thì nước yếu mà xuống thấp… Kẻ sĩ đối với đất nước quan trọng là thế cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng” còn phải đọc tiếp vế sau rằng: "Kẻ sĩ mong được khắc tên trên bia đá này tất phải làm sao cho danh xứng với thực, sửa đức hạnh…ngõ hầu trên không phụ ý tốt của triều đình ban khen, dưới không phụ chí cả phò vua giúp dân, để tiếng khen mãi mãi…Khiến người đời sau xem bia đá này chỉ tên mà nói: Người này tận trung với nước, người này để ơn cho dân, người này đạo nghĩa ngay thẳng, người này giữ đức lập công. Thật vinh hạnh. Nếu không người ta sẽ trông vào mà nói: Đồ gian tà, tuồng phụ bạc, quân hèn nhát. Công luận còn rõ ràng há không thận trọng được ru?!”. Ta có tiếp thu tinh thần ấy không hay không?
      5. Danh có xứng với thực? Ngày xưa 3 năm mới có một khoa thi, mà có khoa chỉ có vài người đỗ nên Tiến sĩ là học vị hiếm hoi, hiếm nên càng quý. Bây giờ ta nhiều Tiến sĩ quá, lại kèm theo nhiều chuyện tiêu cực nên một dân tộc hiếu học, chuộng danh như ta cũng nảy sinh bao nhiêu chuyện tiếu lâm xung quanh học vị học hàm… Điều đó khiến không ít vị Tiến sĩ chân chính cũng cảm thấy bị tổn thương.
      Bộ trưởng Bộ GD-ĐT từng phải thốt lên: “Bằng Tiến sĩ không phải vật trang sức. Anh thực sự muốn cống hiến cho khoa học ở trình độ cao thì hãy làm Tiến sĩ. Đừng chạy theo bằng cấp mà làm khổ nhiều người”. Ông Hiệu trưởng Trường Đại học dân lập Phú Xuân (Huế) thì nói thẳng: “Việc đào tạo và cấp bằng Tiến sĩ như hiện nay khiến chúng tôi rất xấu hổ”.
      Trong bối cảnh như thế, dựng bia lên há chẳng phải là chuyện để người ta đàm tiếu hay sao?
      6. Có cần tốn 25 ha đất? Bây giờ ở ta tấc đất tấc vàng, thiếu đất trồng lúa là một mối lo. Đất xấu hơn thì đào ao thả cá hay làm khu công nghiệp đều rất thiết thực. Vì thế bỏ ra đến 25 ha và vô số tiền thuế của dân để dựng lên rừng bia trên vùng núi Hoà Bình là điều phải cân nhắc ghê lắm.
      Trong khi đó, không cần một tấc đất ta vẫn đạt được mục tiêu dự án đưa ra, đó là lập một  một website trên mạng internet. Trên đó ta đưa chân dung, tiểu sử, thậm chí cả phim tư liệu về từng vị Tiến sĩ  và các công trình của họ. Như thế sẽ đầy đủ hơn mấy dòng chữ khô khan trên bia đá, mọi người trong nước và quốc tế dễ dàng tra cứu. Những Tiến sĩ, những nhà khoa học chân chính sẽ được tôn vinh thực sự, công trình của họ còn được áp dụng, được lan toả trên toàn cầu.
      Hơn nữa, việc đưa lên mạng như vậy đạt được mục đích mà cha ông ta mong muốn, đó là ca ngợi biểu dương đồng thời răn đe, nhắc nhở. Những luận án, những công trình sao chép, những ý kiến nhận xét, phản biện đánh giá có trách nhiệm hay không, mang tính khoa học hay không sẽ được kiểm chứng. Vàng thau sẽ không lẫn lộn, “danh với thực” được kiểm tra.
      Làm như thế chắc không phải mất nhiều tiền mà phù hợp với thời đại hơn nhiều.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghĩ về chuyện dựng bia tiến sĩ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO