Nghĩ từ vụ 2 trẻ bị hành hung...

- Thứ Bảy, 03/04/2021, 06:02 - Chia sẻ

Vụ việc 2 thiếu niên 14 tuổi bị thành viên tổ bảo vệ dân phố ở TP. Hồ Chí Minh hành hung đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân cả nước.

Hành hung trẻ em là vi phạm phạm luật. Hành hung trẻ em ngay tại trường học và người hành hung dù là bảo vệ tổ dân phố nhưng có thể nói có liên quan đến lực lượng thi hành pháp luật, thì càng phải xử lý nghiêm minh.

Ưu tiên bảo vệ trẻ em là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta. Bản thân Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị địa phương nào để xảy ra vụ việc bạo hành, xâm phạm trẻ em đều phải xử lý nghiêm minh. Do đó, vụ việc này cần phải được điều tra, xem xét kỹ lưỡng để thực thi pháp luật không chỉ với những người trực tiếp có hành vi vi phạm mà cả những người có trách nhiệm liên quan.

Trong câu chuyện kể trên, một yếu tố được kể ra là do các trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật nên thành viên tổ dân phòng có hành động bạo lực như vậy. Tuy nhiên, như phát biểu của đại diện Cục Bảo vệ trẻ em với báo chí: không thể lấy việc trẻ vi phạm pháp luật để bào chữa cho hành vi vi phạm pháp luật khác.

Từ câu chuyện này, một vấn đề đáng quan tâm, cần được xem xét và thảo luận rộng hơn là văn hóa và cách thức thực thi công vụ liên quan đến an ninh trật tự ở cấp cơ sở, đặc biệt ở khu vực đô thị.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến vi phạm liên quan đến an ninh, trật tự ở các đô thị gia tăng là xu thế tất yếu, đặc biệt tại đô thị lớn, đông người như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Lực lượng dân phòng có thể tham gia giải quyết các vấn đề này, nhưng khó khăn đi kèm là vấn đề đào tạo về hiểu biết pháp luật, thực thi công vụ cho họ. Vì vậy, trong thực thi pháp luật không tránh khỏi những hình ảnh thiếu chuyên nghiệp. Ví dụ khi tịch thu tài sản của những người buôn bán nhỏ, việc người dân vi phạm pháp luật là có nhưng tịch thu mà chưa tuân thủ việc kê biên, ký nhận bằng biên bản, thậm chí như "cướp"… khiến dư luận rất băn khoăn.

Tình trạng này phản ánh khó khăn lớn hơn trong việc xây dựng đội ngũ thực thi pháp luật không chuyên trách, không nằm trong biên chế. Không thể nói rằng họ không đại diện cho lực lượng thực thi công vụ vì không nằm trong biên chế. Nhưng rõ ràng, chi phí đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lẫn nhân lực giám sát thực thi công vụ của lực lượng này để chấn chỉnh các vi phạm nếu xảy ra là vấn đề lớn. Xử lý bài toán này như thế nào cần có sự phối hợp giữa địa phương và ngành công an để tìm những giải pháp căn cơ hơn.

Dù vậy, một gợi ý với các đô thị là tiến trình xây dựng dịch vụ đô thị thông minh cần ứng dụng thêm việc ghi nhận lại hình ảnh vi phạm; xử lý vi phạm nghiêm khắc; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Khi thực thi pháp luật nghiêm minh, vi phạm nhỏ sẽ giảm, qua đó giảm tải được áp lực lên những người thi hành pháp luật.

Xử lý được toàn diện vấn đề thực thi công vụ như vậy sẽ vừa bảo vệ quyền của người dân, bao gồm cả đối tượng trẻ em, vừa nâng cao hình ảnh lực lượng chức trách địa phương trong mắt người dân.

Cẩm Phô