ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 21/2017/QH14, Luật số 47/2019/QH14, Luật số 31/2024/QH15, Luật số 34/2024/QH15 và Luật số 43/2024/QH15;
Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân số 62/2014/QH13;
Căn cứ Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13;
Căn cứ Nghị quyết số 175/2024/QH15 ngày 30 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương;
Căn cứ Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 ngày 12 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030;
Xét đề nghị của Chính phủ tại Tờ trình số 495/TTr-CP ngày 20 tháng 9 năm 2024, Báo cáo tham gia thẩm tra số 4191/BC-UBTP15 ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban Tư pháp và Báo cáo thẩm tra số 3264/BC-UBPL15 ngày 27 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban Pháp luật,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thành lập các quận thuộc thành phố Huế
1. Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế để làm cơ sở thành lập các quận thuộc thành phố Huếnhư sau:
a) Thành lập phường Long Hồ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 46,91 km2, quy mô dân số là 5.554 người của xã Hương Thọ và toàn bộ diện tích tự nhiên là 33,53 km2, quy mô dân số là 10.670 người của phường Hương Hồ. Sau khi thành lập, phường Long Hồ có diện tích tự nhiên là 80,44 km2 và quy mô dân số là 16.224 người.
Phường Long Hồ giáp phường Hương An, phường Hương Long; quận Thuận Hóa, thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà;
b) Thành lập phường Thuận An trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 9,69 km2, quy mô dân số là 6.741 người của xã Hải Dương và toàn bộ diện tích tự nhiên là 16,28 km2, quy mô dân số là 24.003 người của phường Thuận An. Sau khi thành lập, phường Thuận An có diện tích tự nhiên là 25,97 km2 và quy mô dân số là 30.744 người.
Phường Thuận An giáp phường Dương Nỗ, phường Hương Phong; huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang và Biển Đông;
c) Thành lập phường Dương Nỗ trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,85 km2, quy mô dân số là 12.266 người của xã Phú Dương, toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,17 km2, quy mô dân số là 10.953 người của xã Phú Mậu và toàn bộ diện tích tự nhiên là 7,61 km2, quy mô dân số là 4.766 người của xã Phú Thanh. Sau khi thành lập, phường Dương Nỗ có diện tích tự nhiên là 20,63 km2 và quy mô dân số là 27.985 người.
Phường Dương Nỗ giáp các phường Hương Phong, Phú Thượng, Thuận An; quận Phú Xuân và huyện Phú Vang;
d) Thành lập phường Thủy Bằng trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 22,78 km2 và quy mô dân số là 9.153 người của xã Thủy Bằng.
Phường Thủy Bằng giáp các phường An Tây, Thủy Biều, Thủy Xuân; quận Phú Xuân và thị xã Hương Thủy;
đ) Thành lập phường Hương Phong trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 16,68 km2 và quy mô dân số là 10.574 người của xã Hương Phong.
Phường Hương Phong giáp phường Dương Nỗ, phường Thuận An; quận Phú Xuân và huyện Quảng Điền.
2. Thành lập các quận thuộc thành phố Huế như sau:
a) Thành lập quận Phú Xuân trên cơ sở một phần diện tích tự nhiên là 127,05 km2 và quy mô dân số là 203.142 người của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Quận Phú Xuân có 13 phường, gồm: An Hòa, Đông Ba, Gia Hội, Hương An, Hương Long, Hương Sơ, Hương Vinh, Kim Long, Long Hồ, Phú Hậu, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc.
Quận Phú Xuân giáp quận Thuận Hóa, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền;
b) Thành lập quận Thuận Hóa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 139,41 km2 và quy mô dân số là 297.507 người của thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế sau khi điều chỉnh theo quy định tại điểm a khoản này.
Quận Thuận Hóa có 19 phường, gồm: An Cựu, An Đông, An Tây, Dương Nỗ, Hương Phong, Phú Hội, Phú Nhuận, Phú Thượng, Phường Đúc, Phước Vĩnh, Thuận An, Thủy Bằng, Thủy Biều, Thủy Vân, Thủy Xuân, Trường An, Vĩnh Ninh, Vỹ Dạ và Xuân Phú.
Quận Thuận Hóa giáp quận Phú Xuân, thị xã Hương Thủy, huyện Quảng Điền, huyện Phú Vang và Biển Đông.
Điều 2. Thành lập thị xã Phong Điền thuộc thành phố Huế
1. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 945,66 km2 và quy mô dân số là 105.597 người của huyện Phong Điền.
Thị xã Phong Điền giáp thị xã Hương Trà, huyện A Lưới, huyện Quảng Điền; tỉnh Quảng Trị và Biển Đông.
2. Thành lập các phường và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thị xã Phong Điền như sau:
a) Thành lập phường Phong Thu trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 18,75 km2, quy mô dân số là 8.155 người của thị trấn Phong Điền và toàn bộ diện tích tự nhiên là 26,59 km2, quy mô dân số là 3.654 người của xã Phong Thu. Sau khi thành lập, phường Phong Thu có diện tích tự nhiên là 45,34 km2 và quy mô dân số là 11.809 người.
Phường Phong Thu giáp các phường Phong An, Phong Hiền, Phong Hòa, xã Phong Mỹ, xã Phong Xuân và tỉnh Quảng Trị;
b) Thành lập phường Phong Hải trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 12,69 km2, quy mô dân số là 5.067 người của xã Điền Hải và toàn bộ diện tích tự nhiên là 5,47 km2, quy mô dân số là 4.026 người của xã Phong Hải. Sau khi thành lập, phường Phong Hải có diện tích tự nhiên là 18,16 km2 và quy mô dân số là 9.093 người.
Phường Phong Hải giáp phường Phong Phú; huyện Quảng Điền và Biển Đông;
c) Thành lập phường Phong Phú trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 13,61 km2, quy mô dân số là 5.561 người của xã Điền Lộc và toàn bộ diện tích tự nhiên là 13,55 km2, quy mô dân số là 4.571 người của xã Điền Hòa. Sau khi thành lập, phường Phong Phú có diện tích tự nhiên là 27,16 km2 và quy mô dân số là 10.132 người.
Phường Phong Phú giáp phường Phong Hải, xã Phong Chương, xã Phong Thạnh; huyện Quảng Điền và Biển Đông;
d) Thành lập phường Phong An trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 32,38 km2 và quy mô dân số là 13.924 người của xã Phong An.
Phường Phong An giáp phường Phong Hiền, phường Phong Thu, xã Phong Sơn, xã Phong Xuân và thị xã Hương Trà;
đ) Thành lập phường Phong Hiền trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 39,48 km2 và quy mô dân số là 7.823 người của xã Phong Hiền.
Phường Phong Hiền giáp các phường Phong An, Phong Hòa, Phong Thu, xã Phong Chương; thị xã Hương Trà và huyện Quảng Điền;
e) Thành lập phường Phong Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 34,27 km2 và quy mô dân số là 8.334 người của xã Phong Hòa.
Phường Phong Hòa giáp phường Phong Hiền, phường Phong Thu, xã Phong Bình, xã Phong Chương và tỉnh Quảng Trị;
g) Thành lập xã Phong Thạnh trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 17,26 km2, quy mô dân số là 3.114 người của xã Điền Hương và toàn bộ diện tích tự nhiên là 16,43 km2, quy mô dân số là 3.124 người của xã Điền Môn. Sau khi thành lập, xã Phong Thạnh có diện tích tự nhiên là 33,69 km2 và quy mô dân số là 6.238 người.
Xã Phong Thạnh giáp xã Phong Bình, xã Phong Chương, phường Phong Phú; tỉnh Quảng Trị và Biển Đông.
3. Sau khi thành lập, thị xã Phong Điền có 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 06 phường: Phong An, Phong Hải, Phong Hiền, Phong Hòa, Phong Phú, Phong Thu và 06 xã: Phong Bình, Phong Chương, Phong Mỹ, Phong Sơn, Phong Thạnh, Phong Xuân.
Điều 3. Sắp xếp huyện Nam Đông, huyện Phú Lộc và thành lập thị trấn trực thuộc
1. Nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 647,82 km2, quy mô dân số là 26.427 người của huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc. Sau khi nhập, huyện Phú Lộc có diện tích tự nhiên là 1.368,23 km2 và quy mô dân số là 180.606 người.
Huyện Phú Lộc giáp huyện A Lưới, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy; thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Biển Đông.
2. Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 18,99 km2 và quy mô dân số là 8.593 người của xã Lộc Sơn.
Thị trấn Lộc Sơn giáp các xã Lộc An, Lộc Bổn và Xuân Lộc.
3. Sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn, huyện Phú Lộc có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã: Giang Hải, Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân, Lộc An, Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc và 04 thị trấn: Khe Tre, Lăng Cô, Lộc Sơn, Phú Lộc.
Điều 4. Thành lập Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế
1. Thành lập Tòa án nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.
Điều 5. Thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyệncủa thành phố Huế
1. Giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Thành lập Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân.
Tòa án nhân dân quận Thuận Hóa, Tòa án nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
3. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân.
Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, Viện kiểm sát nhân dân quận Phú Xuân có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế theo quy định của pháp luật.
4. Thành lập Tòa án nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Tòa án nhân dân huyện Phong Điền.
5. Thành lập Viện kiểm sát nhân dân thị xã Phong Điền trên cơ sở kế thừa Viện kiểm sát nhân dân huyện Phong Điền.
6. Giải thể Tòa án nhân dân huyện Nam Đông, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông.
7. Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025.
2. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thành phố Huế có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện, 03 thị xã và 02 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 07 thị trấn.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
1. Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.
2. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết thuộc trách nhiệm quản lý; sắp xếp, bố trí công chức, người lao động, xử lý trụ sở, tài sản công tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân bị giải thể; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác, người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân, thị xã Phong Điền, huyện Phú Lộc và các nội dung khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Trần Thanh Mẫn