NGHỊ QUYẾT Về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng

nq-187.jpg

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Đường sắt số 06/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 16/2023/QH15;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 158/2024/QH15 ngày 12 tháng 11 năm 2024 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025;

Sau khi xem xét Tờ trình số 69/TTr-CP ngày 08 tháng 02 năm 2025 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 3526/BC-UBKT15 ngày 11 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Báo cáo số 1193/BC-UBTVQH15 ngày 18 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, tài liệu liên quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (sau đây gọi là Dự án).

Điều 2

1. Mục tiêu:

Xây dựng tuyến đường sắt mới hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc; tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, bảo đảm kết nối hiệu quả các mạng lưới đường sắt trong nước và quốc tế, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

2. Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư:

a) Phạm vi: điểm đầu tại vị trí nối ray qua biên giới (tỉnh Lào Cai), điểm cuối tại ga Lạch Huyện (thành phố Hải Phòng); chiều dài tuyến chính khoảng 390,9 km; chiều dài các tuyến nhánh khoảng 27,9 km; đi qua địa phận 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng;

b) Quy mô: đầu tư mới toàn tuyến đường đơn, khổ 1.435 mm; vận chuyển chung hành khách, hàng hóa; tốc độ thiết kế 160 km/h đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng, tốc độ thiết kế 120 km/h đối với đoạn qua khu vực đầu mối thành phố Hà Nội, tốc độ thiết kế 80 km/h đối với các đoạn tuyến còn lại;

c) Hình thức đầu tư: đầu tư công.

3. Công nghệ: áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

4. Phạm vi thu hồi đất, sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất và số dân tái định cư:

a) Phạm vi thu hồi đất: thực hiện thu hồi đất theo quy mô quy hoạch (đường đôi đối với tuyến chính đoạn từ ga Lào Cai mới đến ga Nam Hải Phòng và đường đơn đối với các đoạn tuyến còn lại).

Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 2.632 ha, gồm: đất trồng lúa khoảng 716 ha (trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 709 ha), đất lâm nghiệp khoảng 878 ha, các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 1.038 ha;

b) Sơ bộ số dân tái định cư khoảng 19.136 người.

5. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

a) Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 203.231 tỷ đồng (hai trăm linh ba nghìn, hai trăm ba mươi mốt tỷ đồng);

b) Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

6. Tiến độ thực hiện: lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu hoàn thành Dự án chậm nhất vào năm 2030.

Điều 3

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt sau đây:

1. Trong quá trình thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ được quyết định:

a) Phát hành trái phiếu Chính phủ cho Dự án để bổ sung cho phần thiếu hụt so với dự toán và kế hoạch đầu tư công hằng năm đã được Quốc hội phê duyệt mà không làm tăng bội chi ngân sách nhà nước;

b) Huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện Dự án và không phải lập Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài; áp dụng theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài trong trường hợp pháp luật Việt Nam chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng khác với quy định của nhà tài trợ nước ngoài;

c) Sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho Dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ. Việc sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi không phải thực hiện theo thứ tự ưu tiên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.

3. Về phát triển, khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất vùng phụ cận ga đường sắt:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vùng phụ cận ga đường sắt để xác định vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi. Trong vùng phụ cận, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quyết định các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các yêu cầu về không gian và sử dụng đất khác với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; điều chỉnh chức năng sử dụng các khu đất trong vùng phụ cận ga đường sắt để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất;

b) Đối với khu vực đã có quy hoạch đô thị và nông thôn, quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt nhưng khi lập, điều chỉnh quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt có đề xuất mới, khác với nội dung quy hoạch đã được phê duyệt thì quyết định phê duyệt quy hoạch vùng phụ cận có giá trị thay thế và không phải làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt trước đó;

c) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy hoạch vùng phụ cận ga đường sắt để tạo quỹ đất nhằm phát triển đô thị theo quy định của pháp luật;

d) Đối với số tiền thu được từ khai thác quỹ đất vùng phụ cận ga đường sắt sau khi trừ đi các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cấp tỉnh được giữ lại 50% và nộp 50% vào ngân sách trung ương để cân đối ngân sách nhà nước đầu tư cho Dự án.

4. Về khai thác khoáng sản nhóm IV và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc khoáng sản nhóm III theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản (sau đây gọi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) phục vụ Dự án:

a) Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn khai thác, còn trữ lượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:

- Điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất theo nhu cầu của Dự án mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh để thực hiện trình tự, thủ tục quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường nhưng phải bảo đảm yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác;

- Dừng việc nâng công suất khai thác sau khi đã cung cấp đủ cho Dự án;

b) Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản này vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; sử dụng nguồn dự phòng của Dự án để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực mỏ sau khi đã được khảo sát, đánh giá về trữ lượng, chất lượng theo yêu cầu của Dự án và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về địa chất và khoáng sản để cấp mỏ cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án; quản lý, giám sát quá trình thực hiện và quản lý sau khi hoàn thành Dự án;

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản được điều chỉnh, đưa ra khỏi kế hoạch đấu giá để cấp giấy phép khai thác mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; việc cấp phép khai thác được thực hiện tương tự như việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 và các điểm c, d khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản;

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án chịu trách nhiệm nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

- Việc khai thác, sử dụng khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án và phải chịu sự quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản tại các mỏ khoáng sản nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án, chủ đầu tư chủ trì tổ chức khảo sát, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ sung mới các mỏ khoáng sản vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản tại các mỏ khoáng sản bổ sung mới thực hiện như quy định tại điểm b khoản này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật.

5. Về bãi đổ chất thải rắn xây dựng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực bãi đổ chất thải rắn xây dựng trong hồ sơ khảo sát Dự án và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu để đổ chất thải rắn xây dựng của Dự án;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức quản lý bãi đổ chất thải rắn xây dựng của Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước thu hồi từ Dự án. Việc xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước thu hồi từ Dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về trồng trọt.

6. Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho Dự án:

a) Tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ Dự án được áp dụng các chính sách sau đây:

- Tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động khoa học, công nghệ phục vụ Dự án được quyết định việc đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, đặt hàng để lựa chọn nhà thầu cung ứng dịch vụ, hàng hóa;

- Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi như doanh nghiệp công nghệ cao theo quy định của pháp luật về công nghệ cao trong thời gian thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ Dự án;

- Thu nhập của doanh nghiệp, thu nhập của cá nhân từ việc thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ phục vụ Dự án được miễn thuế;

b) Tổ chức, cá nhân tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao phục vụ Dự án được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

7. Về phát triển công nghiệp và chuyển giao công nghệ:

a) Nhà thầu phải ưu tiên sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể sản xuất, cung cấp;

b) Đối với gói thầu áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu quốc tế, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải có điều kiện cam kết của nhà thầu về việc chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho đối tác Việt Nam để làm chủ công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì, từng bước làm chủ công nghệ.

8. Về thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, điều chỉnh Dự án:

a) Trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án, trừ trường hợp điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của Dự án;

b) Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định điều chỉnh Dự án đối với các trường hợp: khi điều chỉnh quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp tới Dự án; do ảnh hưởng của sự cố thiên tai, hỏa hoạn hoặc yếu tố bất khả kháng khác khi đã hết thời hạn bảo hiểm của Dự án; chỉ số giá trong thời gian thực hiện Dự án lớn hơn chỉ số giá được sử dụng để tính dự phòng trong tổng mức đầu tư Dự án.

9. Công trình nhà ga đường sắt, công trình cầu thuộc Dự án không phải thi tuyển phương án kiến trúc.

10. Về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

a) Tập đoàn Điện lực Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện tiểu dự án hoặc các tiểu dự án đối với công tác di dời công trình điện có điện áp từ 110 kV trở lên;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có Dự án đi qua triển khai xây dựng khu tái định cư cho Dự án trên cơ sở hồ sơ thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư; bố trí tạm cư cho người có đất thu hồi, bảo đảm ổn định đời sống của người dân;

c) Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền được quyết định áp dụng chỉ định thầu đối với các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu;

d) Cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ứng trước vốn ngân sách địa phương để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Dự án.

11. Về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác và tạm sử dụng rừng:

a) Chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện trong bước nghiên cứu khả thi của Dự án. Hồ sơ đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác là thành phần hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án. Quyết định phê duyệt Dự án đồng thời là Quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác;

b) Chính phủ quy định việc tạm sử dụng rừng và hoàn trả rừng để thực hiện thi công công trình tạm phục vụ Dự án.

12. Về lập tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu:

a) Đối với các hạng mục công việc có nhưng chưa phù hợp hoặc chưa có trong hệ thống định mức xây dựng, đơn giá được cấp có thẩm quyền ban hành, Dự án được áp dụng hệ thống định mức xây dựng, giá xây dựng công trình của các dự án đường sắt tương tự trên thế giới và được quy đổi về thời điểm tính toán;

b) Đối với các hạng mục không thể xác định chi phí theo quy định tại điểm a khoản này được phép xác định chi phí theo suất vốn đầu tư của dự án đường sắt tương tự trên thế giới và được quy đổi về thời điểm tính toán;

c) Đối với các khoản mục chi phí chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam hoặc đã có quy định trong pháp luật Việt Nam nhưng chưa phù hợp với các dự án đường sắt có tính chất, điều kiện triển khai tương tự, được áp dụng các khoản mục chi phí như các dự án đường sắt có tính chất, điều kiện triển khai tương tự trên thế giới.

13. Cơ chế, chính sách bảo đảm phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực:

a) Khi lựa chọn nhà thầu các gói thầu EPC, gói thầu tư vấn sử dụng nhà thầu nước ngoài, thành phần tổ thẩm định theo quy định của pháp luật về đấu thầu và bổ sung đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước;

b) Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ tổng mức đầu tư đã được hoàn thiện theo báo cáo thẩm định của cấp quyết định đầu tư cho Kiểm toán nhà nước để thực hiện kiểm toán làm cơ sở phê duyệt Dự án. Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm gửi kết quả kiểm toán cho cấp quyết định đầu tư trong thời hạn tối đa không quá 15 ngày, kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị kiểm toán.

14. Trường hợp việc lập, thẩm định, phê duyệt Dự án có nội dung khác với quy hoạch có liên quan thì Dự án được phê duyệt mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Sau khi Dự án được phê duyệt, các quy hoạch có liên quan phải được kịp thời rà soát, điều chỉnh, cập nhật và công bố.

15. Cho phép chủ đầu tư được triển khai thực hiện đồng thời việc lập, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế xây dựng sau thiết kế cơ sở, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

16. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu các gói thầu thuộc Dự án.

17. Trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt quy định tại Điều này cho Dự án.

18. Chính phủ ban hành Nghị định để quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của Dự án.

Điều 4

1. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc:

a) Tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; bảo đảm Dự án đúng tiến độ, chất lượng;

b) Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư Dự án;

c) Chỉ đạo tổ chức việc quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì bảo đảm an toàn, hiệu quả.

2. Trong quá trình vận hành, khai thác, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư bổ sung một số nhà ga để đáp ứng nhu cầu vận tải.

3. Các địa phương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các tiểu dự án được giao tổ chức thực hiện.

4. Tổ chức kiện toàn ban quản lý dự án chuyên ngành bảo đảm đủ năng lực thực hiện quản lý đầu tư Dự án.

5. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp nhận quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng và tổ chức vận hành, khai thác; huy động các doanh nghiệp khác đầu tư phương tiện; tiếp tục tái cơ cấu, xây dựng mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng bảo đảm thống nhất, hiện đại, hiệu quả; tham gia phát triển công nghiệp đường sắt.

6. Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng chịu trách nhiệm huy động nguồn lực để đầu tư tuyến nhánh nối ga Nam Đồ Sơn trong Dự án, khu bến Nam Đồ Sơn bảo đảm khai thác đồng bộ các công trình này; chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả đầu tư của tuyến nhánh nối ga Nam Đồ Sơn bảo đảm không gây thất thoát, lãng phí.

Điều 5

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận chủ trương đầu tư Dự án, giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.

3. Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.


CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Trần Thanh Mẫn

Chính trị

Bài 1: Bước đi quyết liệt, đột phá
Chính trị

Bài 1: Bước đi quyết liệt, đột phá

Trong Kết luận số 127-KL/TW ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có yêu cầu nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện. Đây là một bước đi quyết liệt và mang tính đột phá, rất cần thiết trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính ở nước ta, hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh H.Ngọc
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Hãy cùng nhau làm khoa học vì một nền nông nghiệp bền vững, vì người nông dân no ấm

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học khối nông - lâm - ngư nghiệp chiều 15.3, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra những định hướng lớn, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra bước ngoặt thực sự trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Hãy cùng nhau làm khoa học vì một nền nông nghiệp bền vững, vì người nông dân no ấm, vì tương lai con cháu chúng ta.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị Giáo sư Thomas Vallely tham vấn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị Giáo sư Thomas Vallely tham vấn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng

Chiều 15.3, tiếp Giáo sư Thomas Vallely, Cố vấn Cấp cao về Việt Nam tại Viện Đông Nam Á của Đại học Columbia (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Giáo sư và các cộng sự tiếp tục tham vấn chính sách để Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Ngày 15.3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 10 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại các cuộc họp với Thường trực các Tiểu ban Đại hội XIV của Đảng, để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 11.

Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chính trị

Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Sáng 15.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ hai, công bố các quyết định về phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus Wouter Van Wersch
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus Wouter Van Wersch

Chiều tối 14.3, tiếp ông Wouter Van Wersch, Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus - Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đang thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không, mở rộng đường bay quốc tế; đề nghị Airbus đầu tư, tham gia và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.

Hoàn thiện đồng bộ pháp luật để giáo dục đại học phát huy vai trò then chốt đào tạo nhân lực
Chính trị

Hoàn thiện đồng bộ pháp luật để giáo dục đại học phát huy vai trò then chốt đào tạo nhân lực

Ngày 14.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc - Hồ Long
Chính trị

Tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 12 nội dung trong chương trình Phiên họp thứ 43. Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nỗ lực hơn nữa, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới. 

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa.
Chính trị

Bài 2: Mỗi đảng viên tự nêu gương thì hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng

Để tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong xây dựng văn hóa Đảng, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới đã được ban hành. Có thể thấy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiểu rõ và tự giác thực hiện đầy đủ Quy định 144 - QĐ/TW, thì đây chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xói mòn về phẩm chất đạo đức, tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương thì hàng triệu đảng viên sẽ là những tấm gương sáng, toàn Đảng sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân.