NGHỊ QUYẾT Về bổ sung Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên

nq-192.jpg

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số 62/2025/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 53/TTr-CP ngày 27/01/2025, Báo cáo số 54/BC-CP ngày 27/01/2025 của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, ý kiến cơ quan hữu quan và ý kiến đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu, chỉ tiêu

a) Mục tiêu tổng quát: Củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng nhằm thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030. Năm 2025, tập trung thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh; tạo tiền đề để tăng trưởng cao hơn trong các năm sau.

b) Điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu:

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 8% trở lên, quy mô GDP năm 2025 đạt khoảng trên 500 tỷ đô la Mỹ (USD).

- GDP bình quân đầu người khoảng trên 5.000 USD.

- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.

Điều 2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

Quốc hội cơ bản tán thành các nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị, đồng thời, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

2.1. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển”, từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.

Tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó, tập trung rà soát, sớm sửa đổi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Chủ động, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích cho những vấn đề mới, dự án công nghệ cao, dự án lớn, xu hướng mới, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; trong đó, sớm ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi); sớm xây dựng Đề án khung pháp lý về phát triển sản xuất thông minh, mô hình nhà máy thông minh, mô hình quản trị thông minh, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để thúc đẩy phát triển nhanh, lành mạnh, hiệu quả các loại thị trường (tài chính, chứng khoán, khoa học, công nghệ, lao động, bất động sản…). Rà soát để mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn, áp dụng một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng tại 10 địa phương và đã phát huy hiệu quả. Xây dựng chính sách đặc thù phát triển các khu kinh tế có tiềm năng lớn như Vân Đồn, Vân Phong, các khu kinh tế biên giới và các vùng theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Khẩn trương triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội đã được thông qua, nhất là các văn bản về sắp xếp tổ chức các cơ quan, bảo đảm hoạt động liên tục, thông suốt với hiệu quả cao hơn; hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phục vụ triển khai cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Ban hành ngay cơ chế, chính sách đủ mạnh, quy định pháp luật cụ thể, minh bạch để khắc phục, xử lý tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, tạo không gian sáng tạo, khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi; tăng cường kiểm tra, đôn đốc để giám sát thường xuyên, kịp thời uốn nắn, khắc phục, chấn chỉnh ngay các vi phạm, khuyết điểm, không dám chịu trách nhiệm.

2.2. Tập trung nguồn lực hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại; khơi thông và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công

Trong năm 2025, cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các cảng khu vực Lạch Huyện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, T2 Nội Bài; khởi công xây dựng bến cảng Liên Chiểu; đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án hạ tầng giao thông chiến lược, quan trọng quốc gia. Bổ sung khoảng 84,3 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án có khả năng hấp thụ vốn (đường cao tốc, đường ven biển…) ngay trong năm 2025. Triệt để tiết kiệm chi; phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 và nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2024 để đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; tận dụng dư địa về nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để huy động, bổ sung nguồn lực cho phát triển. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; trong đó, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 để thực hiện ngay trong năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2025 cả nước đạt 95% kế hoạch; bổ sung, áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án quy mô lớn, trọng điểm. Trường hợp cần thiết, điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4 - 4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

2.3. Tập trung cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư kinh doanh, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế

Thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Xây dựng cơ chế ưu tiên hình thành, phát triển lực lượng sản xuất mới, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển mạnh doanh nghiệp dân tộc, quy mô lớn. Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhà nước để tập trung đầu tư các dự án lớn, trọng tâm, trọng điểm, có tác động lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy gắn kết chặt chẽ giữa các khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Kiên quyết cắt bỏ cơ chế “xin - cho”, đầu tư công dàn trải (Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2026 - 2030 bảo đảm không quá 3.000 dự án).

Tháo gỡ ngay các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; sớm bảo đảm các tiêu chí, điều kiện để nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2025; có cơ chế khai thác hiệu quả các dòng vốn đầu tư gián tiếp, các quỹ đầu tư quốc tế. Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Chủ động làm việc với từng nhà đầu tư chiến lược để thu hút các dự án FDI lớn, công nghệ cao; triển khai hiệu quả cơ chế “luồng xanh” cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao để sớm triển khai, đưa dự án vào vận hành. Triển khai hiệu quả quy định về phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương trong chấp thuận đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp mới. Rà soát, có ngay các giải pháp xử lý các dự án đang vướng mắc, nhất là các dự án năng lượng tái tạo, BOT, BT, giao thông, bất động sản và các lĩnh vực khác; trước mắt, xây dựng cơ chế đặc thù tập trung tháo gỡ cho các dự án tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và một số tỉnh, thành phố lớn để giải phóng nguồn lực ngay trong năm 2025. Sớm hoàn thành thủ tục đầu tư cảng biển quốc tế Cần Giờ. Thúc đẩy mạnh mẽ các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện VIII trong bối cảnh mới.

Phát huy hiệu quả Quỹ hỗ trợ đầu tư; khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả Đề án về cơ chế, chính sách hình thành và phát triển doanh nghiệp dân tộc, giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt; Đề án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, phát triển bền vững…

2.4. Đẩy mạnh và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách về thuế, tín dụng để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số; phát triển thương mại điện tử. Phấn đấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên. Phát triển ngành vận tải hàng không và tạo điều kiện hơn nữa để thu hút khách du lịch nước ngoài; khẩn trương xem xét, quyết định giải pháp đơn phương miễn thị thực nhập cảnh có thời hạn cho công dân một số nước châu Âu, Trung Đông mang hộ chiếu phổ thông; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ. Năm 2025, phấn đấu đón và phục vụ 22 - 23 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 120 - 130 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Chủ động triển khai các giải pháp toàn diện, đồng bộ về chính trị, kinh tế, ngoại giao; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với Mỹ, Trung Quốc và các nước đối tác lớn của Việt Nam; tham gia tích cực vào các sáng kiến của Cộng đồng kinh tế ASEAN để tăng cường cơ hội đầu tư và thương mại trong khu vực. Khai thác hiệu quả cơ hội từ 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết; mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là các quốc gia mới nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện; nhanh chóng hoàn thành đàm phán FTA với các nước Trung Đông, Thụy Sỹ, Na Uy, Phần Lan… để tăng cường khai thác các thị trường mới, tiềm năng, thị trường Trung Đông, Halal, Mỹ La-tinh, châu Phi. Cung cấp cho doanh nghiệp thông tin nghiên cứu thị trường để xác định cơ hội xâm nhập thị trường toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu; thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ kiện chống bán phá giá. Đẩy mạnh hơn nữa xuất khẩu dịch vụ, nhất là tài chính - ngân hàng, hướng tới cân bằng cán cân thương mại dịch vụ; thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải, nhất là việc mở rộng vận tải hàng không, vận tải biển. Tăng cường hội nhập quốc tế trong lĩnh vực dịch vụ, ký kết các hiệp định kinh tế số với các nước trong khu vực.

2.5. Thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, phát triển lực lượng sản xuất mới, tiên tiến

Tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị; đẩy mạnh chuyển đổi xanh, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để khai thác không gian vũ trụ, không gian biển, không gian ngầm. Khẩn trương có giải pháp phát huy hiệu quả các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo…; xây dựng cơ chế, chính sách áp dụng mô hình “đầu tư công - quản trị tư”, “đầu tư tư - quản trị công”, bảo đảm quyền chủ động của nhà khoa học trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.

Tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhất là những ngành, lĩnh vực ưu tiên, mới nổi như AI, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, năng lượng nguyên tử, vật liệu tiên tiến, robot và tự động hóa, xây dựng và vận hành đường sắt tốc độ cao,…; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và bảo đảm nguồn lực tài chính cho giáo dục, đào tạo; có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư nguồn lực, đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Khẩn trương triển khai hiệu quả Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm tài chính khu vực tại Đà Nẵng; xây dựng khu thương mại tự do, khu kinh tế biên giới tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế như Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai…

Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế gắn với thúc đẩy thương mại, thu hút các nguồn lực bên ngoài, nhất là đầu tư khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các chuyên gia, nhất là các chuyên gia giỏi người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài làm việc và phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo cho Việt Nam. Đẩy mạnh thương mại hoá 5G; nghiên cứu công nghệ 6G; phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thúc đẩy sự hình thành, hoạt động và phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số, tạo thêm nhiều “việc làm số”. Tận dụng hiệu quả các cơ hội thu hút đầu tư, thúc đẩy thương mại… trên cơ sở củng cố, phát huy vị thế của nước ta trên bản đồ công nghiệp bán dẫn, chuyển đổi số, khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Bố trí nguồn lực và có cơ chế, chính sách đặc thù để triển khai ngay Chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn. Khẩn trương xây dựng, triển khai hiệu quả cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới. Sớm ban hành, triển khai hiệu quả hành lang pháp lý để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện thành công Nghị quyết này.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát và động viên mọi tầng lớp Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.

Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, tăng tốc, bứt phá, về đích, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, làm nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong giai đoạn tiếp theo.


Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thông qua ngày 19 tháng 02 năm 2025.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

Trần Thanh Mẫn

Chính trị

Bài 1: Bước đi quyết liệt, đột phá
Chính trị

Bài 1: Bước đi quyết liệt, đột phá

Trong Kết luận số 127-KL/TW ngày 28.2.2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị có yêu cầu nghiên cứu định hướng không tổ chức cấp huyện. Đây là một bước đi quyết liệt và mang tính đột phá, rất cần thiết trong tiến trình cải cách bộ máy hành chính ở nước ta, hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, phục vụ Nhân dân tốt hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc gặp - Ảnh H.Ngọc
Thời sự Quốc hội

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan: Hãy cùng nhau làm khoa học vì một nền nông nghiệp bền vững, vì người nông dân no ấm

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ các nhà khoa học khối nông - lâm - ngư nghiệp chiều 15.3, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, Nghị quyết 57-NQ/TW đã đặt ra những định hướng lớn, nhưng điều quan trọng hơn là làm sao để Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra bước ngoặt thực sự trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Hãy cùng nhau làm khoa học vì một nền nông nghiệp bền vững, vì người nông dân no ấm, vì tương lai con cháu chúng ta.”

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị Giáo sư Thomas Vallely tham vấn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đề nghị Giáo sư Thomas Vallely tham vấn để Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng

Chiều 15.3, tiếp Giáo sư Thomas Vallely, Cố vấn Cấp cao về Việt Nam tại Viện Đông Nam Á của Đại học Columbia (Hoa Kỳ), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Giáo sư và các cộng sự tiếp tục tham vấn chính sách để Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và 2 con số trong những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng
Sự kiện nổi bật

Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng

Ngày 15.3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng đã chủ trì họp Tiểu ban Văn kiện, cho ý kiến vào dự thảo Báo cáo Chính trị do Tổ Biên tập xây dựng trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Hội nghị Trung ương 10 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại các cuộc họp với Thường trực các Tiểu ban Đại hội XIV của Đảng, để trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 11.

Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Chính trị

Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Sáng 15.3, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội - 22 Hùng Vương, Ban Chấp hành Đảng bộ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tổ chức Hội nghị lần thứ hai, công bố các quyết định về phân công nhiệm vụ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Đảng ủy Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus Wouter Van Wersch
Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus Wouter Van Wersch

Chiều tối 14.3, tiếp ông Wouter Van Wersch, Phó Chủ tịch điều hành toàn cầu Tập đoàn Airbus - Tập đoàn chế tạo máy bay hàng đầu thế giới đang thăm, làm việc tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đang phát triển kinh tế hàng không, mở rộng đường bay quốc tế; đề nghị Airbus đầu tư, tham gia và hỗ trợ phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp hàng không Việt Nam.

Hoàn thiện đồng bộ pháp luật để giáo dục đại học phát huy vai trò then chốt đào tạo nhân lực
Chính trị

Hoàn thiện đồng bộ pháp luật để giáo dục đại học phát huy vai trò then chốt đào tạo nhân lực

Ngày 14.3, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, giai đoạn 2021 - 2024.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc - Hồ Long
Chính trị

Tập trung cao độ, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội

Sau 2,5 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã hoàn thành 12 nội dung trong chương trình Phiên họp thứ 43. Phát biểu bế mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung cao độ, nỗ lực hơn nữa, dành ưu tiên cao nhất cho công tác chuẩn bị Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội sẽ diễn ra vào đầu tháng 5 tới. 

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa.
Chính trị

Bài 2: Mỗi đảng viên tự nêu gương thì hàng triệu đảng viên là những tấm gương sáng

Để tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong xây dựng văn hóa Đảng, Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 9.5.2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới đã được ban hành. Có thể thấy, nếu mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị hiểu rõ và tự giác thực hiện đầy đủ Quy định 144 - QĐ/TW, thì đây chính là công cụ hữu hiệu để ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xói mòn về phẩm chất đạo đức, tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, xa rời quần chúng. Mỗi cán bộ, đảng viên tự nêu gương thì hàng triệu đảng viên sẽ là những tấm gương sáng, toàn Đảng sẽ thực sự trong sạch, vững mạnh, gắn bó máu thịt với Nhân dân.