NGHỊ QUYẾT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Lời Tòa soạn: Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo Đại biểu Nhân dân trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.
NGHỊ QUYẾT
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Luật Tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 65/2020/QH14 và Luật số 62/2025/QH15;
Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15;
Căn cứ Nghị quyết số 178/2025/QH15 ngày 18 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 190/2025/QH15 ngày 19 tháng 02 năm 2025 của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 71/2025/UBTVQH15 ngày 18 tháng 02 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể và cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 44/2024/UBTVQH15 ngày 05 tháng 02 năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
1. Sửa đổi, bổ sung tên Nghị quyết như sau:
“Nghị quyết về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội; công chức và các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội”.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về thi đua, khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội; công chức và các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.”.
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Phạm vi tổ chức thi đua
1. Quốc hội.
2. Khối thi đua Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
3. Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực Ủy ban của Quốc hội.
4. Khối thi đua các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội.
5. Khối thi đua các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.”.
4. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5 như sau:
“2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội triển khai phong trào thi đua ở cơ quan, đơn vị mình.”.
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Thi đua đối với đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, công chức các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội
1. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
Công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, công chức các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan, đơn vị và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
2. Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xét tặng danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở” và đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương.
3. Đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan, đơn vị công tác và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
4. Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại Văn phòng Quốc hội và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
5. Trợ lý, Thư ký của Chủ tịch Quốc hội; Trợ lý, Thư ký của Phó Chủ tịch Quốc hội thực hiện thi đua thường xuyên, bình xét thi đua tại cơ quan, đơn vị nơi sinh hoạt Đảng và thực hiện thi đua theo chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.”.
6. Sửa đổi, bổ sung Điều 7 như sau:
“Điều 7. Các danh hiệu thi đua
1. Danh hiệu thi đua đối với cá nhân là đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội và công chức các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm:
a) “Chiến sĩ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
b) “Chiến sĩ thi đua cơ sở”;
c) “Lao động tiên tiến”.
2. Danh hiệu thi đua đối với tập thể Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gồm:
a) “Cờ thi đua cơ quan của Quốc hội”;
b) “Tập thể lao động xuất sắc”;
c) “Tập thể lao động tiên tiến”.”.
7. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 8 như sau:
“2. Có sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả và có khả năng nhân rộng trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả, có phạm vi ảnh hưởng trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội.”.
8. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 9 như sau:
“2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu.”.
9. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 12 như sau:
“3. Có 100% cá nhân trong cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong đó có ít nhất là 70% cá nhân đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến”.
Đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cá nhân trong cơ quan, đơn vị bao gồm cán bộ, công chức tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Vụ chuyên môn trực thuộc.”.
10. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 13 như sau:
“3. Có ít nhất là 70% cá nhân trong cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu “Lao động tiên tiến” và không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.
Đối với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cá nhân trong cơ quan, đơn vị bao gồm cán bộ, công chức tại Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội và Vụ chuyên môn trực thuộc.”.
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 16 như sau:
“Điều 16. Bằng khen
1. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội; công chức các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;
b) Lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 lần liên tục được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc có liên tục từ 02 năm trở lên được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong thời gian đó có 02 sáng kiến được công nhận và áp dụng có hiệu quả trong phạm vi Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội hoặc có 02 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu và áp dụng hiệu quả trong phạm vi Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội.
2. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng hoặc truy tặng cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động.
3. Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội bộ đoàn kết và đạt một trong các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có thành tích xuất sắc được bình xét trong phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động;
b) Lập thành tích xuất sắc đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội;
c) Có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo;
d) Có 02 năm liên tục được công nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, tổ chức tốt các phong trào thi đua; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trong tập thể; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
4. Trường hợp khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.”.
12. Sửa đổi, bổ sung Điều 18 như sau:
“Điều 18. Thẩm quyền của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội
1. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội quyết định tặng danh hiệu thi đua “Lao động tiên tiến”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”.
Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác.
2. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội, người đứng đầu cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội quyết định thành lập Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở, đồng thời là Hội đồng sáng kiến cơ sở. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng làm việc theo quy chế hoạt động do Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ban hành.
3. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu thẩm định hồ sơ, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng bình xét thi đua, xét khen thưởng. Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng, Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng các danh hiệu thi đua quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 7 và hình thức khen thưởng quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị quyết này hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xét tặng danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cấp Nhà nước quy định tại khoản 4 Điều này.
4. Căn cứ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xét tặng thưởng Huân chương, Huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước; đề nghị Chính phủ xét tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”; đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”, danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương; cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội; công chức các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
5. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề nghị khen thưởng đối với Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được giao phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khi có yêu cầu.”.
13. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:
“Điều 19. Thủ tục xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Thủ tục xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội họp bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể; gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu);
b) Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
c) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp bình xét thi đua, xét khen thưởng;
d) Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu lập hồ sơ đề nghị khen thưởng theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 20 của Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định;
đ) Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo thẩm quyền.
2. Thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cấp Nhà nước được thực hiện như sau:
a) Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội họp bình xét danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng cho cá nhân, tập thể, gửi văn bản đề nghị xét tặng đến Hội đồng Thi đua - Khen thưởng (qua Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu);
b) Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
c) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp bình xét thi đua, xét khen thưởng;
d) Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu lập hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của Nghị quyết này trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng.
3. Việc khen thưởng quá trình cống hiến của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở trung ương và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện như sau:
a) Sau khi có thông báo nghỉ hưu, cá nhân gửi Báo cáo tóm tắt thành tích đến Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu để thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng;
b) Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu lập hồ sơ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng.
4. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội bình xét hình thức khen thưởng đối với Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cán bộ, công chức khác thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Đoàn đại biểu Quốc hội bình xét khen thưởng đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương và đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách ở cơ quan mình khi sơ kết, tổng kết phong trào thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát động và gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (qua Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu);
Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu tổng hợp, thẩm định, trình Hội đồng Thi đua - Khen thưởng họp, xét khen thưởng. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tặng theo thẩm quyền hoặc giao Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị cấp có thẩm quyền xét tặng hình thức khen thưởng cấp Nhà nước.
5. Việc công khai kết quả xét tặng hình thức khen thưởng huân chương, huy chương, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, danh hiệu vinh dự nhà nước và các hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.”.
14. Sửa đổi, bổ sung Điều 20 như sau:
“Điều 20. Hồ sơ xét tặng, đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho cá nhân, tập thể được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.
2. Hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
a) Tờ trình của Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản bình xét thi đua và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị xét tặng của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội;
đ) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu, áp dụng hiệu quả trong phạm vi Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
3. Hồ sơ đề nghị xét tặng Bằng khen do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tặng cho cá nhân, tập thể được lập thành 01 bộ gồm:
a) Tờ trình của Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu;
b) Báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể;
c) Biên bản xét khen thưởng và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng;
d) Đề nghị khen thưởng của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội;
đ) Trường hợp cá nhân, tập thể được đề nghị khen thưởng Bằng khen do lập được nhiều thành tích hoặc thành tích đột xuất, có phạm vi ảnh hưởng trong Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội hoặc có đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công tác xã hội, từ thiện nhân đạo thì phải có chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thành tích đề nghị khen thưởng;
e) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Hồ sơ khen thưởng đối với danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” gồm:
a) Báo cáo thành tích của cá nhân;
b) Biên bản họp và kết quả bỏ phiếu của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cơ sở của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội;
c) Chứng nhận hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với sáng kiến hoặc quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu;
d) Tài liệu khác có liên quan (nếu có).”.
15. Sửa đổi, bổ sung Điều 22 như sau:
“Điều 22. Trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội trở lên, các cá nhân, tập thể được khen thưởng thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các trường hợp khác do Chủ tịch Quốc hội quyết định; khen thưởng do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước tặng. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trao tặng.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hình thức khen thưởng khác ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này cho cán bộ, công chức của cơ quan mình.”.
16. Sửa đổi, bổ sung Điều 23 như sau:
“Điều 23. Quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng
1. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu có trách nhiệm quản lý hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội, các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng của cơ quan mình theo quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.”.
17. Sửa đổi, bổ sung khoản 5 và khoản 6 của Điều 27 như sau:
“5. Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công chức chuyên trách trong các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội và các cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Quốc hội; công chức và các Vụ chuyên môn trực thuộc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; tập thể, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
6. Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu là cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác thi đua, khen thưởng; chịu trách nhiệm chuẩn bị hiện vật khen thưởng; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cá nhân, tập thể thực hiện Nghị quyết này.”.
18. Thay thế, bỏ một số cụm từ sau đây:
a) Thay thế cụm từ “Trưởng Ban Công tác đại biểu” bằng cụm từ “Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu” tại điểm b khoản 2 Điều 24;
b) Thay thế cụm từ “Trưởng Ban Công tác đại biểu” bằng cụm từ “Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu” tại điểm đ khoản 3 Điều 24;
c) Thay thế cụm từ “Ban Công tác đại biểu” bằng cụm từ “Thường trực Ủy ban Công tác đại biểu” tại Điều 21, khoản 4 Điều 24 và khoản 2 Điều 27.
Điều 2. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 06 tháng 6 năm 2025.
Nghị quyết này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại phiên họp thứ 46, ngày 06 tháng 6 năm 2025.
TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH
Trần Thanh Mẫn