Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số
Thời gian qua, các trường đại học, viện thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm tốt công tác đào tạo cán bộ chiến lược cho ngành; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo chuyển đổi số. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của ngành nông nghiệp là trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế.
Tại tọa đàm triển khai Nghị quyết số 57 vào chiều 16.1, GS. Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp, cho biết, thời gian qua, trường đã xây dựng ý tưởng trung tâm kết nối số, tri thức số hỗ trợ cộng đồng; đồng thời khẳng định ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là vấn đề mang tính thời sự, là xu thế chung. Sau Tết, trường sẽ có chương trình xây dựng thành đại học số với 628 quy trình xử lý công việc và 10.373 chức năng. Năm 2025, phấn đấu đạt 50% chức năng chuyển đổi số, đến cuối năm sẽ có nguồn thu từ chuyển đổi số.
GS. Nguyễn Trung Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, cho biết, trong kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, trường đứng thứ hạng cao, đạt 96,97% các tiêu chí; đạt 6/7 tiêu chí về khoa học, công nghệ - đây là điểm sáng tích cực trong việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, công nghệ. Trong 5 năm qua, trường đã có nhiều đề án khoa học công nghệ được đánh giá cao, trong đó có đề án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Với những kết quả đã đạt được, trường sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phong trào đổi mới sáng tạo tốt hơn.
Tương tự, Trường Đại học Nông - Lâm Bắc Giang nhiều năm qua đã quyết tâm chuyển đổi số, bám sát các chương trình đào tạo khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. GS.TS. Phạm Bảo Dương, Hiệu trưởng của trường cho biết, hiện trường có 20 ngành đào tạo đại học; đã mở ngành cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin: sắp tới sẽ mở ngành đào tạo bán dẫn AI. Trường sẽ đẩy mạnh đào tạo từ xa; chuyển đổi số trong quản trị nhà trường...
Tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn nhân lực
TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã phát triển vượt bậc nhưng đến nay không gian phát triển bị giới hạn về đất đai, và cơ sở hạ tầng khó đầu tư cao hơn. Lúc này, khoa học công nghệ sẽ là chìa khóa giúp ngành có bước đột phá, tạo ra các sản phẩm cạnh tranh. Chính vì vậy, Nghị quyết 57 là luồng gió mới, mang lại sức sống mới cho ngành nông nghiệp trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Nghị quyết đã nhận rõ những điểm nghẽn và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ.
Nhấn mạnh rằng nếu không chủ động mở cửa đón nhận luồng gió mới thì không thể triển khai tốt Nghị quyết số 57, TS. Nguyễn Hồng Sơn cho biết thời gian tới, Viện sẽ tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp; triển khai hiệu quả nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư cho con người và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, tăng cường quản lý sản phẩm khoa học công nghệ...
Theo PGS.TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để triển khai tốt Nghị quyết số 57, cần thay đổi tư duy, sẵn sàng mở lòng liên kết, hợp tác giữa các nhà khoa học. Đồng thời, cần xem xét đầu tư triển khai các chương trình đào tạo nhân lực ở nước ngoài. Chiến lược khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp cần được định hướng sâu, không nên dàn trải.
GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, cũng cho rằng, việc xây dựng chiến lược khoa học công nghệ là rất cần thiết để hình thành nhiệm vụ mũi nhọn, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57. Ông cũng đề nghị tiếp tục quan tâm, xây dựng được đội ngũ nghiên cứu, chất lượng cao; có những kết quả nghiên cứu mang tính đột phá áp dụng vào sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng là lúc thế giới đang sống trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp là trách nhiệm đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Theo Bộ trưởng, cần tư duy thực tiễn, dài hạn, không chỉ lý thuyết mà phải có giải pháp thực tế. Đổi mới sáng tạo không thể mang lại kết quả một sớm một chiều, khoa học, công nghệ sẽ có độ trễ nhất định, vì vậy phải kiên trì bền bỉ, cần tầm nhìn xa. Nghiên cứu khoa học sẽ có rủi ro nên cần rà soát, rút kinh nghiệm thực tiễn để đi đến thành công.