Nghị quyết 68/NQ-CP: Đột phá trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính
Ngày 12.5.2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025. Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ cắt giảm tối thiểu 20% quy định và tối thiểu 20% chi phí tuân thủ. Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện, nhiều ý kiến nhận định, Nghị quyết 68 thực sự là sự đột phá trong cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Làn sóng” cải cách lớn nhất từ trước tới nay
Chính thức có hiệu lực trong thời điểm đầu của dịch Covid-19, cho đến nay Nghị quyết 68/NQ-CP đã phát huy tốt vai trò hỗ trợ. Nghị quyết đã nên “làn sóng” cải cách rộng khắp các bộ, ngành. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Là bộ đầu tiên công bố hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao tại Nghị quyết số 68/NQ-CP, Bộ Y tế đã cắt giảm, đơn giản hóa TTHC trong kinh doanh dịch vụ khám chữa bệnh, bao gồm: 41 TTHC trong kinh doanh dược; 6 TTHC trong kinh doanh hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng y tế; 12 TTHC trong kinh doanh trang thiết bị y tế; 5 TTHC trong kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế... Tổng số tiền tiết kiệm từ việc cắt giảm 167 thủ tục và quy định nói trên ước tính khoảng 570 tỷ đồng.

Ngay sau khi Nghị quyết 68 được ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tất cả 178 TTHC. Trên cơ sở đó, Bộ đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 153/178 TTHC, chiếm 85% số lượng TTHC của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Theo tính toán, việc đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC của bộ đã giúp tiết kiệm được gần 132 tỷ đồng, tương đương 21,9% tổng chi phí tuân thủ TTHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Ngân hàng - nhóm ngành gần gũi nhất với người dân và doanh nghiệp - cũng đã nỗ lực cắt giảm chi phí, đơn giản hóa TTHC. Năm nay là năm thứ sáu liên tiếp Ngân hàng Nhà nước giữ vị trí dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính trong số các bộ, ngành. Tính trong cả giai đoạn 10 năm qua, đã có hơn 80% TTHC và điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa, đáp ứng tốt yêu cầu hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Nhờ vậy, theo kết quả khảo sát sự hài lòng của tổ chức/cá nhân về kết quả giải quyết TTHC, chỉ số hài lòng hàng năm đều đạt trên 98%.
Chú trọng cải cách khâu tổ chức thực hiện
Đánh giá về những lợi ích của Nghị quyết số 68/NQ-CP, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá, Nghị quyết lần này được xem là “làn sóng” cải cách lớn nhất từ trước đến nay. Nghị quyết cùng các đợt cải cách trước đây đều nhằm mục tiêu chung là cải cách thể chế, tạo ra một môi trường kinh doanh rõ ràng, minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo đà tăng trưởng kinh tế.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đánh giá, đây là đợt cải cách có tính hệ thống và bao trùm nhất. Bởi, Nghị quyết không chỉ bàn về vấn đề sửa đổi thể chế chính sách, quy định chi phí tuân thủ mà còn chú trọng cải cách khâu tổ chức thực hiện, tính rõ giá trị đem lại cho doanh nghiệp.
Sau hơn 1 năm triển khai, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng cải cách TTHC đã đem kết quả rất tích cực. Theo đó, công tác thống kê, rà soát, đánh giá các thông tư, nghị định, văn bản đã và sắp ban hành... có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã làm được nhiều. Việc đề ra các mục tiêu để phấn đầu là chính xác và là cơ sở để thúc đẩy cải cách TTHC nhanh hơn và chuẩn xác hơn. Chỉ số PCI, trong đó có cải cách TTHC của các tỉnh, có tiến bộ đều nhờ một phần vào việc thực hiện Nghị quyết 68, địa phương nào làm tốt cải cách TTHC hơn thì rõ ràng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực hơn", ông Phú nói.
Dù mang lại nhiều kết quả rất tích cực, nhưng trong giai đoạn cả nước đang tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch Covid-19, việc hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết 68 cũng tạo ra những thách thức không nhỏ. Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, sức ép về hậu cần, y tế đã chiếm quỹ thời gian, vật chất, nhân lực... của các bộ, ngành, địa phương rất lớn nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Tình hình dịch cũng phát sinh rất nhiều vấn đề mới về TTHC, trong đó một số tỉnh, thành bị phê bình vì tạo thêm các TTHC gây cản trở lưu thông hàng hóa. Nhìn lại tình hình thực tế để thấy, có được kết quả như hiện nay là một sự cố gắng rất lớn của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.
Trước tình hình dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, để nâng cao hiệu quả cải cách TTHC và sớm thực hiện được mục tiêu Nghị quyết 68 đề ra, nhiều ý kiến cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cần nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc phản ánh các TTHC rườm rà, gây khó khăn đến các cơ quan chức năng để kịp thời được hỗ trợ, xử lý. Đồng thời, doanh nghiệp nên chủ động tìm hiểu, tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; thúc đẩy nhanh việc thực hiện thanh toán điện tử phí và lệ phí khi thực hiện TTHC trên cổng dịch vụ công.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh áp dụng Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới phương thức, công bố, công khai TTHC, nghiên cứu cải cách đột phá trong cung cấp dịch vụ hành chính và nâng cao hiệu quả của truyền thông chính sách.
Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 68/NQ-CP, bản thân các bộ, ngành, địa phương phải thực sự muốn cải cách, tránh cải cách đối phó, bãi bỏ thông tư này lại lại có những quy định khác. Hãy coi mình là doanh nghiệp và người dân để cải cách hiệu quả và triệt để. Bên cạnh đó, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị vào công tác cải cách TTHC, vì các giải pháp trên chỉ được triển khai đạt hiệu quả khi có sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo của người đứng đầu, sự trách nhiệm và nỗ lực của các cơ quan hành chính, của mỗi cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội