Nghị quyết 57 - lời hiệu triệu mang tầm thời đại!
_____________________________________
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, trong bối cảnh đất nước đứng trước thế - vận mới, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị thể hiện quyết tâm chính trị mạnh mẽ, có ý nghĩa chiến lược và cách mạng, tạo niềm tin mới, xung lực mới, khí thế mới cho toàn dân tộc bước vào kỷ nguyên mới...
Khẳng định vai trò đột phá của khoa học, công nghệ
- Ngày 22.12.2024, Tổng Bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57). Theo Chủ nhiệm, Nghị quyết này có ý nghĩa thế nào trong việc đưa đất nước phát triển giàu mạnh, hùng cường?
- Trước hết, đây là nghị quyết có ý nghĩa chiến lược và cách mạng, thể hiện tầm nhìn và quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Nghị quyết 57 tạo niềm tin, xung lực và khí thế mới, thúc đẩy đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng đưa đất nước phát triển mạnh mẽ; đồng thời, thể hiện khát vọng hùng cường, giàu mạnh, ý chí mãnh liệt, tự chủ, tự cường của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta trong kỷ nguyên mới.
Thứ hai, Nghị quyết 57 tiếp tục khẳng định và nhấn mạnh vai trò phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là điều kiện tiên quyết, đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng đã được xác định cụ thể trong Nghị quyết.
Thứ ba, Nghị quyết 57 đã đột phá về đổi mới tư duy, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; khẳng định thể chế là điều kiện tiên quyết, cần khẩn trương hoàn thiện, đi trước một bước và phải đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…; hoàn thiện thể chế để khơi thông, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, các khó khăn, vướng mắc, huy động nguồn lực, giải phóng sức mạnh vật chất, tinh thần và trí tuệ của cả đất nước, cả dân tộc để thực hiện thành công các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ
- Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban sẽ tham mưu Quốc hội hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực này như thế nào, thưa Chủ nhiệm?
- Ủy ban đã chủ trì, phối hợp cơ quan liên quan xây dựng và trình Đảng đoàn Quốc hội xem xét, ban hành Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết 57.
Ủy ban cũng sẽ chủ động nghiên cứu, rà soát, tham mưu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, đồng bộ các chính sách trong Nghị quyết vào các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết được phân công chủ trì hoặc tham gia thẩm tra. Trước mắt, sẽ rà soát dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét tại kỳ họp tháng 5.2025.
Trước mắt, chúng tôi sẽ rà soát 2 dự án luật quan trọng mà Quốc hội Khóa XV sẽ xem xét tại kỳ họp tháng 5.2025 là dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, để cập nhật, thể chế hóa ngay nội dung đổi mới mạnh mẽ của Nghị quyết số 57-NQ/TW vào hai dự án luật này.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
- Và chúng ta cần lưu ý điều gì?
- Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy có 5 vấn đề cần đặc biệt lưu ý trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Đầu tiên là bảo đảm thực hiện yêu cầu “khẩn trương, quyết liệt”, “tiên quyết”, “đi trước một bước” trong hoàn thiện thể chế pháp luật. Cùng với đó, phải nhận diện đúng, đầy đủ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn đang cản trở sự phát triển để tháo gỡ, xóa bỏ. Nhiệm vụ “đưa thể chế thành lợi thế cạnh tranh” cần được “giải mã”, tổ chức nghiên cứu làm rõ nội hàm, lượng hóa, thống nhất nhận thức làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Tiếp đến, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đồng bộ tất cả quy định pháp luật có liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, sở hữu trí tuệ, thuế, tổ chức bộ máy, giáo dục đào tạo… Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”…
Cuối cùng, chú trọng khảo sát thực tế, đánh giá tác động và tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình hoàn thiện pháp luật, nhất là với những vấn đề mới mà thực tiễn đặt ra; tham vấn, huy động trí tuệ, sự vào cuộc của các chuyên gia, nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp.
Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đủ ngưỡng
- Cùng với hoàn thiện thể chế, việc đầu tư sẽ phải thực hiện ra sao để lĩnh vực này phát huy tối đa giá trị, thưa Chủ nhiệm?
- Để trả lời câu hỏi này, tôi cho rằng cần làm rõ được hai vấn đề: quan điểm đầu tư ra sao và ưu tiên đầu tư cho những nhiệm vụ gì?
Về quan điểm đầu tư, cần nhận thức là đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò đột phá chiến lược, động lực chính, nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; kịp thời, đủ ngưỡng; đồng bộ; đa dạng và hiệu quả.
Theo quan điểm này, nhiều nội dung trong Nghị quyết đã thể hiện rõ như: “Bố trí đủ nguồn lực để thực hiện”; “Kinh phí chi cho nghiên cứu phát triển (R&D) đạt 2% GDP, trong đó kinh phí từ xã hội chiếm hơn 60%; bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và tăng dần theo yêu cầu phát triển”; “Bố trí ít nhất 15% ngân sách nhà nước chi cho sự nghiệp khoa học phục vụ nghiên cứu công nghệ chiến lược”. Khuyến khích đầu tư theo cơ chế đối tác công - tư để thực hiện một số nhiệm vụ như nghiên cứu và phát triển công nghệ chiến lược, phát triển hạ tầng số hiện đại, đào tạo nhân lực công nghệ số…
Về ưu tiên đầu tư, Nghị quyết cũng đã nêu rất rõ và tôi cho rằng đây là những yếu tố căn cốt, bao trùm cho khoa học, công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia phát triển. Đó là: (1) Đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài, chuyên gia đầu ngành và nhà khoa học; (2) Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cho khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và hạ tầng số quốc gia, bao gồm viễn thông, thông tin, dữ liệu, bảo đảm an ninh mạng và tạo niềm tin trong giao dịch trực tuyến; (3) Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các tập đoàn lớn, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số; (4) Bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức trong quản lý nhà nước và thực thi chính sách hiệu quả; (5) Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chiến lược và chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Sẽ chuyển biến mạnh mẽ, vượt bậc
- Chủ nhiệm kỳ vọng gì với sự chuyển biến trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia sau khi ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 57?
- Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, thời cơ mới. Chủ trương, quyết sách mạnh mẽ, mang tính chiến lược và cách mạng của Đảng ta về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được ban hành. Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ do Tổng Bí thư làm Trưởng Ban. Quan điểm chỉ đạo thực hiện của Nghị quyết là “triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài”. Trung ương đã tổ chức quán triệt sâu rộng nội dung Nghị quyết đến toàn xã hội để nâng cao và thống nhất nhận thức. Các cấp, các ngành đang khẩn trương cụ thể hóa Nghị quyết thành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, nỗ lực cao nhất.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, tôi tin tưởng sâu sắc rằng lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới sẽ có chuyển biến mạnh mẽ, vượt bậc, đạt và vượt các mục tiêu cụ thể đã đề ra, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa đất nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
- Xin trân trọng cảm ơn Chủ nhiệm!