Cùng với việc đánh giá tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phát triển khoa học công nghệ, Hội nghị có nhiệm vụ quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, ngày 22.12.2024, của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia - lĩnh vực được coi là "chìa khóa vàng", yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, hiện thực hóa khát vọng hùng cường, thịnh vượng của dân tộc.
Một Nghị quyết ra đời rất đúng thời điểm
Trong Nghị quyết 57-NQ/TW, Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược với 5 nhóm mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, nhằm tháo gỡ rào cản, khắc phục điểm nghẽn, tạo cơ chế đột phá để giải phóng sức sáng tạo, nguồn lực, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. Tuy mới ra đời chưa đầy một tháng, nhưng Nghị quyết 57-NQ/TW được đông đảo cán bộ, đảng viên, giới trí thức, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước bày tỏ sự đồng thuận cao, xem đây như một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Trong những ngày qua, giới hàn lâm và công nghệ rất vui mừng khi Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW. Chia sẻ điều này tại cuộc gặp mặt của Tổng Bí thư Tô Lâm với đại biểu trí thức, nhà khoa học ngày 30.12.2024, Hiệu trưởng Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông - Đại học Bách khoa Hà Nội, PGS.TS. Tạ Hải Tùng khẳng định, Nghị quyết 57-NQ/TW là “một Nghị quyết ra đời rất đúng thời điểm với nhiều nội dung thể hiện một cách tiếp cận mới: Bao trùm, xuyên suốt, cụ thể, thực chất và xứng tầm với thế và lực đang lên của đất nước, đáp ứng sự mong mỏi bấy lâu nay trong việc định hướng phát triển nền khoa học công nghệ gắn liền với đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”.
Thống nhất nhận thức và hành động: Xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, với Chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng.
Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển.
Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57-NQ/TW, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng suất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Được sự cổ vũ, truyền cảm hứng từ tinh thần của Nghị quyết 57-NQ/TW, PGS.TS Tạ Hải Tùng nêu một số kiến nghị cụ thể. Một trong những kiến nghị đó là cần tăng cường ngân sách đầu tư để nhanh chóng phát triển hệ thống giáo dục đại học tiệm cận trình độ quốc tế.
Không thể phủ nhận tự chủ đại học là một chủ trương đúng, đem lại sức sống cho hệ thống giáo dục đại học trong gần chục năm trở lại đây, tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào học phí mà không nhận được sự đầu tư của Nhà nước, các đại học có thể xa rời sứ mệnh của mình trong việc duy trì và phát triển nền tảng nhân lực, khoa học công nghệ cho đất nước. Thẳng thắn chỉ ra thực tế này, PGS.TS Tạ Hải Tùng cho rằng, nguồn ngân sách đầu tư của Nhà nước, đặc biệt cho các đại học hàng đầu - những “máy cái” trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là rất quan trọng.
Thực tế, ngân sách đầu tư cho cả hệ thống giáo dục đại học còn rất khiêm tốn, như năm 2020 mới ở mức 11,32 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,18% GDP, trong khi các nước ASEAN, như Malaysia, Thái Lan, Singapore đều ở mức 0,65 - 0,75% GDP.
Đất nước còn khó khăn, ngân sách nhà nước còn phải chi cho nhiều nội dung phát triển. Trong bối cảnh đó, theo PGS.TS Tạ Hải Tùng, khác với giai đoạn trước chủ yếu là đầu tư dàn trải, thì trong giai đoạn hiện nay, “đầu tư phải đi kèm trách nhiệm giải trình với cam kết đầu ra được đo lường cụ thể và đơn vị đào tạo, nghiên cứu nào hoạt động càng hiệu quả thì càng nhận được nhiều đầu tư để tiếp tục phát huy hơn nữa, làm “đầu tàu” để cả hệ thống vươn lên”.
Được coi là quốc sách hàng đầu, song thực tế cho thấy, không chỉ với hệ thống giáo dục đại học, mà đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hiện còn ở mức thấp. Cùng với đó là nhiều nút thắt, điểm nghẽn về thể chế, pháp luật cản trở sự phát triển của lĩnh vực này cũng chưa được giải quyết đồng bộ, dứt điểm. Nhất là cơ chế quản lý tài chính, đầu tư chậm được đổi mới, không phù hợp; thiếu thể chế thử nghiệm, sandbox, các nội dung liên quan đến miễn trừ trách nhiệm, chấp nhận độ trễ, rủi ro…
Từ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tại cuộc gặp mặt giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu trí thức, nhà khoa học vừa qua, Phó Viện trưởng Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam, GS.TS Vũ Thị Thu Hà đề xuất: Phải tạo ra môi trường sao cho Nhà nước và doanh nghiệp đặt ra những đề bài thiết thực, đổi mới sáng tạo; các nhà khoa học, tổ chức khoa học khi nhận đặt hàng cũng có “đủ công cụ, đủ tài chính, có hành lang thông thoáng để làm đến cùng, vượt qua điểm nghẽn trên con đường đi từ phòng thí nghiệm đến nhà máy”.
Rất mừng là những mong mỏi, đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học, giới công nghệ cũng như cộng đồng doanh nghiệp đều đã được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết 57-NQ/TW và những chỉ đạo mang tầm chiến lược, có ý nghĩa “cởi trói” và định hướng lâu dài được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh trong thời gian gần đây.
Ưu tiên bố trí ngân sách xứng tầm là quốc sách đột phá
Đây là một trong 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mà Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Theo đó, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu, bố trí ngân sách cho khoa học công nghệ, R&D, lập các quỹ khoa học và công nghệ, khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ thiên thần, quỹ khởi nghiệp, quỹ đổi mới sáng tạo… Nghiên cứu cơ chế cho mô hình "đầu tư công - quản trị tư", bảo đảm nhà khoa học có quyền chủ động trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ.
Và ngay trong năm 2025 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW, Tổng Bí thư yêu cầu, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Cụ thể, bố trí đủ ít nhất 3% ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng tỷ lệ chi cho khoa học công nghệ lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo. Sớm công bố chính sách này và hướng dẫn thủ tục thực hiện thuận lợi. Tiến hành rà soát, điều chỉnh các đề án, dự án bảo đảm phù hợp với Nghị quyết 57-NQ/TW, tránh lãng phí, tập trung đầu tư hiệu quả, có trọng tâm. Đồng thời, cải cách triệt để quy trình phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh phí, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà để tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích sáng tạo.
Con đường sống còn
Phải thực sự tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia với cơ chế như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp cũng là nhiệm vụ được Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp tục nhấn mạnh trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương ngày 8.1 vừa qua.
“Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới” - Tổng Bí thư chỉ rõ.
Cũng với tinh thần "khoán 10" trong nông nghiệp, tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 15.1 vừa qua, người đứng đầu Đảng ta một lần nữa chia sẻ mong muốn sẽ nhận được các báo cáo là trí tuệ Việt Nam, công nghệ số Việt Nam đóng góp bao nhiêu phần trăm đối với các sản phẩm của ngành công nghệ số, đóng góp bao nhiêu phần trăm để giúp các sản phẩm đó thông minh hơn, hiệu năng hơn, thẩm mỹ hơn, được người tiêu dùng đón nhận nhiều hơn, những cái tên Việt Nam nào được vinh danh trong các phát minh, sáng kiến...
Gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới tại Diễn đàn, một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý, đó là: “Phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ và phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi - đây là căn cơ để xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ”.
“Chúng ta phải đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), chuỗi khối (Blockchain), công nghệ nano, và thông tin di động 5G, 6G... công nghệ vũ trụ, không gian... Tập trung vào việc làm chủ và ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới để tạo ra sự tự chủ về công nghệ và từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh”, Tổng Bí thư nói.
Những năm 1966-1968, khi nông thôn miền Bắc đang triển khai rộng rãi kiểu làm ăn hợp tác xã, thì quan điểm “khoán 10” trong lĩnh vực nông nghiệp ra đời được coi là bước đi táo bạo, thậm chí là liều lĩnh, khi quyết định giao ruộng đất tới từng hộ nông dân.
Song, "khoán 10" cùng với những chủ trương, chính sách thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ của Đảng ta đã tạo bệ phóng, đưa nông nghiệp vào một thời kỳ phát triển bứt phá ấn tượng đầu tiên trong lịch sử. Dấu ấn là từ một quốc gia thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau một năm thực hiện “khoán 10”), sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa gạo. Đến nay, nước ta đã trở thành nước xuất khẩu gạo và nông sản thực phẩm hàng đầu thế giới.
Chủ trương “khoán 10” đã đi vào lịch sử cách mạng thời kỳ Đổi mới của nước ta, tạo ra một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Nhìn một cách sâu xa, đây chính là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến tại các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc khi đó.
Quan trọng hơn, “khoán 10” là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng ta từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp.
Sau 40 năm Đổi mới, đất nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, hướng tới 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước, thực tế đang đòi hỏi phải có những đột phá.
Trong đó, đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xác định chính là con đường lựa chọn để thực hiện các bước nhảy vọt, rút ngắn khoảng cách với các nước đi trước. Đây là điều kiện tiên quyết, thời cơ hiếm có để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Như khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm, “Phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là lựa chọn, mà là con đường sống còn”.
Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình, nhưng khó khăn, thử thách cũng vô cùng to lớn. Chúng ta phải quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, không để lỡ thời cơ thêm lần nữa.
Với nền tảng chính trị, pháp lý vững chắc và sự đồng thuận cao từ toàn Đảng, toàn dân, chúng ta có cơ sở để tin tưởng chắc chắn rằng, Nghị quyết 57-NQ/TW sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống, biến thành hiện thực sinh động, là một “khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tạo ra những bước đột phá, để thực sự “đi tắt, đón đầu” làm chủ tương lai trong kỷ nguyên mới.