Quốc hội và Cử tri

Nghị quyết 197/2025/QH15Đột phá, tạo cú hích cho xây dựng thể chế

Nguyễn Thị Oanh 24/05/2025 06:50

Nghị quyết số 197/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã thể hiện chủ trương đột phá nhằm tạo những cú hích cho xây dựng thể chế, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình triển khai, việc ghi nhận xứng đáng, đầy đủ những cá nhân có vai trò, đóng góp và trách nhiệm trong hoạt động lập pháp sẽ là những cú hích đối với hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế

Tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật là một yêu cầu cấp thiết để đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, bứt phá, tăng tốc, phát triển nhanh và bền vững. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật sẽ góp phần tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nút thắt về thể chế, là “đột phá của đột phá”.

1(4).jpg
Cán bộ, công chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Đồng Nai luôn đồng hành với hoạt động của Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Ảnh: Trâm Oanh

Quyết định sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra tại Hội nghị Trung ương 11 Khóa XIII, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giảm tình trạng chồng chéo, tiết kiệm ngân sách và cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân. Quá trình cải cách thông qua việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đã làm phát sinh một khối lượng công việc rất đồ sộ liên quan đến xây dựng và thi hành pháp luật. Bởi lẽ, chỉ có pháp luật mới tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thành công chủ trương quan trọng này.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tổng số văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương chịu tác động trực tiếp của việc sắp xếp tổ chức bộ máy là 5.026 văn bản. Sau khi văn bản của Trung ương được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, chính quyền địa phương tiếp tục cụ thể hóa các văn bản đó ở cấp mình, trong điều kiện tình hình cụ thể và số văn bản của địa phương có thể nói là chưa thể thống kê. Những con số đó nói lên nhiệm vụ xây dựng pháp luật của các cơ quan lập pháp, lập quy ngay tại thời điểm này vô cùng quan trọng, nặng nề và phải khắc phục, vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ.

Trước yêu cầu nhiệm vụ đó, Nghị quyết số 197/2025/QH15 ngày 17/5/2025 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật được ban hành đã mang đến những tác động tích cực trong nhận thức và ý thức trách nhiệm đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng pháp luật là đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết. Tâm lý chung là sự phấn khởi trước sự ghi nhận của Đảng, nhà nước đối với những người hoạt động trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, vốn dĩ là công việc vừa khó, vừa khô khan. Khoản 1 Điều 7 và Phụ lục I của Nghị quyết 197/2025/QH15 quy định chính sách hỗ trợ hàng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp). Trong đó, áp dụng đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách là sự ghi nhận đối với đối tượng thụ hưởng chính sách đặc biệt này.

Có thể nói, trong các yếu tố tác động đến hoạt động xây dựng pháp luật, năng lực xây dựng pháp luật của các chủ thể quan trọng nhất. Nghị quyết số 197/2025/QH15 với những cơ chế, chính sách đặc biệt đã thể hiện chủ trương và quyết tâm đột phá nhằm tạo những cú hích cho xây dựng thể chế, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Không bỏ sót đối tượng

Về đối tượng áp dụng, Nghị quyết đã chỉ rõ: “Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ” đồng thời liệt kê 3 nhóm đối tượng thụ hưởng. Ngoài 3 nhóm này, Nghị quyết còn dành điều khoản mở: “d) Đối tượng khác thuộc khối cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền của Đảng quy định; đ) Đối tượng khác thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương do Chính phủ quy định; e) Đối tượng không thuộc các điểm a, b, c, d và đ khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.” Đây là cách thức phổ biến trong kỹ thuật lập pháp nhằm giúp đối tượng áp dụng có thể hiểu rõ, áp dụng dễ dàng; bảo đảm tính hợp pháp, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là không bỏ sót đối tượng.

Để cụ thể hóa thêm một bước, giúp Nghị quyết phát huy tối đa hiệu quả, việc sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, đồng bộ là cần thiết. Với tinh thần đó, rất có ý nghĩa và cần thiết khi bổ sung đối tượng là người công tác tại các Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Bởi lẽ, họ luôn là người đồng hành lâu dài, ổn định và đi sát với hoạt động của các cơ quan dân cử. Ghi nhận đầy đủ những đóng góp của cán bộ, công chức Văn phòng bằng việc hỗ trợ về vật chất sẽ tác động tích cực đến động lực, tinh thần cống hiến, sự an tâm công tác và gắn bó lâu dài với một công việc tham mưu, giúp việc đòi hỏi chuyên môn sâu và áp lực cao, khối lượng công việc ngày càng nặng nề, phức tạp, đồng thời là một yêu cầu chính đáng, phù hợp với chủ trương chung.

Khi tổ chức sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy, yêu cầu bộ máy mới phải tốt hơn, hiệu quả hơn bộ máy cũ, việc tháo gỡ những vướng mắc về thể chế là yêu cầu cấp thiết. Việc ghi nhận xứng đáng, đầy đủ các đối tượng có vai trò, đóng góp và trách nhiệm trong hoạt động lập pháp như tinh thần Nghị quyết số 197/2025/QH15 sẽ là những cú hích đối với hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật.

Bên cạnh đó, thu hút, sử dụng tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện nhiệm vụ, hoạt động trong công tác xây dựng pháp luật và một số nhiệm vụ, hoạt động tổ chức thi hành pháp luật hỗ trợ trực tiếp cho xây dựng pháp luật và phát triển, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật phải được quan tâm đúng mức. Để huy động sức mạnh tổng thể của xã hội và những tiện ích của công nghệ thông tin. Thực hiện tốt những yêu cầu đó sẽ góp phần xây dựng nên hệ thống pháp luật tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, công khai, minh bạch, khả thi và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài 3 nhóm đối tượng thụ hưởng cụ thể, Nghị quyết 197/2025/QH15 còn dành điều khoản mở cho cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đối tượng khác; đây là cách thức phổ biến trong kỹ thuật lập pháp, bảo đảm tính hợp pháp, chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là không bỏ sót đối tượng. Để cụ thể hóa thêm một bước, phát huy tối đa hiệu quả những cơ chế, chính sách đặc biệt trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, việc sớm ban hành các quy định hướng dẫn cụ thể, đồng bộ là cần thiết; trong đó, rất có ý nghĩa và cần thiết khi bổ sung đối tượng là người công tác tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghị quyết 197/2025/QH15 Đột phá, tạo cú hích cho xây dựng thể chế
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO