Nghị quyết “0 đồng” cho thủ tục hành chính số: Thanh Hóa thúc đẩy chính quyền điện tử, vì lợi ích của người dân
Với Nghị quyết số 12/2025/NQ-HĐND vừa được thông qua, Thanh Hóa là địa phương đầu tiên trong cả nước miễn toàn bộ phí, lệ phí đối với mọi thủ tục hành chính thực hiện qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Quyết sách này của HĐND tỉnh còn góp phần tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, từng bước nâng cao hiệu quả của chính quyền điện tử; tạo tiền đề cho một nền hành chính minh bạch, hiện đại, lấy người dân làm trung tâm.
Thúc đẩy tính minh bạch trong thực thi công vụ
Theo Nghị quyết số 12/2025/NQ-HĐND: tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến theo quy định của Nhà nước không phải nộp phí, lệ phí. Đây là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị và tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong công cuộc xây dựng chính quyền số để dẫn dắt kinh tế số, xã hội số. Nghị quyết 12 ra đời cũng góp phần tạo động lực mạnh mẽ để bộ máy chính quyền hai cấp hoạt động hiệu quả, thúc đẩy tính minh bạch trong thực thi công vụ vì lợi ích của Nhân dân.

Hiện nay, Thanh Hóa là tỉnh dẫn đầu cả nước về dịch vụ công trực tuyến với trên 1.760 thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình. Việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến không chỉ giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp mà còn giúp rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính và giảm áp lực cho công chức tiếp nhận, giải quyết hồ sơ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, người dân có thể thực hiện các bước xin cấp thủ tục hành chính vào bất cứ thời gian nào, không giới hạn bởi khung giờ hành chính, địa điểm thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định: việc miễn toàn bộ phí, lệ phí đối với thủ tục hành chính thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến là một trong những cách thức để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận nhiều hơn nữa với phương thức hành chính hiện đại, văn minh. Đây cũng là một trong những bước đi quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Thanh Hóa.
Thực tế, dù là tỉnh dẫn đầu cả nước về dịch vụ công trực tuyến nhưng không thể phủ nhận trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số người dân chưa mặn mà với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những rào cản khiến người dân chưa hứng thú với nền hành chính số có thể do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do cảm thấy không mang lại lợi ích hơn so với phương thức truyền thống. Nghị quyết số 12 được kỳ vọng sẽ tạo lực hút để người dân tiếp cận nền hành chính số.
Cùng với đó, trong bối cảnh bộ máy chính quyền 2 cấp đã đi vào hoạt động, dịch vụ công trực tuyến sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực để chính quyền cấp xã gia tăng tính chủ động trong khâu hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ của người dân; đồng thời, tăng hiệu quả quản lý, kiểm soát, điều hành tiến độ giải quyết thủ tục hành chính ở cấp tỉnh, từ đó tăng thúc đẩy tính minh bạch trong thực thi công vụ.
Cần sự vào cuộc trách nhiệm của chính quyền, từng người dân
Để được miễn phí khi thực hiện các thủ tục hành chính, người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia; đăng ký tài khoản và xác thực thông tin cá nhân (nếu chưa có); lựa chọn thủ tục cần thực hiện và nộp hồ sơ theo hướng dẫn; nhận kết quả giải quyết trực tiếp qua hệ thống hoặc qua bưu điện nếu có yêu cầu. Như vậy, để Nghị quyết 12 thực sự đi vào cuộc sống, chính người dân, doanh nghiệp phải chủ động hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến để thụ hưởng lợi ích mà chính sách mang lại.
Cử tri Trịnh Thị Cúc, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa chia sẻ: so với phương thức truyền thống, doanh nghiệp, người dân vừa tiết kiệm chi phí đi lại, tiết kiệm thời gian, giảm được nhiều khâu trung gian, giảm gánh nặng và rủi ro liên quan đến tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ. Do đó, tôi cho rằng, chính sách miễn phí thủ tục hành chính thông qua cổng dịch vụ công trực tuyến HĐND tỉnh vừa ban hành không đơn thuần ý nghĩa là giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân mà thể hiện sự thấu hiểu, chia sẻ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong cuộc sống. Tuy nhiên, chính quyền đã tạo ra ưu đãi thiết thực như vậy thì doanh nghiệp và người dân phải chủ động thay đổi thói quen để thụ hưởng chính đáng.
Đối với những doanh nghiệp, người dân ở khu vực đô thị, nơi mọi điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ thì việc thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Thanh Hóa chỉ đơn giản là cần sự chủ động thay đổi thói quen, hành vi của người dân. Tuy nhiên, đối với các địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa - nơi mọi điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn thì có lẽ cần hơn sự quan tâm của các cấp chính quyền để người dân có thể tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến để có thể thụ hưởng lợi ích mà Nghị quyết số 12 mang lại.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam khẳng định, miễn phí là hình thức khuyến khích, nhưng gốc rễ của vấn đề không chỉ là thay đổi tư duy, thói quen của người dân mà phải thay đổi được cách làm, thay đổi cả tư duy của bộ máy hành chính. Đối với những địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, không cách nào khác là chính quyền cơ sở, cán bộ cơ sở cần phải gần dân hơn để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng và kịp thời hỗ trợ cả về thiết bị và hướng dẫn trực tiếp các thao tác trên môi trường dịch vụ công trực tuyến. Đây cũng là cách để người dân cảm nhận rõ nét nhất tính ưu việt của nền hành chính số, dần dần người dân sẽ tự chủ động tìm hiểu, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.