Từ khát vọng vượt lên số phận
“Tôi ước mơ được đứng trên bục giảng để truyền cho các em học sinh tình yêu con chữ, yêu việc học hành”. Thầy giáo Đỗ Thế Tùng, (Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS xã Lâm Ca, huyện Định Lập, tỉnh Lạng Sơn) nhớ lại mình của gần 20 năm trước khi chọn thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
Tai nạn bất ngờ hồi lên năm tuổi khiến Đỗ Thế Tùng mất đi một cánh tay, cậu không khỏi vừa đau khổ vừa mặc cảm khi nghĩ về tương lai phía trước. Nhưng rồi dần dần Tùng lấy lại được thăng bằng, cậu bé khao khát được học hành, được làm chủ tri thức để lớn lên sẽ làm nghề dạy học. Ngọn lửa đó được Tùng âm thầm nuôi dưỡng trong tim, thành động lực giúp anh vượt lên số phận, từng bước trưởng thành.
Nỗ lực bền bỉ của Tùng được đáp đền. Năm 2004, anh thi đỗ vào Khoa Toán – Lý, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn với vị trí thủ khoa. Thầy cô, gia đình, họ mạc, bè bạn cùng vui với anh. Những năm học tại trường Cao đẳng, sinh viên Đỗ ThếTùng luôn đạt thành tích xuất sắc, nhận được nhiều suất học bổng.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Tùng tới làm giáo viên ở vùng khó khăn nhất của tỉnh Lạng Sơn. Bao nhiêu bỡ ngỡ buổi đầu…Đến giờ Tùng vẫn còn nhớ như in những ánh mắt ngạc nhiên và nụ cười bối rối của lũ học trò trong những lần gặp gỡ đầu tiên.
“Buổi đầu lên lớp, học sinh nhìn tôi cười đầy vẻ hiếu kỳ khi thấy thầy giáo chúng chỉ có một tay. Nhưng lúc tôi cầm lấy phấn viết tên bài học các em đã vỗ tay hoan hô”. Tràng pháo tay cổ vũ, như tiếp thêm sức mạnh cho Tùng quyết tâm theo đuổi con đường đã chọn.
Sau hai năm công tác, thầy giáo Đỗ Thế Tùng được chuyển về Trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) hệ Trung học cơ sở Xã Lâm Ca. Cuộc sống đỡ vất vả hơn một chút là thầy Tùng dành toàn bộ tâm sức cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy và chăm sóc đời sống tinh thần cho học sinh của mình.
Mỗi ngày đứng trên bục giảng, thầy Tùng đều kiểm tra sĩ số của lớp. Những ngày lớp đông đủ dường như là những ngày hạnh phúc nhất của Thầy. Học sinh tại xã đi học rất khó khăn, có bạn từ nhà tới trường phải đi nhiều cây số đường núi. Ngày nắng thì còn đỡ cực nhưng những ngày mưa rét các em đến lớp quần áo ướt át lấm lem bùn đất. Đã nhiều em vì đi lại quá vất vả mà bỏ học, quay lại cặm cụi với cây ngô cây lúa còm cõi trên mảnh nương rẫy bạc màu .
“Trải qua khó khăn để học được con chữ, tôi càng thấm thía và quý trọng hơn kiến thức, bởi vậy bằng mọi cách tôi phải giúp các em học sinh quay trở lại trường học” - thầy Tùng tâm sự
Mỗi khi có học sinh bỏ học, thầy Tùng lại cùng chính quyền xã tới tận nhà vận động, thuyết phục cho bố mẹ các em và hiểu sự quan trọng của việc cho con tới trường.
Thầy chia sẻ, so với trước đây, việc dạy xóa mù chữ cho các em học sinh người dân tộc đã phần nào được cải thiện. Học sinh khoá trên đã có thể hướng dẫn cho học sinh khóa dưới, ngoài giờ học trên lớp các em có thể tự học cùng nhau. Thế nên bây giờ điều thầy giáo Đỗ Thế Tùng vẫn còn trăn trở nhiều nhất chính là câu chuyện làm thế nào giúp học trò có định hướng nghề nghiệp tốt nhất.
Đối với chuyện hướng nghiệp, đa phần các em học sinh khi học hết cấp 2 sẽ không tiếp tục đi học nữa. Các em trở về nhà phụ giúp gia đình, không ít trường hợp nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng bất hảo mà vượt biên kiếm việc làm bất hợp pháp, sống bấp bênh nguy hiểm.
Chẳng lẽ bao nhiêu công sức vận động các em đi học lấy con chữ, thoát nghèo mà học sinh chỉ học tới cấp 2 rồi quay trở lại với cuộc sống khó khăn trước đây? Thầy Tùng không đành lòng. Thầy đã không quản mệt mỏi tìm cách phối hợp cùng chính quyền địa phương tuyên truyền vận động học sinh học tiếp lên cấp 3 hoặc theo học các trường nghề.
"Tiếp tục học cao hơn hoặc học lấy cái nghề mới thực sự giúp các em thoát nghèo, thoát khổ”thầy Tùng tâm niệm.
Ngoài thời gian giảng dạy, thầy bỏ nhiều thời gian tìm hiểu thông tin, nhu cầu nghề nghiệp trên địa bàn xã Lâm Ca và các địa phương xung quanh rồi lập thành một bức tranh nghề nghiệp tổng quan để tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh .
Học sinh nếu không làm nương, làm rẫy cùng bố mẹ, các em có thể đi làm các công việc liên quan tới lâm nghiệp. Ngoài ra tôi hướng các em đi học những nghề thiết thực với địa phương như cơ khí sửa chữa máy móc nông cụ, nghề điện, nghề hàn, sửa chữa xe máy, ô tô... Đối với con gái thì học các nghề như may vá, thủ công mỹ nghệ ... Thầy Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó thầy còn kết nối, trợ giúp học sinh tới được các trường cấp 3, trường dạy nghề phù hợp. Thầy quan tâm tới học sinh như những đứa con của mình.
Mười ba năm gắn bó cùng xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn ở huyện Đình Lập, cùng những học sinh dân tộc của trường PTTHBC, thầy giáo Đỗ Thế Tùng đã trở thành người được các em yêu quý và tin tưởng. Nhiều học sinh cuối cấp khi băn khoăn việc học tiếp hay đi làm, các em đều tìm tới thầy Tùng để xin một lời khuyên chân thành.
Những thế hệ học sinh đầu tiên của thầy giáo Đỗ Thế Tùng 13 năm trước giờ đây đều đã trưởng thành và có công việc, tự nuôi được mình và người thân. Đồng hành cùng các em luôn có hình bóng người thầy mất một cánh tay nhưng lúc nào cũng yêu thương, ân cần như người cha dõi theo đàn con.
Đến tấm gương sáng về nghị lực sống
"Tàn nhưng không phế" - lời dạy của Bác Hồ vẫn là kim chỉ nam cho thầy giáo Đỗ Thế Tùng vững vàng ý chí theo đuổi nghề dạy người.
Trong quá trình công tác, thầy Tùng không ngừng trau dồi để bản thân ngày càng hoàn thiện hơn bằng cách tích cực đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu về giáo dục, học hỏi đồng nghiệp kinh nghiệm hay về chuyên môn, nghiệp vụ.
Hình ảnh người thầy dùng vai tỳ lên chiếc thước kẻ để vẽ hình trong giờ toán đã ăn sâu vào tâm khảm của đồng nghiệp và học sinh. Những mẩu chuyện về Bác Hồ, hay những câu chuyện bài học cuộc sống được thầy Tùng khéo léo lồng ghép vào các giờ học vừa gây hứng thú vừa giúp bồi dưỡng cho học sinh những góc nhìn nhân ái với cuộc đời.
Các em học sinh chỉ mong mỏi tới giờ của thầy để được nghe kể chuyện hay đơn giản, được nhìn thầy giáo một tay viết lên bảng dòng kiến thức mới lạ.
Nghị lực sống từ thầy Đỗ Thế Tùng thật sự đã truyền cảm hứng tới học sinh, dù khó khăn vất vả nhưng rất ít học sinh bỏ học, bởi các em có tấm gương vượt qua gian khó từ người thầy của mình.
''Trên lớp thầy giảng rất dễ hiểu, giúp cho các bạn hiểu bài nhanh. Thầy dạy theo lối riêng của thầy, bạn nào trên lớp không hiểu bài, thầy sẽ xuống dạy thêm để các bạn hiểu bài hơn'', em Hoàng Thị Mỹ Duyên, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Lâm Ca cho biết.
Những đóng góp của thầy giáo Đỗ Thế Tùng đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của Trường PTDTBT THCS xã Lâm Ca. Nhiều năm qua, trường luôn có điểm trung bình môn Toán nằm trong tốp đầu của huyện Đình Lập.
Năm 2019-2020 thầy được nhà trường phân công Bồi dưỡng học sinh ôn thi môn Toán vào lớp 10 THPT, đạt kết quả rất cao, điểm trung bình môn Toán đạt vị trí nhất huyện, có 02 đạt thủ khoa.
Những thành tích cá nhân cũng nói lên phần nào phẩm chất và chuyên môn của thầy Tùng. Năm học 2018 – 2019, thầy đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp huyện; năm học 2020 – 2021, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi và là người tiêu biểu xuất sắc nhất hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh; Giấy chứng nhận giải Ba và khuyến khích cuộc thi dạy học theo chủ đề của Phòng GD-ĐT Đình Lập năm 2015 và 2016; Giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh các môn KHTN THCS năm học 2020-2021, danh hiệu thí sinh tiêu biểu xuất sắc nhất hội thi…
Ngoài ra thầy còn tích cực tham gia các hoạt động thể dục thể thao của Trường, huyện. Trong khoảng 2016-2019 bốn năm liên thầy Tùng đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, bên cạnh đó còn Bằng khen danh hiệu “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” năm 2018 – 2019 của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Lạng Sơn.
Đối với thầy giáo Đỗ Thế Tùng, mỗi thành tích, mỗi bằng khen đều rất đáng trân trọng. Đó là sự công nhận của học sinh, nhà trường, và xã hội, Tuy nhiên điều thầy thấy tự hào hơn cả đó là sự trưởng thành của học sinh.
Mọi nỗ lực thầy bỏ ra đều với mục đích duy nhất giúp học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn như Lâm Ca không những biết đọc biết viết mà còn được học nghề, làm nghề nuôi sống bản thân.
Mỗi một học sinh trưởng thành và đứng vững trên đôi chân của mình là những “bằng khen” đáng quý nhất đối với người thầy một tay đầy nghị lực.