Ông Nguyễn Ngọc Song: Như đã biết, Nghị định 95 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/12/2014 với nhiều điểm mới, trong đó có cơ chế khoán đến sản phẩm cuối cùng và các tiêu chí đồng thời phải đáp ứng theo một số điều kiện cụ thể như:
Trường hợp nhiệm vụ, đề tài đó phải được xác định rõ tên sản phẩm địa chỉ; tiêu chí, chất lượng của sản phẩm; có đơn vị đo, định mức chất lượng hoặc yêu cầu về khoa học cần phải đạt được ngay từ đầu xây dựng đề tài, số lượng, quy mô sản phẩm, đặc biệt đề tài khoa học phải gắn với sản xuất, địa chỉ ứng dụng cụ thể. Trong trường hợp nhiệm vụ, đề tài nếu đã được xác định rõ theo tiêu chí cụ thể thì dự toán nhiệm vụ này phải được tính đúng, tính đủ - trên cơ sở định mức cụ thể kỹ thuật hiện có. Hay nói cách khác, dự toán đề tài đó liên quan đến hoạt động nông nghiệp sẽ được tính theo định mức kinh tế nông nghiệp, dự toán liên quan đến xây dựng được tính theo định mức kinh tế xây dựng...
Tuy nhiên, có những đề tài nghiên cứu chưa có định mức kinh tế kỹ thuật, cần phải có cơ quan, đơn vị có thẩm quyền phê duyệt dự án, đề tài đó. Và trường hợp cuối cùng, đề tài, dự án đó sẽ được chính cơ quan nhà nước có thẩm quyền dự toán, thuyết minh trên cơ sở khoán chi đến sản phẩm cuối cùng nhằm tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cho các nhà khoa học.
- Vậy tác động của Nghị định 95 đối với hoạt động khoán chi hiện nay như thế nào thưa Ông?
Ông Nguyễn Ngọc Song: Trước đây, cơ chế quản lý đề tài nghiên cứu đều vận hành theo cơ chế hành chính. Tuy nhiên, nhiều ý kiến các nhà khoa học cho rằng, thời gian nghiên cứu thường không bằng thời gian giành cho thanh quyết toán. Điều này đã gây không ít khó khăn cho các nhà khoa học bởi một phần, họ không có chuyên môn về lĩnh vực này. Vậy điểm mới của Nghị định 95 là nhằm tạo ra một cơ chế thông thoáng, đổi mới sáng tạo trong hoạt động KH - CN.
- Những khó khăn ban đầu trong quá trình triển khai Nghị định 95 là như thế nào, thưa Ông?
Ông Nguyễn Ngọc Song: Khi tiến hành soạn thảo Nghị định 95, chúng tôi đã tiến hành tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị nhằm thảo luận, đưa ra các đánh giá, đề xuất cũng như giải pháp nhằm tạo ra một cơ chế thông thoáng nhất có thể. Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, cụ thể trong quá trình quản lý, nếu chúng ta vẫn tiếp tục quản lý theo cơ chế hiện hành cũng không có nghĩa là chúng ta quản lý được các đề tài, dự án chặt chẽ, không gây thất thoát lãng phí. Điều này đã xảy ra không chỉ riêng lĩnh vực KH - CN mà bao gồm tất cả các lĩnh vực trong xã hội hiện nay.
Nghị định sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp sử dụng quỹ |
- Trong trường hợp cá nhân, đơn vị triển khai đề tài đó không đạt yêu cầu thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Ông Nguyễn Ngọc Song: Nghị định 95, Điều 15, khoản 3 đã quy định rất rõ, đầu tiên phải xác định nguyên nhân, lý do tại sao đề tài đó bị dừng triển khai. Nguyên nhân có thể do chủ quan hoặc khách quan, tại sao tôi lại nói như vậy, bởi trong nghiên cứu khoa học, có những trường hợp đề tài bị dừng, hoặc không hoàn thành do điều kiện khách quan, bất khả kháng (Ví dụ như nghiên cứu về biển, không thành công do thời tiết tác động, trường hợp này, nhà nước sẽ thanh toán cho nhóm nghiên cứu). Trường hợp lỗi do nguyên nhân chủ quan gây thất thoát, nhà nước sẽ thu hồi toàn bộ số kinh phí chưa sử dụng. Đối với số kinh phí đã sử dụng khi nghiên cứu đề tài, việc thu hồi còn tùy thuộc vào từng mức độ cụ thể, có thể thu hồi tối đa 100%, nhưng mức độ thu hồi tối thiểu phải đạt 4% số kinh phí đã sử dụng.
Ngoài ra, Nghị định còn có biện pháp xử lý cả nhà quản lý, cá nhân, tổ chức có liên quan. Điều này có nghĩa nhà quản lý phải có trách nhiệm đánh giá, xem xét đề tài của các nhà khoa học có phù hợp với điều kiện thực tiễn hay không. Bên cạnh đó, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống và hỗ trợ tối đa cho các nhà khoa học. Chúng tôi sẽ triển khai một loạt văn bản pháp luật, phối hợp với các bộ, cơ quan, ban, ngành có liên quan để ban hành, thay thế những văn bản, thông tư không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay như: Thông tư liên tịch giữa Bộ KH - CN và Bộ Tài chính thay thế Thông tư 44, Thông tư 93 về khoán chi các sản phẩm KH - CN; phối hợp với Tổng cục thuế, Bộ Tài chính xây dựng quỹ phát triển KH - CN trong doanh nghiệp...
Có thể nói, Nghị định sẽ tạo điều kiện tối đa cho các nhà khoa học trong nghiên cứu, triển khai các đề tài, cụ thể hóa hơn nữa đối với các doanh nghiệp nhà nước trong việc quy định bắt buộc trích tối thiểu là 3% và tối đa là 10% lợi nhuận trước thuế cho quỹ phát triển KH - CN; khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước thành lập Quỹ KH - CN. Đặc biệt Nghị định sẽ tạo ra cơ chế thông thoáng hơn cho doanh nghiệp sử dụng quỹ KH - CN để tiến hành nghiên cứu, triển khai công nghệ, mua kết quả nghiên cứu nhằm tiến hành phát triển, đổi mới doanh nghiệp. Đây cũng chính là một trong những điểm nhấn quan trọng để thực hiện việc thúc đẩy thị trường KH - CN trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn Ông!