Nghị định 41 - sửa càng nhanh càng tốt
Ngày 15.5 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010 của Chính phủ (Nghị định 41) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Có thể nói, việc NHNN chuẩn bị soạn thảo Nghị định mới để bổ sung và thay thế cho Nghị định 41 là một tin vui ở thời điểm hiện nay. Bởi sau hơn 3 năm đóng vai trò động lực chính hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, Nghị định 41 đã bắt đầu bộc lộ những điểm tụt hậu. Ví dụ, mức cho vay tín chấp đối với hộ gia đình, chủ trang trại và hợp tác xã (lần lượt là 50 triệu đồng, 100 triệu đồng và 500 triệu đồng) không còn phù hợp do xu hướng sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện nay đòi hỏi các đơn vị sản xuất, chế biến phải có nguồn vốn lớn hơn mới duy trì hoạt động và đủ sức cạnh tranh. Trong khi đó, nếu đứng về phía các tổ chức tín dụng, mặc dù Nghị định 41 quy định: các ngân hàng thương mại cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 50% thì không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang Ngân hàng Chính sách xã hội; và các khoản vay theo đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Tuy nhiên, trên thực tế, để thực hiện cho vay tín chấp trong nông nghiệp, các ngân hàng phải chịu rủi ro quá lớn vì phải đối mặt với lượng khách hàng luôn trong tình trạng tín không đủ chấp, nhu cầu vốn nhiều nhưng phương án vay ít khả thi.
Vì thế nhu cầu bức thiết hiện nay không phải chỉ là sửa đổi chính sách tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn mà quan trọng hơn hết là các địa phương cần nhanh chóng rà soát lại những đơn vị cần vay vốn để tiến hành cải tổ. Ghi nhận tại các tỉnh, thành khu vực phía Nam, hiện nay có 2 địa phương bắt đầu đẩy mạnh các hoạt động này là TP Hồ Chí Minh và Đồng Tháp. Liên minh Hợp tác xã TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc với lãnh đạo các quận, huyện rà soát những tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn hiệu quả để kết nối với ngân hàng hỗ trợ vốn vay. Trong khi đó, tại Đồng Tháp - tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp - đã có những hoạt động cụ thể hơn. UBND tỉnh Đồng Tháp đã phê duyệt kế hoạch chuyển đổi hoạt động của 12 hợp tác xã nông nghiệp từ mô hình truyền thống sang mô hình bán cổ phần cho xã viên. Các hợp tác xã này sau khi chuyển đổi thành công sẽ được bố trí viên chức ở các đơn vị thuộc ngành nông nghiệp về làm giám đốc điều hành, đồng thời được Quỹ đầu tư và phát triển của tỉnh hỗ trợ vay vốn mua máy móc, phương tiện...
Những hoạt động tích cực của hai địa phương trên hy vọng sẽ được nhân rộng khắp cả nước để thời gian tới khi Nghị định mới thay thế Nghị định 41 được ban hành, những nút thắt về vốn cho nông nghiệp, nông thôn sẽ được tháo gỡ. Các hợp tác xã, trang trại và hộ gia đình sẽ dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ Chính phủ và các tổ chức tín dụng sẽ giảm bớt được rủi ro và chấp nhận giải ngân nguồn vốn vay tín chấp giá trị hàng tỷ đồng.