Nghị định 205/2025/NĐ-CP: Định vị vai trò "xương sống" cho công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây.
Cú huých cho công nghiệp hỗ trợ
Với Nghị định 205/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã mở rộng các ưu đãi về vốn, công nghệ, nhân lực và thị trường tạo cú huých chiến lược để công nghiệp hỗ trợ Việt Nam bứt tốc thời gian tới. TS.Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội đánh giá, tại nghị định mới này, hàng loạt cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và thị trường sẽ được mở rộng. Đặc biệt, trong đó nhấn mạnh đến các hoạt động nghiên cứu, phát triển sản phẩm, chuyển giao công nghệ, và nâng cao chất lượng nhân lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ – lĩnh vực được coi là nền tảng của công nghiệp chế biến, chế tạo.
Theo đó, các doanh nghiệp hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học để phát triển sản phẩm công nghiệp hỗ trợ sẽ được hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho các hạng mục như mua sắm máy móc, thiết kế mẫu mã, phần mềm chuyên dụng, thuê chuyên gia tư vấn, trả phí sáng chế hoặc kiểm định sản phẩm. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đổi mới công nghệ còn có thể tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia và các chương trình phát triển công nghệ cao hiện hành.

Đáng chú ý, Nghị định mới cũng bổ sung quy định hỗ trợ tối đa 70% chi phí cho các hoạt động đào tạo chuyên gia, nâng cao năng lực tổ chức tư vấn và phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật trong ngành. Đối tượng thụ hưởng gồm cả sinh viên xuất sắc, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên gia kỹ thuật, công nhân lành nghề đang làm việc trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Đại diện một số doanh nghiệp cũng cho biết, với các ưu đãi trên giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận công nghệ tiên tiến, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Song, để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực kỹ thuật và tài chính. Cơ chế phân bổ nguồn lực cũng cần minh bạch, tránh tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng, đảm bảo tác động thực chất đến ngành công nghiệp hỗ trợ.
Về pháp lý, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên được hưởng các hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tư vấn pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này giúp giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn thường gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định pháp luật phức tạp.
Về đầu tư, các dự án sản xuất sản phẩm ưu tiên được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp luật. Những chính sách trên tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giúp Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia để trở thành trung tâm sản xuất khu vực. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng ưu đãi, đồng thời nâng cao năng lực quản lý để hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả.
"Đòn bẩy" thúc đẩy hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phát triển
Trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất tại Đông Nam Á, công nghiệp hỗ trợ không còn là "vệ tinh phụ" mà đang dần được định vị là mắt xích chiến lược trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong công nghiệp chế biến, chế tạo, với mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 45–50% vào năm 2030.
Nghị định cũng bổ sung 3 điều khoản hỗ trợ về môi trường, pháp lý và kiểm định chất lượng, hướng đến phát triển công nghiệp bền vững và nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm. Các dự án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ hoặc cụm liên kết ngành được hưởng ưu đãi bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ưu tiên cũng nhận hỗ trợ tương tự, thể hiện cam kết của Việt Nam về phát triển công nghiệp xanh.
Nghị định 205/2025/NĐ-CP vì vậy không chỉ là chính sách ngắn hạn nhằm gỡ khó về vốn và công nghệ, mà còn là bước đi dài hạn để xây dựng nền tảng tự chủ về sản xuất – một trong những yếu tố then chốt để đảm bảo tăng trưởng bền vững, nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.
Khi được triển khai bài bản và minh bạch, Nghị định 205/2025/NĐ-CP sẽ đóng vai trò "đòn bẩy" thúc đẩy cả hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ phát triển theo hướng hiện đại, hiệu quả và hội nhập. Đây là điều kiện tiên quyết để Việt Nam tránh lệ thuộc vào nhập khẩu linh kiện, nguyên vật liệu; đồng thời tăng khả năng tham gia vào mạng lưới sản xuất khu vực, tận dụng làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế. Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, Nghị định 205/2025/NĐ-CP là cú huých chiến lược, giúp doanh nghiệp vượt qua rào cản chi phí đầu tư, tiếp cận thị trường quốc tế và xây dựng năng lực sản xuất độc lập.