Nghi binh ở Khe Sanh
Cuộc tấn công đồng loạt của quân giải phóng vào khắp các đô thị ở miền Nam với các hướng trọng điểm: Sài Gòn, Huế... gây bất ngờ lớn cho đối phương. Đặc biệt, trận đánh nghi binh chiến lược tại Khe Sanh đã khiến quân đội Mỹ phải trả giá đắt. Khe Sanh là trận đánh dương công lớn nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Các nhà nghiên cứu quân sự Hoa Kỳ cho rằng, các tướng lĩnh cầm quân một đời mơ ước có một trận dương công như Khe Sanh.
![]() Trung tâm Radar chỉ huy của Mỹ ở Khe Sanh |
Thung lũng Khe Sanh nằm ở vùng rừng núi phía Tây Quảng Trị. Từ đầu thập niên 1960, nơi đây được xác định là một trong những địa bàn chiến lược ở khu vực giáp ranh giới tuyến. Khi Mỹ đưa quân trực tiếp vào chiến trường miền Nam, Khe Sanh đã trở thành một trong những căn cứ quân sự trọng yếu của quân đội Mỹ ở bờ Nam vỹ tuyến 17. Năm 1966, tại khu vực Nam vỹ tuyến 17 đến đường 9 - Khe Sanh, Mỹ cho xây dựng tuyến điện tử vô hình lấy tên hàng rào điện tử McNamara, do 47 bộ óc khoa học giỏi nhất nước Mỹ thiết kế, sử dụng hệ thống thiết bị kỹ thuật chiến tranh thông minh hiện đại nhất. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó McNamara kỳ vọng hàng rào sẽ phát huy hiệu quả ngăn chặn như Vạn Lý trường thành của Trung Quốc hay bức tường Hadrian ở Anh. Ở vị trí “mỏ neo” khu vực ngã ba biên giới, Khe Sanh được định vị là một trong 3 mắt thần của hàng rào điện tử McNamara, nơi Mỹ tập trung xây dựng một tập đoàn cứ điểm mạnh, gồm Chi khu quân sự Hướng Hóa, cụm cứ điểm Làng Vây và sân bay Tà Cơn, với tham vọng ngăn chặn Cộng sản thâm nhập từ miền Bắc vào, từ Lào sang, là bàn đạp để cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Đây từng là đồn trú của địch với biên chế lên đến gần 6.700 quân, đặt dưới sự chỉ huy của David E. Lownds. Trước Tết Mậu Thân 1968, tại Khe Sanh, với hệ thống phòng ngự dày đặc và hỏa lực cực mạnh, Mỹ kỳ vọng đây sẽ là thỏi nam châm hút quân giải phóng vào trong một thế trận “Điện Biên Phủ đảo ngược” theo đúng kịch bản chiến tranh quy ước kiểu Mỹ.
PGs, Ts Hồ Khang, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam phân tích, thời điểm ấy, phía Mỹ nhận định miền Bắc Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam vẫn chưa đủ sức làm một Điện Biên Phủ trong cuộc chiến này. Chính từ “Điện Biên Phủ” ấy là một gợi ý cho bộ não chỉ đạo cuộc chiến của chúng ta tương kế tựu kế bằng cách chúng ta sẽ làm “Điện Biên Phủ giả” để ghìm chặt đối phương ở chiến trường rừng núi, tạo điều kiện cho đòn tiến công vào các đô thị. Nó là đòn nghi binh mà sau này phía Mỹ và phương Tây cho rằng Bắc Việt Nam là bậc thầy trong nghi binh.
Theo kế hoạch, 10 ngày trước giờ G của cuộc tổng tấn công và nổi dậy, mặt trận Khe Sanh - đường 9 sẽ khai hỏa, thực hiện nhiệm vụ nghi binh, thu hút tâm điểm chú ý và dồn lực lượng cơ động Mỹ tập trung về chiến trường này, tạo điều kiện cho các đô thị đánh lớn. Nhiệm vụ được giao cho các sư đoàn chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam đã lừng danh trong kháng chiến chống Pháp như: 304, 320, 324, 325. Ngày 20.1.1968, chiến dịch chính thức mở màn, pháo của quân đội ta đồng loạt phóng kích vào căn cứ Khe Sanh. Ngày thứ 2, kho đạn 9 của quân đội Mỹ với sức chứa 1.500 tấn đạn pháo đã bị phá hủy hoàn toàn. Lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến, trận địa pháo và cối hai bên đối đầu nhau ngay giữa ban ngày và kéo dài suốt 48 giờ sau đó. Khi cuộc pháo kích của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đến đỉnh điểm, lính Mỹ chờ đợi một cuộc tấn công ồ ạt của đối phương tiến vào căn cứ Khe Sanh... Thế nhưng, giữa lúc Khe Sanh trở thành tâm điểm chú ý của nước Mỹ thì các đô thị trên toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt đầu...
Tổng thống Lyndon Johnson và Washington đã nghĩ Khe Sanh là một Điện Biên Phủ nữa, cho đắp cả sa bàn Khe Sanh ở Nhà trắng và hàng ngày nghe “giao ban” về chiến sự ở đây. Thậm chí, họ còn yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam - phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh, vì đó là danh dự của nước Mỹ. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger trong cuốn Thương lượng về Việt Nam viết: trong Tết Mậu Thân, Westmoreland đã điều 94% lực lượng tinh nhuệ nhất của Mỹ lên những nơi chỉ chiếm 4% dân số Việt Nam, trong đó có chiến trường đường 9 Khe Sanh. Trên tinh thần đó, Mỹ đã tập trung mọi sức mạnh hỏa lực cho Khe Sanh. Chiến dịch Niagara II được huy động để bảo vệ căn cứ này bằng mọi giá. Chỉ riêng B52 đã có khoảng 2.500 lượt cất cánh với hơn 53.000 tấn bom cày nát mặt đất Khe Sanh. Trung cuộc, Mỹ đã thả trên 100.000 tấn bom suốt khu vực chỉ rộng 32km2, trở thành cuộc không kích lớn nhất trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Đã không có cuộc tấn công tổng lực của quân đội nhân dân Việt Nam như mong đợi của Mỹ trong suốt 170 ngày đêm vây hãm Khe Sanh, từ tháng 1 - 7.1968. Sai lầm chiến lược của tướng Westmoreland khiến quân đội Mỹ phải trả giá đắt. Không kể những tổn thất về người, đó còn là danh dự của nước Mỹ và niềm tin của công chúng Mỹ đối với chính quyền Johnson. Nhiều nhà nghiên cứu Mỹ sau này đánh giá, dù đã không xảy ra một trận Điện Biên Phủ thứ 2, nhưng có vẻ Mỹ lãnh đủ một Điện Biên Phủ khác ở Khe Sanh trong sự kiện Mậu Thân 1968.
Ở thế kỷ XXI, hai tiếng Khe Sanh lại được truyền đi khắp thế giới khi được nhắc đến trong bài diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Cái tên Khe Sanh đã trở thành một phần lịch sử không chỉ của Việt Nam mà đối với cả nước Mỹ. “Vì chúng ta, họ đã chiến đấu và hy sinh, ở những nơi như Concord và Gettysburg; ở Normandy và Khe Sanh”. Hãng tin Reuter từng bình luận: “Khe Sanh đã được ghi vào lịch sử của cuộc chiến tranh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam như là một nơi phải trả cái giá đắt nhất bằng máu”. |