Nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt

Đinh Loan thực hiện 24/09/2016 07:47

“Tôi cho rằng, cần xem sản phẩm nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt. Nhà hát cũng phải xem các công ty biểu diễn và công ty tổ chức sự kiện là cánh tay nối dài trong quá trình đưa sản phẩm của mình đến với công chúng”, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ TRƯƠNG NHUẬN chia sẻ với PV báo Đại biểu Nhân dân về con đường xã hội hóa sân khấu nghệ thuật.

Phát triển khán giả thân thuộc

 Ông đánh giá như thế nào về sức hút của sân khấu kịch đối với khán giả hiện nay?

- Đến nay, sân khấu phía Bắc vẫn được cho là khủng hoảng khán giả. Điều này cũng có thể lý giải bởi hiện khản giả có nhiều hình thức giải trí để lựa chọn như internet, truyền hình thực tế... Do vậy, để kéo họ đến với các nhà hát là điều rất khó khăn. Cho đến thời điểm này, Nhà hát Tuổi trẻ gần như là điểm duy nhất tại Hà Nội có các suất diễn vào 3 đêm cuối tuần. Chúng tôi quyết tâm duy trì lịch diễn này thậm chí, vào thời điểm như Trung thu, 21.6, hay dịp hè, Nhà hát có thể biểu diễn lên tới 6 suất/ngày. Điều đáng mừng, trong lúc mà các nhà hát đang khó kéo khán giả tới rạp, Nhà hát Tuổi trẻ vẫn tìm được lượng khán giả thân thuộc hoặc chiến lược của mình.

- Để có được thành quả này, Nhà hát Tuổi trẻ đã có những bước đi như thế nào thưa ông?

- Chúng tôi đã có bước đi khá chủ động và năng động. Nhà hát tìm đến thị trường để kết nối với công chúng bằng việc tìm các nguồn tài trợ, xã hội hóa các chương trình biểu diễn chứ không chỉ trông chờ vào nguồn thu thuần túy là bán vé. Trên thế giới, kể cả những nhà hát nổi tiếng nhất, tiền thu được từ bán vé cũng chỉ chiếm 40% trong các hoạt động bình thường. Điều đó, bắt buộc các nhà hát phải tự vận động, tự có nguồn khác để biểu diễn, để kết nối với khán giả. Ở Việt Nam những năm gần đây mới có sự bắt tay giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghệ thuật nhưng Nhà hát Tuổi trẻ đã làm việc này từ 15 năm qua.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật bằng việc kết nối với các trung tâm văn hóa, đại sứ quán để giới thiệu các tác phẩm kinh điển của các nước. Đồng thời, tìm nguồn hỗ trợ dàn dựng vở, hỗ trợ đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên, nghệ sĩ, diễn viên, đạo diễn ở các ngành nghề để nâng cao khả năng, kỹ năng nghề nghiệp có tính chất chuyên sâu hơn.

Ngoài ra, chúng tôi còn thu hút các nguồn xã hội hóa cho các dự án nghệ thuật mang tính chất phục vụ cho cộng đồng. Những dự án này có thể là những đối tác, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức xã hội có chung mục đích từ thiện hoặc phục vụ cộng đồng như việc dựng những vở kịch nói về quyền của những người bị nhiễm HIV được sống hoặc quyền của những người đồng tính được ghi nhận trong cuộc sống hoặc quyền của những người bị bạo hành trong xã hội…

Tôi cho rằng, cần xem sản phẩm nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt. Nhà hát cũng phải xem các công ty biểu diễn và công ty tổ chức sự kiện là cánh tay nối dài trong quá trình đưa sản phẩm của mình đến với công chúng. Để từ đó, tăng nguồn thu giúp cải thiện đời sống người nghệ sĩ, diễn viên. Những hướng này đều được Nhà hát coi trọng và sử dụng hiệu quả. Trong khoảng 3 - 4 nằm gần đây, nguồn thu, nguồn hoạt động của Nhà hát tăng lên 2 - 3 lần giúp cải thiện về mọi mặt so với trước đây.

Không xã hội hóa bằng mọi cách

- Có thể khẳng định, hiện nay xã hội hóa là vấn đề then chốt giúp Nhà hát “sáng đèn”. Tuy nhiên, ở góc độ là đơn vị nghệ thuật, tiêu chí trong việc lựa chọn nhà tài trợ được nhà hát đặt ra như thế nào thưa ông?

- Khi gọi là một sản phẩm nghệ thuật “sạch” nghĩa là có giá trị nghệ thuật đích thực sẽ không có những yếu tố ngoài lề gây phản cảm với công chúng. Việc lựa chọn những tác phẩm có giá trị nhân văn cao, có sức lan tỏa, tác động được đến tâm tư, tình cảm của công chúng, tạo ấn tượng tốt cũng như niềm tin vào cuộc sống, niềm tin về những giá trị chân - thiện - mỹ là tiêu chí đầu tiên để lựa chọn tác phẩm đối với bất cứ ban lãnh đạo nhà hát nào khi lựa chọn sản phẩm kêu gọi tài trợ. Do đó, các doanh nghiệp lựa chọn đồng hành với sản phẩm của các nhà hát cũng nhận thấy vai trò của mình để cùng các đơn vị sự nghiệp nghệ thuật mang lại sản phẩm đích thực có tác động lớn, có sức lan tỏa đối với cộng đồng.

Tuy nhiên, doanh nghiệp luôn phải biết rằng sự lan tỏa tới công chúng của nghệ thuật là lâu dài, mất nhiều thời gian. Sản phẩm nghệ thuật biểu diễn sân khấu như mưa dầm thấm lâu, sức lan tỏa dần dần, đến với từng tâm hồn, từng con người đơn lẻ trong quá trình hình thành nhân cách. Điều này theo tôi đòi hỏi “phông” văn hóa của những doanh nghiệp, đòi hỏi tâm và tầm của doanh nghiệp đồng hành với văn hóa.

- Đúng là tìm nhà tài trợ không dễ, vậy Nhà hát Tuổi trẻ làm gì để thu hút được những nhà tài trợ có tâm với văn hóa?

- Theo tôi, các nghệ sĩ phải năng động hơn, phải tìm con đường, cách thức đúng để không mất đi bản sắc, giá trị của mình nhưng vẫn kêu gọi được sự hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau trong hoạt động văn hóa, trong đó, có sự chuyên nghiệp về quảng bá, marketing, tiếp cận thị trường có chiến lược và bài bản hơn.

- Xin cảm ơn ông!

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghệ thuật là hàng hóa đặc biệt
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO