Nghệ thuật khắc gỗ ở Kashmir

Phương Minh 06/09/2014 08:42

Có thể nói, sự khéo léo tuyệt vời của người Kashmir, Ấn Độ được thể hiện qua nghệ thuật khắc gỗ của họ trên các vật dụng thường ngày, từ những chiếc tủ đựng quần áo, hộp đựng trang sức, khung ảnh đến những bức tường gỗ tuyệt đẹp.

Thực vậy, đồ thủ công mỹ nghệ được tạo tác từ gỗ là một trong những đại diện xuất sắc nhất cho nghệ thuật truyền thống của người Kashmir. Nó xuất hiện từ thế kỷ thứ III hoặc thế kỷ thứ IV và đến giờ vẫn còn được lưu vết tích từ những công trình kiến trúc cổ còn sót lại ở Kashmir Punjab.

Người ta nói rằng, nghề thủ công khắc gỗ vươn tới Kashmir từ Trung Á cách đây khoảng 600 - 700 năm. Thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của nghệ thuật này bắt đầu từ năm 1420. Trước khi nghệ thuật khắc gỗ trên cây óc chó trở nên thịnh hành, người ta thường tập khắc lên tường, cửa, cột đền, nhà thờ hồi giáo, cung điện... Tại sao cây óc chó lại được chọn làm vật liệu dùng để khắc? Đây là một trong những loại cây hiếm nhất trên thế giới, mọc ở rất ít nơi. Kashmir là nơi duy nhất ở Ấn Độ trồng được loại cây này với chất lượng gỗ tốt nhất. Gỗ của cây óc chó không những bền mà còn khá mềm, tạo điều kiện dễ dàng cho các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo. Thông thường, người ta hay chọn gỗ ở thân cây để khắc nhưng ngày nay gỗ ở gốc cây cũng được sử dụng. Xét về giá thành, gỗ ở thân hay gỗ ở gốc cây đều bằng nhau.

Khắc trên gỗ là một quá trình phức tạp, khá tẻ nhạt và tốn nhiều thời gian.  Một mảnh khắc gỗ có thể mất từ 2 ngày đến 6 tháng để hoàn thành phụ thuộc vào độ phức tạp của thiết kế. Cho tới nay, người ta vẫn khắc gỗ bằng tay chứ không sử dụng bất kỳ máy móc nào. Đầu tiên, những cây óc chó không còn ra quả sẽ bị đốn xuống, chặt ra và phơi khô. Sau đó, người ta xẻ ra thành từng tấm theo nhu cầu và tiếp tục hong khô tự nhiên từ 6 tháng đến 3 năm.

Đối với những vật dụng được khắc như tủ, hộp và các đồ tạo tác khác, vai trò đầu tiên thuộc về những người thợ mộc. Sau đó, chúng mới được chuyển tới cho thợ khắc. Thợ khắc sẽ thực hiện các họa tiết lên gỗ theo nhiều bước khác nhau như laakhun (khắc mẫu trên gỗ với sự trợ giúp của bút chì), dagun (vẽ dấu bằng cách dùng đục), zameen kadun (đục gỗ sâu hơn để tạo hiệu ứng 3D cho họa tiết), Guzar dun (tạo hình họa tiết) và Sumbh kadun (tạo hoa văn trên gỗ với sự trợ giúp của móng tay hoặc dụng cụ chuyên biệt). Bước cuối cùng của quá trình khắc gỗ là giai đoạn đánh bóng gọi là Roshan gaar. Tại bước này, gỗ sẽ được làm nhẵn bằng giấy nhám.

Chủ đề trong các tác phẩm khắc gỗ Kashmir thường được lấy cảm hứng từ tôn giáo, các kỳ quan tự nhiên nơi đây, các loại cây cỏ như lá Chinar, lá Vine, hoa sen, hoa hồng... hoặc các hình học khác.

Hiện nay, mặc dù khắc gỗ là một trong những niềm tự hào của người Kashmir nhưng tương lai của nghệ thuật tinh tế này đang bị đe dọa do giá bán của tác phẩm khắc gỗ ngày càng leo thang chóng mặt, vượt ra khỏi tầm với của nhiều người tiêu dùng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghệ thuật khắc gỗ ở Kashmir
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO