Nghệ thuật đối thoại với thiên nhiên

- Thứ Bảy, 17/04/2021, 06:33 - Chia sẻ
Lấy chủ đề từ những trăn trở về phát triển bền vững tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, dự án ECO-SUS (Ecology- Sustainable, Sinh thái - Phát triển bền vững) quy tụ 12 nghệ sĩ cùng sự góp mặt của 100 bạn trẻ ưu tú của Chương trình Trường học mùa đông, đang diễn ra tại Quy Nhơn, Bình Định. Người xem có được nhiều cung bậc cảm xúc khi tiếp xúc từ tranh màu nước cho đến sắp đặt, tạo hình, đồ họa… và cả những tác phẩm nghệ thuật kêu gọi bảo vệ môi trường biển.

Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tọa lạc trên mảnh đất rộng 20ha tại Quy Nhơn, Bình Định, với các tổ hợp kiến trúc hoàn thiện. Việc đặt để những tác phẩm sao cho hòa cũng một thể với thiên nhiên nơi đây mà không bị nuốt chửng bởi không gian rộng lớn ấy, thể hiện stài tình và khéo léo của hai vị giám tuyển. Những tác phẩm được trưng bày tại đây đa dạng và phong phú. Nghệ sĩ đến từ nhiều nơi, cả trong nước và quốc tế, sử dụng các hình thức tạo hình của nghệ thuật đương đại, từ sắp đặt, hội họa, nhiếp ảnh, video art…  

Tác phẩm “Phong cảnh nhìn từ hai phía” của Vũ Kim Thư dùng chính những cửa sổ nhìn ra bãi cỏ xanh rì tại ICISE
Ảnh: Ng. Nga

Tương tác với thiên nhiên

Mỗi tác phẩm là sự đối thoại, tương tác với thiên nhiên, nói lên vấn đề của sinh thái và sâu xa hơn là vấn đề của con người. Nghệ sĩ Nguyễn Trần Ưu Đàm trình bày tác phẩm nổi tiếng Rồng rắn lên như một tác phẩm hoàn chỉnh với 8 phần: từ điệu của những kỵ sĩ máy, tới Rồng rắn lên, một chuỗi 7 hộp đèn, từ Serpent's Tails, video I suck u suck, tác phẩm điêu khắc Thánh Gióng đương đại, tác phẩm Elephant in the room (Con voi trong phòng)… Những tác phẩm này đều sử dụng vật liệu nhựa dẻo và được thổi căng bằng khí thải của xe máy.

Nghệ sĩ Ưu Đàm đã gửi vào tác phẩm của mình nhiều câu chuyện, tạo thành nhiều tầng lớp mà khán giả phải bóc tách, những câu chuyện từ mộc mạc đến hàn lâm, khán giả hoàn toàn có thể hiểu theo ý mình. “Chẳng hạn, với tác phẩm Rồng rắn lên, tôi đem câu chuyện Thánh Gióng đặt vào bối cảnh đương đại. Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt phun ra lửa có thể so sánh với hình ảnh rất nhiều người Việt Nam đang cưỡi “ngựa sắt” (xe máy) phun ra khói. Thánh Gióng xưa mặc giáp sắt, giờ đây ta mặc áo/váy chống nắng, đeo kính mát, mũ bảo hiểm, găng tay… Khí thải được cách điệu hóa là những con mãng xà nối từ mỗi ống bô của kỵ sĩ. Mỗi người lái xe máy là một hiệp sĩ thời nay, không đánh giặc ngoại xâm mà là đánh mãng xà khí thải. Chúng ta đều mưu sinh và trong quá trình đó tạo ra khí thải. Chính chúng ta đang phải chống chọi với bầu khí thải đó. Nghĩ rộng ra, 7 tỷ dân sinh sống trên Trái đất mỗi người là một Thánh Gióng. Khi xem Rồng rắn lên, bạn sẽ thấy rõ điều đó”.

Hay như tác phẩm Âm , dồn nén và bùng cháy của nghệ sĩ Vương Văn Thạo mang đến khía cạnh khác của hệ sinh thái, đó là nạn cháy rừng. Song không chỉ diễn tả những đợt cháy rừng mà tác phẩm còn miêu tả nội tâm của chính con người.

Tác phẩm tạo hình bạch tuộc bằng các chai nhựa đã qua sử dụng của nghệ sĩ Vũ Xuân Đông cũng lưu lại ấn tượng khó quên đối với khán giả dù trong ánh nắng chiều của biển Quy Nhơn hay độ lung linh của tác phẩm sau khi biển tắt nắng. Người xem có thể nhận ra rằng bản chất của những phát minh thời đại không hề xấu, mà những vấn đề môi trường sinh thái hiện hữu chỉ thể hiện rằng chúng ta đã sử dụng chúng sai cách.

Đến với tác phẩm của nghệ sĩ Vũ Kim Thư, khán giả sẽ thấy sự tương tác giữa tác phẩm của chị với thiên nhiên vô cùng duyên dáng. Vũ Kim Thư đã dùng chính những cửa sổ nhìn ra bãi cỏ xanh rì tại ICISE, kết hợp với các biện pháp cắt, dán, vẽ để tạo nên những bức tranh thay đổi theo thời gian. Mỗi khoảng thời gian bức tranh ấy lại mang một màu sắc khác, đem lại cho người xem những cảm xúc khác nhau trong ngày.

Dự án có sự tham gia của 10 nghệ sĩ tạo hình Việt Nam: Nguyễn Thế Sơn, Nguyễn Trần Ưu Đàm, Phạm Thái Bình, Trịnh Minh Tiến, Vương Văn Thạo, Phạm Khắc Quang, Vũ Xuân Đông, Vũ Kim Thư, Lê Đăng Ninh, Phan Quang, cùng nhà thiết kế thời trang Cortizas Del Valle và nghệ sĩ nhạc thể nghiệm Trí Minh. Đây đều là những nghệ sĩ đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực nghệ thuật, hội họa đương đại tại Việt Nam. Triển lãm kéo dài đến ngày 8.8.

Giao thoa khoa học và nghệ thuật

Từ những tác phẩm trong triển lãm, người xem có thể cảm nhận được sự giao thoa giữa khoa học và nghệ thuật, từ đó nhìn ra nỗ lực của các nghệ sĩ muốn tiếp tục đối thoại với thiên nhiên sinh thái và phát triển bền vững tại ICISE. Nghệ sĩ Thế Sơn chia sẻ: “Khi làm giám tuyển cho triển lãm, tôi cố gắng dẫn dắt mọi người bắt đầu một cuộc đối thoại dài hơi giữa nghệ thuật và khoa học. Khoa học muốn truy tìm chân lý thì nghệ thuật cũng đi tìm sự thật trong đời sống xã hội. Hai con đường đó có thể đi song song thì đây là điểm gặp gỡ khá thú vị giữa khoa học và nghệ thuật, điều chưa bao giờ xảy ra trong khoa học cũng như trong lịch sử phát triển nghệ thuật ở Việt Nam”.

Nắm bắt và hòa hợp với toàn bộ không gian tại ICISE, ECO-SUS không mang những nặng nề của lối triển lãm truyền thống trong những không gian nghệ thuật hay gallery, nó mang theo hơi gió và những bản nhạc du dương đến từ sóng biển. Người xem sẽ cảm thấy yên bình và nhẹ nhõm khi được hòa mình cùng nghệ thuật, thiên nhiên. Bi qua những tác phẩm được trưng bày, nghệ sĩ đã truyền tải những năng lượng tích cực, những thông điệp để con người và thiên nhiên sinh thái phát triển bền vững.

Nguyễn Nga