Nghệ thuật dân gian trong hơi thở hiện đại

Thảo Nguyên 18/04/2022 07:04

Các loại hình diễn xướng dân gian như chèo, tuồng, hát xẩm... được giới thiệu không phải bằng lời ca, câu hát, mà qua những tác phẩm tranh, tượng, sắp đặt, phim ảnh, âm nhạc... tạo cơ hội cho khán giả có cái nhìn phong phú hơn về việc kết hợp truyền thống và hiện đại, lan tỏa giá trị xưa trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển.

Cảm hứng bất tận
Lấy cảm hứng từ nghệ thuật múa rối nước - một loại hình sân khấu tiêu biểu của Việt Nam, thể hiện trí tuệ, sức sáng tạo của người Việt, tác phẩm điêu khắc sắp đặt “Thị Tiên ở chốn Thị Thành” của nghệ sĩ Phạm Khắc Thắng thể hiện hình tượng Cô Tiên trong rối nước kết hợp với nghệ thuật ánh sáng và âm thanh đậm chất đương đại. Gửi gắm trong đó là thông điệp bảo vệ môi trường bởi tác phẩm được tạo nên từ nguyên liệu tái chế, thu thập, sử dụng chất liệu nhựa và giấy bồi. 

Nghệ thuật hát bội được giới thiệu không phải trên sân khấu, mà qua bộ bài Tuồng Tích, sản phẩm do Trường Ca Kịch Viện hợp tác thiết kế và sản xuất cùng nhóm thiết kế trẻ Marginx. Bộ bài được biến hóa đầy màu sắc, 52 lá bài thể hiện tinh tế các nhân vật nổi tiếng trong bộ môn nghệ thuật tuồng cổ như Hồ Nguyệt Cô, Phạm Đình Công, Tạ Ôn Đình... Những lá bài được thiết kế kết hợp với phong cách hiện đại không những không làm mất đi giá trị nghệ thuật truyền thống, mà còn giúp bộ môn hát bội đến với công chúng trong một diện mạo mới lạ và đặc biệt...

Gần 100 tác phẩm của 25 nghệ sĩ, lấy cảm hứng từ đa dạng các loại hình nghệ thuật biểu diễn/sân khấu truyền thống Việt Nam như chèo, tuồng, rối nước, chầu văn, ca trù, múa bồng… được giới trong triển lãm “Bắc nhịp tang bồng” tại Toong Tràng Thi (số 8 Tràng Thi, Hà Nội) từ ngày 15.4 - 15.5. Chương trình do dự án Trường Ca Kịch Viện - nơi tập hợp các bạn trẻ yêu nghệ thuật dân gian, tổ chức. Góp mặt trong chuỗi sự kiện là các nghệ sĩ từ nhiều thế hệ như: Bùi Trọng Dư, Trần Xuân Hưng, Chu Lượng, Phạm Rồng… với đa dạng thể loại tác phẩm như thiết kế đồ họa, sơn mài, tranh lụa, phù điêu, thiết kế thời trang... đưa khán giả vào thế giới nghệ thuật truyền thống, nhưng phô diễn dưới hình thức mới mẻ. 

Ngoài đem đến một không gian triển lãm độc đáo, Trưởng Ban tổ chức chương trình Bùi Yến Linh cho biết, dự án còn công chiếu bộ phim tài liệu “Đoạn Trường Vinh Hoa” thuộc dự án VTV Đặc biệt của Đài truyền hình Việt Nam; tổ chức trò chuyện về chủ đề bảo tồn và ứng dụng nghệ thuật biểu diễn truyền thống; công chiếu các sản phẩm kỹ thuật số do Trường Ca Kịch Viện hợp tác cùng đội ngũ sản xuất 3D Visual Video lấy chất liệu từ các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống...

Giới thiệu nghệ thuật biểu diễn truyền thống qua góc nhìn hiện đại
Giới thiệu nghệ thuật biểu diễn truyền thống qua góc nhìn hiện đại

Sức sống trường tồn

“Trong thời đại hội nhập và sự phát triển của các loại hình giải trí hiện đại, các hình thức sân khấu và diễn xướng dân gian - phương tiện lưu giữ giá trị nhân văn Việt Nam suốt bề dày lịch sử - đang ngày càng nhận được ít sự quan tâm của giới trẻ. Tuy vậy, còn rất nhiều nghệ sĩ vẫn đang thiết tha biểu diễn, các họa sĩ và nhà thiết kế với những tác phẩm tạo nên từ cảm hứng sân khấu truyền thống, hay nhiếp ảnh gia hướng ống kính tới nét đẹp văn hóa... Vì thế, chuỗi sự kiện hướng tới tôn vinh sự trường tồn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống, thể hiện qua tác phẩm nghệ thuật thị giác của các nghệ sĩ đang góp phần tạo nên sự hiện diện và sức vươn của truyền thống nước nhà trong thời hiện đại” - Bùi Yến Linh chia sẻ ý tưởng tổ chức chuỗi sự kiện.

Việc chuẩn bị cho triển lãm được thực hiện từ lâu, nhưng phải đợi tới khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát mới có thể diễn ra. Phó Ban tổ chức chương trình Vũ Đức Hạnh cho biết: “Rất may mắn là triển lãm nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cá nhân, tổ chức cùng có niềm đam mê, đau đáu muốn đưa nghệ thuật truyền thống có sức ảnh hưởng hơn trong đời sống, đặc biệt với giới trẻ. Đặc biệt, nhiều nghệ sĩ đã dẫn dắt để các thành viên dự án hiểu sâu hơn về các loại hình nghệ thuật, cổ vũ nhóm tiếp tục có các hoạt động nhằm tạo sự thay đổi, đóng góp một phần nào đó bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống”.

“Với sứ mệnh thể hiện sức vươn của nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam, đồng thời tôn vinh vẻ đẹp văn hóa dân tộc, Trường Ca Kịch Viện hy vọng đây sẽ là một cơ hội để lan tỏa những thông điệp nhân văn vốn có của các loại hình biểu diễn truyền thống” -  Yến Linh nói.

Dành cả cuộc đời cho nghệ thuật sân khấu, ngắm nhìn các tác phẩm trong triển lãm "Bắc nhịp tang bồng", NSƯT Lê Chức chia sẻ: “Nghệ thuật là sản phẩm của đời sống xã hội, có các yếu tố là thời gian, không gian, tinh thần của xã hội ấy để ra đời tác phẩm. Triển lãm này là kết quả tư duy của người trẻ. Đi nhiều, xem lắm, nhưng thực sự tôi bất ngờ, ấn tượng. Có nhà triết học nói rằng: Chúng ta hãy đến với người trẻ, vì họ là tương lai. Cảm giác của tôi là lớp người trẻ đã dành tâm trí, tấm lòng, kiến thức, tiền bạc cho nghệ thuật dân tộc. Nếu dùng ý nghĩa sang trọng, sản phẩm của văn hóa là bữa tiệc về nhận thức, bữa tiệc ấy phải nhiều món, món nào cũng ngon và có món chính, thì tôi tin chắc rằng triển lãm này đúng là bữa tiệc của văn hóa, của nhận thức. Ở tuổi tôi (76 tuổi), tôi trân trọng cảm ơn những người trẻ tuổi đã có tư duy như vậy”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghệ thuật dân gian trong hơi thở hiện đại
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO