Nghệ thuật chuyển nhượng

Hoàng Vân 14/08/2011 07:24

Một vụ chuyển nhượng muốn diễn ra êm xuôi cần có sự đồng ý của cả người mua, người bán và người bị bán. Chỉ có điều là trong thời cảnh hiện nay, rất ít trường hợp cả 3 bên cùng nhìn về một hướng. Khi không thể đối thoại được, tất nhiên, mỗi bên sẽ tự tìm cách có lợi nhất cho mình.

Nasri đang đàm phán về chơi cho Man City
Nasri đang đàm phán về chơi cho Man City

1. Người mua

Tất nhiên, đây là đối tượng bất lợi nhất, đơn giản bởi họ cần nên mới đi mua. Tuy nhiên, hiện giờ, do kinh tế eo hẹp nên các đại gia chi tiêu cũng phải nhìn trước ngó sau, nhất là năm sau, Luật Tài chính công bằng của UEFA sẽ chính thức được áp dụng (trong đó mỗi câu lạc bộ không được phép thua lỗ quá 45 triệu bảng). Sau đây là một vài bí kíp được các đội bóng lớn lận lưng trong hè này.

Xúi giục cầu thủ: Phá hoại từ bên trong là một cách hết sức hữu dụng. Cầu thủ nổi loạn, bỏ tập, câu lạc bộ chủ quản ngán ngẩm thì đương nhiên sẽ muốn bán đi cho nhanh. Cao thủ trong lĩnh vực này phải kể đến Real Madrid, từ lâu vốn có tiếng trong vụ đi cửa sau với cò cầu thủ và cầu thủ để cung cấp cho họ một vài chiêu thoát thân hiệu quả. Hè này, chiến lược đó đã được áp dụng triệt để với trường hợp của Fabio Coentrao, vốn là một cầu thủ nổi tiếng ngoan hiền, đã vùng lên dữ dội để đòi đến Real (đích đến mơ ước của anh) thay vì Chelsea (nơi mà Porto muốn, vì được trả nhiều tiền hơn). Kết quả là cả Coentrao và Real đều thỏa ước nguyện, khi anh đến Real với giá 30 triệu bảng.

Dương đông kích tây: Trong thời buổi người người nhà nhà nâng giá như hiện nay, không nên quá tập trung vào một cầu thủ để bị ép giá mà nên quan tâm đến các cầu thủ khác nữa, vừa để đối thủ không kiêu căng, vừa cho thấy không thiếu món hàng để mua. Ví dụ trường hợp của Real, muốn mua Neymar nhưng vì Santos hét giá quá cao, họ sẵn sàng chuyển hướng sang Aguerro hay Man Utd, để dự phòng trường hợp không mua được Modric, họ sẵn sàng chuyển sang Sneijder.

Ép giá: Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra với những trường hợp đặc biệt, với những đối tượng chỉ còn lại một năm hợp đồng thì đây là chiêu hiệu nghiệm nhất. Narsi là trường hợp điển hình, anh chỉ còn 1 năm hợp đồng với Arsenal nên nếu không bán anh bây giờ thì năm sau, Pháo thủ sẽ chẳng thu được xu nào. Vì thế Narsi mới hot như hiện nay và đội nào mua anh cũng không cần bỏ ra quá nhiều tiền. Trường hợp Man Utd có được Asley Young cũng tương tự, với giá khá hời cho một cầu thủ tài năng, chỉ tầm 15 triệu bảng.

Tiết kiệm tối đa: Giảm thiểu chi phí hợp đồng là mục tiêu số một của mọi ông chủ, ngoài việc thòng thêm các điều khoản phụ như cầu thủ phải đóng góp bao nhiêu, ra sân bao nhiêu thì mới thanh toán hết hợp đồng. Chiêu quyết định là các thêm cầu thủ, đặc biệt là những người có tên tuổi và chơi được ở những vị trí mà đối phương đang thiếu. Với những CLB đã ấn định ngân sách chuyển nhượng từ đầu như Barca (chỉ 45 triệu bảng) mà lại muốn mua 2 - 3 cầu thủ mới thì đây là phương pháp hiệu quả nhất. Barca muốn có Fabregas chỉ với tầm 30 triệu bảng nhưng Arsenal muốn hơn. Giải pháp được tính đến là Barca sẽ các thêm Maxwell cho Pháo thủ, người có thể chơi tốt ở vị trí hậu vệ trái, nơi Arsenal đang khuyết sau khi Clichy sang Man City.

Dụ dỗ bằng lương: Ai cũng biết cầu thủ sống bằng lương và thưởng nên để cưa cẩm cầu thủ tốt nhất là đưa ra mức lương thật hấp dẫn. Chiêu này thì các đại gia lắm tiền rành hơn cả. Man City dụ được Clichy bằng cách trả anh 90.000 bảng/tuần (ở Arsenal, anh chỉ nhận được 50.000 bảng). Trường hợp tương tự cũng diễn ra với Narsi, Fabregas...

2. Kẻ bán

Tất nhiên, theo logic thông thường thì người bán nắm đằng chuôi trong thị trường chuyển nhượng. Mỗi CLB thực chất chỉ có một vài ngôi sao có thể bán được giá, vì thế tất cả các ông chủ đều không muốn viên ngọc quý của mình ra đi dễ dàng, ít ra họ phải bán càng được giá càng tốt.

Cò cưa: thị trường chuyển nhượng mới mở cửa được hơn 2 tuần và phải đến cuối tháng 8 mới đóng cửa, vì thế CLB thực chất không cần bán cầu thủ quá gấp, mà có thể thương lượng, cân đo đong đếm với những lời đề nghị. Đặc biệt với những món hàng hot thì cứ nghiên cứu xem bán cho ai được giá nhất.

Nâng cao giá trị cầu thủ: Thêm vào đó, là phải biết tâng bốc cầu thủ để ai cũng thấy giá trị của món hàng. Ví dụ như Alexis Sanchez (được ví như Messi và Ronaldo), Aguerro, Vidal, Fabregas, Neymar, Ganso, Tevez, Pastore... được nhiều đại gia nhòm ngó nên các ông chủ cũng mặc sức làm cao.

3. Cầu thủ

 Fabregas về Barcelona

Nghệ thuật chuyển nhượng ảnh 2

Báo điện tử The Sun của Anh đưa tin, tiền vệ 24 tuổi Cesc Fabregas đã chính thức chuyển từ Arsenal sang đầu quân cho Barcelona với bảng hợp đồng có thời hạn 5 năm trị giá 36 triệu bảng Anh. Tiền vệ tài năng này sẽ ra mắt vào ngày 13.8 và anh có thể góp mặt trong trận tranh Siêu Cup Tây Ban Nha giữa Barcelona với Real ngày 15.8. Đây là thương vụ kéo dài nhất trong lịch sử chuyển nhượng cầu thủ (4 năm).

Cầu thủ là nhân vật trung tâm vụ đổi chác. Giờ không còn cảnh ông chủ đặt đâu cầu thủ ngồi đấy nữa mà quyền lực cầu thủ lấn át tất cả. Nếu họ đã muốn đi thì chẳng thiếu gì cách.

Làm loạn, gây rối: Nếu đã xác định được nơi cần đến và được câu lạc bộ phím trước, tất nhiên, đây sẽ là bước cuối cùng để ra đi sau khi 2 ông chủ không đạt được thỏa thuận. Bỏ tập, gây sự với huấn luyện viên, phát ngôn ra đi với báo chí là những chiêu quen thuộc nhất. Fabregas, Robinho, Tevez, Coentrao đều đã áp dụng chiêu này. Mới nhất là Lass Diarra từ chối du đấu với Real hay Modric tuyên bố bị Chủ tịch Levy của Tottenham lừa dối.

Khôn ngoan: Tất nhiên, cầu thủ bây giờ cũng khôn ngoan hơn, khi tấm gương tày đình của những kẻ phản loạn vẫn còn đó. Họ luôn để cho mình một con đường sống. Song song với việc chơi trò đánh đu với cả 2 bên, kiểu như để việc đó cho thượng tầng quyết định, hay tất cả ở phía trước, họ cũng không ngừng bộc lộ tình yêu với CLB chủ quản và chỉ bóng gió rằng thật vinh hạnh khi được các câu lạc bộ lớn quan tâm, còn việc đi hay không thì để sau. Áp dụng mánh này rất tốt là trường hợp của Neymar.

Nói cho cùng, bên nào cũng có toan tính riêng. Chỉ có điều, già néo đứt dây, chưa biết chừng, áp dụng nhiều chiêu số quá đâm ra phản tác dụng. Bán không bán được, mua không mua được, đi không đi được. Giải pháp tốt nhất là mỗi bên hay chịu nhún một chút để đạt được lợi ích chung. Thị trường chuyển nhượng mùa hè năm nay vẫn còn mở cửa dài và hãy xem còn những chiêu số nào khác được áp dụng hay không.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Nghệ thuật chuyển nhượng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO