Nghệ thuật cho mọi người

- Thứ Tư, 14/10/2020, 06:18 - Chia sẻ
Nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng gần đây được quan tâm phát triển tại Việt Nam. Các chuyến du hành đồng sáng tạo này đã giúp truyền tải được câu chuyện của một nhóm nhỏ qua nghệ thuật, làm tăng sự giao tiếp, thấu hiểu giữa những người tham gia và khán giả.

Lan tỏa những giá trị tốt đẹp

Trẻ em nghèo vùng cao chưa một lần biết đến bột màu, cọ vẽ… háo hức bên bức tranh đang dần hiển hiện trên nền vải lanh - tấm toan vẽ do chính mẹ, chị mình dệt nên dưới sự hướng dẫn của họa sĩ; hay các em nhỏ mồ côi, vô gia cư, đôi mắt ánh lên niềm vui sướng khi chạm vào bút màu, cọ vẽ, vẽ lên một bức tranh tường theo cách được hướng dẫn… Những hình ảnh đó giờ trở nên quen thuộc với các họa sĩ tham gia dự án mỹ thuật “Ngôi sao miền núi”. Dưới hình thức đi thực tế sáng tác kết hợp dạy vẽ cho trẻ em, nhiều năm qua, dự án đã tới các vùng miền từ Bắc vào Nam, phần lớn là những địa phương khó khăn, các em nhỏ thiếu thốn về cả vật chất và tinh thần. Họa sĩ Nguyễn Trường Linh, người gắn bó từ những ngày đầu của dự án chia sẻ: Hầu hết trẻ em đều có năng khiếu về hội họa bởi tâm hồn ngây thơ, sáng tạo không giới hạn. Tuy nhiên, việc gợi mở, khuyến khích các em thể hiện lại không dễ. Nhóm họa sĩ cần hiểu biết về văn hóa bản địa, linh hoạt trong phương pháp để đánh thức cảm quan thẩm mỹ của trẻ, khơi gợi sáng tạo dựa trên tình yêu văn hóa truyền thống, thiên nhiên...

Buổi diễn của Hợp xướng Đa dạng.
Ảnh: iSEE

Cũng lưu trú và đồng sáng tạo tại các cộng đồng dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia và cộng đồng làm lên triển lãm "Cụng, Đụng, Chạm" (tháng 6.2017). Chương trình đã đưa các nhóm “tạo hình” - những cá nhân, nghệ sĩ quan tâm tới đa dạng văn hóa về sinh sống, lưu trú và hít thở chung bầu không khí, trao đổi những câu chuyện, góc nhìn với các nhóm “tạo tiếng” - thành viên thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số. 7 bạn trẻ nhóm “tạo hình” với khả năng thực hiện tác phẩm nghệ thuật qua các hình thức thể hiện khác nhau như vẽ truyện tranh, làm con rối, nhiếp ảnh, quay phim, đã dành thời gian chung sống và đồng sáng tác với những chủ nhà tại Lào Cai, Yên Bái và Đắk Nông. Trong quá trình này, các quan điểm sống, niềm tin đã va chạm với nhau và dẫn tới sự ra đời của tác phẩm nghệ thuật thể hiện tiếng nói của người trong cuộc…

Với Hợp xướng Đa dạng, ra đời tháng 11.2018, là dự án âm nhạc cộng đồng đầu tiên của Việt Nam quy tụ các thành viên đến từ mọi lứa tuổi, ngành nghề, giới tính hay nhóm cộng đồng trong xã hội, trong đó có người thuộc những cộng đồng yếu thế như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, nạn nhân bạo lực gia đình, người LGBTQI+… Hợp xướng có sự tham gia của nghệ sĩ, cố vấn chuyên môn, hỗ trợ các thành viên vượt qua khác biệt, chia sẻ niềm hứng khởi chung xung quanh ngôn ngữ âm nhạc. Hợp xướng Đa dạng đã tổ chức nhiều buổi diễn, gần đây là tham gia biểu diễn nhạc kịch “Cô bé bán diêm” cùng với các học sinh Hà Nội, diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ đầu tháng 9... được công chúng đón nhận.

Có thể thấy, những năm gần đây, dự án nghệ thuật cộng đồng ngày càng được chú ý. Đây là cách các nghệ sĩ thể hiện trách nhiệm xã hội, thông qua nghệ thuật để lan tỏa những câu chuyện của một cộng đồng và những giá trị tốt đẹp; thay đổi những góc nhìn định kiến... Các dự án này diễn ra dưới nhiều hình thức, có thể là photovoice - để cộng đồng tự kể chuyện của mình qua ảnh, triển lãm hiện vật và kể chuyện, hoặc dự án đồng sáng tạo của nghệ sĩ với nhóm người tham gia.

Chuyến du hành sáng tạo

Nhằm hỗ trợ phát triển các dự án nghệ thuật cộng đồng tiếp tục phát triển, đưa nghệ thuật đến mọi người, mới đây, trong khuôn khổ của Dự án Không gian Văn hóa sáng tạo Việt Nam (2018 - 2021), khóa học được phỏng theo khóa tập huấn Nghệ thuật dành cho mọi người, đã được tổ chức trực tuyến, do Phó Hiệu trưởng Trường Nghệ thuật, Đại học Brighton (Anh) Alice Fox biên soạn và hướng dẫn. Theo bà Alice Fox: “Nghệ thuật dành cho mọi người có thể được định nghĩa là việc hỗ trợ cơ hội sáng tạo giữa nghệ sĩ và những người không có nhiều cơ hội trở thành một phần của ngành công nghiệp văn hóa, ví dụ như các nhóm dân tộc thiểu số, người khuyết tật, người già, LGBTQ, người có vấn đề về sức khỏe, và trẻ em. Họ làm việc cùng nhau để tạo ra những chương trình và sản phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, đồng thời thách thức những quan điểm hiện tồn về việc ai có thể làm nghệ sĩ chân chính”.

Thực hành hỗ trợ mọi người tham gia các hoạt động sáng tạo với vai trò như những nghệ sĩ và khán giả, nghệ thuật dành cho mọi người tạo ra các tác phẩm nghệ thuật có chất lượng cao, giúp các bên gặp gỡ và có mối quan hệ tốt đẹp, cùng làm việc trong lĩnh vực công nghiệp sáng tạo. Khi làm việc với công chúng, nghệ sĩ sẽ hướng dẫn họ học một kỹ năng nghệ thuật mới như vẽ, chụp ảnh, làm bản in, âm nhạc, biểu diễn... đồng thời, giúp họ tổ chức được một buổi diễn, triển lãm, làm được bộ phim... đưa tới đông đảo khán giả. Cũng có thể, nghệ sĩ và nhóm cộng đồng cùng nhau tạo ra một số tác phẩm nghệ thuật như tác phẩm điêu khắc ngoài trời, tranh tường, các buổi biểu diễn, nghệ thuật sắp đặt...

Nghệ thuật cho mọi người cho thấy một thế giới công bằng, tốt đẹp hơn, nơi mà mọi câu chuyện cuộc đời và ý tưởng sáng tạo của tất cả đều quan trọng; đồng thời giúp mỗi người nhìn nhận bản thân mình và người khác với thái độ tích cực và nhân văn. Nghệ sĩ Nguyễn Hải Yến - người làm việc với nhóm Hợp xướng Đa dạng chia sẻ: “Ban đầu tôi làm với suy nghĩ đưa nghệ thuật hợp xướng đến nhiều tầng lớp khán giả hơn, nhưng hóa ra, dàn hợp xướng không chỉ là hát cho hay, mà còn có sứ mệnh khác, là mọi người học được cách yêu thương, chia sẻ, thấu hiểu, bảo vệ nhau và lan tỏa điều đó cho những người khác trong xã hội...”.

Không chỉ mang lại ý nghĩa với cộng đồng tham gia, qua các dự án này, nghệ thuật cũng khơi gợi niềm đam mê cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật và nghệ sĩ; ngành công nghiệp văn hóa sẽ sâu sắc hơn vì giờ đây chúng hàm chứa những câu chuyện cuộc đời, sáng tạo cá nhân của mọi người… Bởi những lợi ích và giá trị mang lại như vậy, chắc chắn các dự án nghệ thuật dành cho mọi người sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai.

Ngọc Phương