Nghệ thuật cho mọi người

- Thứ Năm, 25/02/2021, 06:43 - Chia sẻ
“Đi theo hành trình của Van Gogh, tôi cảm thấy mình phần nào đó nên đóng góp vào sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam, bằng cách xuất bản sách về các danh họa hàng đầu thế giới, xa hơn là mang nhiều câu chuyện, tác phẩm nghệ thuật của thế giới trưng diễn ở Việt Nam, đóng góp kiến thức về nghệ thuật nói chung, hội họa nói riêng cho mọi người” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Alpha Books Nguyễn Cảnh Bình chia sẻ.

“Sách cung cấp nền tảng tri thức ở lĩnh vực nghệ thuật rất cơ bản nhưng lại giúp người đọc hiểu hết chiều dài lịch sử, chiều rộng nghệ thuật, tôn giáo và chiều sâu của những ý nghĩa”. “Mới lướt qua mà như bị mê hoặc. Nếu ai yêu nghệ thuật nên tìm đọc”. “Cuốn sách thổi luồng gió mới về phong trào đọc sách nghệ thuật ở nước ta đang bắt đầu có những chuyển biến tích cực”. “Sách không rẻ (gần 1 triệu đồng/cuốn), nhưng giá của nó chỉ là một con số thôi, còn tri thức nó đem lại cho chúng ta là vô giá đấy”. “Với những người làm nghệ thuật, đây là tác phẩm chính thống, xứng đáng có trong thư viện chuyên ngành”…

Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều nhận xét của độc giả (cả trong giới mỹ thuật và người đọc bình thường) về "The Story of Art - Câu chuyện nghệ thuật" của GS. Ernst Gombrich - cuốn sách nổi tiếng và phổ biến nhất về nghệ thuật từng được viết, được Công ty Sách Omega Việt Nam (Omega+, một thương hiệu của Alpha Books) xuất bản tại Việt Nam cuối năm 2020. Chỉ sau hai tháng phát hành, sách đã được tái bản, điều mà có lẽ đơn vị xuất bản không nghĩ đến trước đó, cho thấy tiềm năng đưa những ấn phẩm chất lượng cao về hội họa nói riêng, nghệ thuật nói chung, về phục vụ công chúng trong nước, dẫu cho hành trình này không dễ dàng.

Nếu sách hay và làm chất lượng, đắt vẫn có người mua

"Câu chuyện nghệ thuật" xuất bản lần đầu tiên năm 1950, trở thành cuốn sách bán chạy nhất thế giới trong hơn 40 năm, 16 lần tái bản, bổ sung, 8 triệu bản in được phát hành, dịch ra 30 ngôn ngữ. Công trình nghiên cứu về lịch sử nghệ thuật phương Tây từ thời cổ đại đến hiện đại này được tác giả khảo sát và đánh giá trong các lĩnh vực khác nhau: hội họa, điêu khắc, kiến trúc... Tuy nhiên, tác giả không chép lại lịch sử mà “kể” lại câu chuyện nghệ thuật, hạn chế tối đa sử dụng thuật ngữ chuyên môn, nội dung các chương được xâu chuỗi thống nhất nên độc giả ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh đều dễ dàng tiếp nhận.

Chính những điều đặc sắc trên khiến Omega+ quyết định bằng mọi giá sẽ dịch và đưa "Câu chuyện nghệ thuật" đến với độc giả Việt Nam. Từ năm 2017, Omega+ đã tìm cách liên hệ với Phaidon - nhà xuất bản uy tín hàng đầu thế giới về hội họa, mất gần một năm đàm phán mua bản quyền sách, sau đó tổ chức dịch thuật, chỉnh sửa, đến tháng 11.2020 bản dịch mới hoàn thành. Giám đốc sản xuất Omega+ Trần Hoài Phương nhớ lại: “Yêu cầu của Phaidon với ấn phẩm quan trọng nhất của họ là in lần đầu tiên tối thiểu 5.000 bản. Đây là con số không nhỏ với thị trường sách Việt Nam, thậm chí với những cuốn sách thông thường, còn sách thiên về lý thuyết nghệ thuật in 500 bản đã là nhiều. Trong khi đó, sách nghệ thuật yêu cầu về in ấn, chất lượng giấy cao hơn nhiều, chi phí cho tác phẩm cũng rất lớn”.

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xuất bản tác phẩm “Leonardo da Vinci” của tác giả Walter Isaacson, đã tái bản lần thứ ba, in hơn 7.000 bản cả bìa cứng và bìa mềm, với giá bìa gần 800.000 đồng/cuốn, Omega+ tin tưởng, sách nghệ thuật nếu hay và được làm chất lượng, vẫn có độc giả nhất định. Bà Trần Hoài Phương chia sẻ: “Điểm khiến chúng tôi ngạc nhiên nhất cho đến thời điểm này là sự đón nhận của độc giả tốt hơn chúng tôi mong đợi, và lớp độc giả trẻ nhiều hơn chúng tôi hình dung”.

Cơ hội nằm ở chính khoảng trống

Gần đây, có thể thấy sách nghệ thuật, đặc biệt là hội họa, bắt đầu khởi sắc, xuất hiện nhiều hơn và được quan tâm hơn. Tủ sách Nghệ thuật của Omega+, ngoài “Câu chuyện nghệ thuật” (Lịch sử nghệ thuật), hiện còn có “Leonardo Da Vinci”, “Michelangelo” (Tiểu sử); “Vincent Van Gogh”, “Paul Gauguin”, “Claude Monet” (Danh họa qua tác phẩm)… Theo bà Trần Hoài Phương, điều đó đến từ hai phía, nhu cầu người đọc và do chính đơn vị xuất bản. “Xét theo quy luật, khi thị trường xuất bản đã trải qua một thời kỳ đa dạng, nó tất yếu sẽ đi chuyên sâu vào các ngõ ngách của thể loại. Từ góc độ người đọc, khi đã có vốn đọc nhất định, sẽ đòi hỏi tri thức ở nấc nền tảng hơn. Đó là lý do chúng tôi hoạch định bức tranh xuất bản của mình: Kiến thức nền tảng ở các lĩnh vực khoa học, lịch sử, nghệ thuật… Cách tiếp cận của chúng tôi là nhìn thấy cơ hội chứ không tập trung vào khó khăn. Cơ hội nằm ở chính khoảng trống lớn của kiến thức nền tảng ở nhiều lĩnh vực”.

“Sự học về hội họa là không bao giờ chấm dứt. Sẽ luôn có những chân trời mới để khám phá. Mỗi lần đứng trước các tác phẩm vĩ đại sẽ cho ta những cảm xúc khác nhau. Chúng dường như mang trong mình sự vô tận và khó đoán không khác gì con người thực. Mỗi bức tranh là một thế giới đầy sôi nổi với những luật lệ và những cuộc phiêu lưu của riêng chúng”.

GS. Ernst Gombrich

Với cách tiếp cận đó, khi bắt tay làm Tủ sách Nghệ thuật, Omega+ không tập trung vào khía cạnh kén người đọc hay không, mà ở chỗ nó có cần thiết không, và đã đến lúc chưa? Xã hội Việt Nam phát triển, con người giờ đây đã thỏa mãn phần nào nhu cầu vật chất và hướng đến nhu cầu tinh thần. Bà Trần Hoài Phương cho biết: Qua quá trình xuất bản các ấn phẩm mang tính nền tảng, qua tương tác thực tế, chúng tôi nhận thấy có một thế hệ người đọc mới, ngày càng đông đảo, có nền tảng tri thức tốt, sức đọc tốt, và khao khát hiểu biết. Tủ sách Nghệ thuật hoàn toàn vừa với sức đọc của lớp độc giả này”.

Hơn thế, không phải thị trường Việt Nam chưa từng có các ấn phẩm về nghệ thuật, nhưng chúng chưa được hệ thống, tạo ra bức tranh tổng thể cho những người muốn tiếp cận lĩnh vực này. Đó là khoảng trống, tức là sẽ có thị trường, vấn đề còn lại là làm sao để đưa được sản phẩm đến đúng người đang cần. “Với mức sống trung bình hiện nay, chí ít là của cư dân thành thị, việc mua một cuốn sách nghệ thuật từ 1 triệu đồng trở xuống là hoàn toàn trong khả năng tài chính của nhiều người, miễn là nhìn thấy giá trị lâu bền nằm trong đó”.

Cho rằng Việt Nam đang là thị trường tiềm năng cho sách nghệ thuật, đặc biệt là sách hội họa, song bà Trần Hoài Phương cũng thừa nhận, hiện có hai điều khiến các đơn vị xuất bản vất vả nhất. Thứ nhất là làm sao tìm được người dịch, hiệu đính vừa tốt tiếng Việt, vừa giỏi ngoại ngữ, vừa có hiểu biết chuyên môn. Thứ hai là công nghệ in ấn ở Việt Nam đang có nhiều hạn chế để có thể đáp ứng được mong muốn về chất lượng của đơn vị xuất bản cũng như độc giả. Trình độ in ấn của Việt Nam đã tốt hơn trước, những vẫn còn khoảng cách so với trình độ in ấn ở phương Tây. Như khi xuất bản “Leonardo da Vinci”, Omega+ phải làm việc trực tiếp với nhà in, kiểm soát từng tay sách, từng công đoạn, cho đến khi vào bìa. Nhưng như thế, việc in ấn cũng mới chỉ đạt gần 90% yêu cầu.

Trong bối cảnh thị trường xuất bản ngày càng cạnh tranh ác liệt, dòng sách nghệ thuật có thể là một hướng đi. Với Omega+, Tủ sách Nghệ thuật được thiết kế với lộ trình dài lâu, nhấn mạnh tính hệ thống, nỗ lực cân bằng giữa sự bài bản và tính linh hoạt, hiện tại có thể xem là sản phẩm cho một nhóm đối tượng cụ thể, không quá rộng. Với sự phát triển của văn hóa đọc, trong tương lai, sách nghệ thuật hy vọng sẽ trở thành một sản phẩm đại chúng, một nhu cầu phổ biến của xã hội.

“Về lâu dài, chúng tôi tin rằng độc giả sẽ cần nhiều ấn phẩm tốt hơn, ở mức độ cao hơn, và không chỉ dừng ở lịch sử nghệ thuật mà sâu hơn còn là nền tảng hiểu biết về mỹ học, triết học… Có thể nói, con đường còn dài và xuất bản sách nghệ thuật ở Việt Nam còn nhiều việc để làm” - bà Trần Hoài Phương nói.

Hương Linh