Nghề sơn - truyền thống kết nối hiện đại

Nghề sơn Việt Nam từ lâu nổi tiếng khu vực và thế giới. Nhằm giới thiệu các tác phẩm độc đáo của làng nghề, những câu chuyện đằng sau từng tác phẩm, từ kỹ thuật truyền thống đến sáng tạo đương đại, một không gian giới thiệu nghề sơn đã được mở ra tại Hà Nội.

Hiểu hơn nghề sơn truyền thống

Tại Không gian văn hóa sáng tạo Phường Bách Nghệ, Hà Nội, đang diễn ra trưng bày và trải nghiệm các sản phẩm nghề sơn (đến ngày 23.8). Anh Ngô Quý Đức, người sáng lập Phường Bách Nghệ cho biết, triển lãm giới thiệu các sản phẩm sơn mài trên cốt gốm, cốt gỗ, cốt tre… của nghệ nhân làng nghề sơn mài Hạ Thái, Hà Nội và làng nghề ở Hội An, một số tác phẩm sơn mài của các họa sĩ. Tại đây, khách tham quan còn được giao lưu, tìm hiểu, xem nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn, tận tay làm một sản phẩm sơn mài hoàn chỉnh. Qua đó, có sự tương tác để hiểu hơn về nghề sơn truyền thống.

Các sản phẩm nghề sơn phổ biến trong đời sống của người Việt. Ảnh: Th. Nguyên
Các sản phẩm nghề sơn phổ biến trong đời sống Giới thiệu các công đoạn làm sản  của người Việt. Ảnh: Th. Nguyên

Nghề sơn là nghề cổ truyền của nước ta, có từ khoảng thế kỷ XV - XVI. Sơn ta được người Việt sử dụng làm chất gắn kết các đồ vật bằng tre, gỗ, giấy, vải…; trang trí bề mặt đồ vật vừa làm tăng độ bền vừa làm tăng giá trị thẩm mỹ cho sản phẩm. Bằng phương thức sản xuất theo lối thủ công và đào tạo theo lối truyền nghề, nghệ nhân xưa đã sáng tạo và duy trì sức hấp dẫn của vật liệu sơn với ưu điểm càng để lâu, chất liệu lại càng sâu và đẹp, đặc biệt tạo ra những sản phẩm đẹp qua các quy trình thể hiện. Bên cạnh việc tiếp thu kỹ thuật vẽ sơn cổ truyền cũng như nhận biết về ưu điểm của chất liệu sơn ta, các họa sĩ bước đầu đã thể nghiệm, nghiên cứu sáng tạo ra tranh sơn mài, đạt được những thành tựu với trình độ kỹ thuật khá cao.

Các hiện vật trưng bày tại triển lãm cho thấy, hiện tại, sản phẩm của nghề sơn không thể thiếu trong đời sống, văn hóa, tinh thần của người Việt, từ vẻ đẹp cổ kính của linh vật trong các di tích đình, chùa, cung, miếu đến tác phẩm hội họa, mỹ thuật, đồ mỹ nghệ trang trí, gia dụng… Với phương thức chế tác độc đáo, công phu, nghề sơn mài đã mang đến nhiều sản phẩm tinh xảo, có độ bền hàng trăm năm.

Chuyển biến và tiếp nối

Cho đến nay, nước ta có một số làng nghề truyền thống còn làm sơn mài như: Cát Đằng (xã Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định); Hạ Thái (xã Duyên Thái, Thường Tín), Bối Khê (xã Chuyên Mỹ, Phú Xuyên), Sơn Đồng (xã Sơn Đồng, Hoài Đức), Hà Nội…

Giới thiệu các công đoạn làm sản phẩm sơn mài. Ảnh: Th. Nguyên
Giới thiệu các công đoạn làm sản phẩm sơn mài. Ảnh: Th. Nguyên

Thực tế tìm hiểu và nghiên cứu về nghề sơn truyền thống tại các làng nghề, anh Ngô Quý Đức cho biết, nghề sơn ở Việt Nam phát triển ra nhiều hướng như sơn mài, sơn thếp, mỗi vùng, làng nghề có đặc trưng riêng, như làng nghề Sơn Đồng làm sơn thếp, hướng tới đồ thờ cúng, tâm linh; còn Hạ Thái, Cát Đằng làm sơn mài hướng tới đồ trang trí, vật dụng trong gia đình để sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.

Về nguyên liệu, kỹ thuật, có thể thấy, nghề sơn Việt Nam đang trong xu thế chuyển giao giữa truyền thống và hiện đại, có sự kết hợp với nhau. Chẳng hạn cách làm truyền thống được nghệ nhân, thợ các làng nghề tiếp tục thực hiện, nhưng kỹ thuật giản lược hơn và đưa các loại sơn khác vào sản xuất. Trước đây nghệ nhân chủ yếu dùng sơn ta, tuy nhiên, nhiều họa sĩ, nghệ nhân làng nghề hiện tại không chuộng dùng vật liệu này vì phải thực hiện nhiều công đoạn phức tạp, giá thành sản phẩm cao. Chất liệu sơn ta nay thường chỉ được sử dụng khi làm một số sản phẩm cao cấp, dành cho người chơi có tính sưu tầm; còn nhiều sản phẩm hiện nay dùng sơn điều, sơn Nhật, sơn công nghiệp… làm nhanh hơn, màu sắc sặc sỡ hơn. Thậm chí sơn Nhật có những loại sơn bền và phù hợp với các sản phẩm đựng thực phẩm…

Trực tiếp giới thiệu các công đoạn làm một sản phẩm sơn mài, họa sĩ Trần Hương Lan chia sẻ: “Tôi tiếp cận với nghề sơn tình cờ vàthích thú với vẻ đẹp của các tác phẩm sơn mài. Sự hiếm có, độc đáo của màu sắc riêng biệt là giá trị truyền thống cần giữ gìn của sơn Việt Nam”. Bởi vậy, nhiều năm qua, họa sĩ Trần Hương Lan đã gắn bó với nghề sơn và tập trung vào các sản phẩm trưng bày, trang trí, theo cách làm vóc truyền thống. Chị cho biết, sản phẩm phun sơn công nghiệp khô nhanh, màu sáng hơn, nhưng thời gian bảo quản không lâu, nhanh bong tróc, còn sản phẩm sơn mài có độ bền hàng chục năm, tuy nhiên, cách làm thủ công đòi hỏi sự kỳ công.

“Các sản phẩm nghề sơn đang được giới nội thất khá quan tâm, tương lai phát triển của ngành sơn mài rất có tiềm năng” - anh Ngô Quý Đức nhận định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, mẫu mã tại các làng nghề vẫn đơn điệu. Người thợ tay nghề rất tốt, nhưng khâu thiết kế sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm mới không có tính mỹ thuật cao. Bởi vậy, để sản phẩm nghề sơn phát triển, cần có sự kết hợp giữa nghệ nhân, thợ làng nghề với các chuyên gia mỹ thuật thiết kế sáng tạo.

Việc đưa sơn mài vào sản phẩm nội thất đang tăng dần và thời gian tới có thể tạo thành xu hướng, thu hút ngày càng nhiều nhà thiết kế tham gia. Đây sẽ là cơ hội, tiềm năng tạo ra thay đổi cho các làng nghề và nghề sơn truyền thống. Anh Ngô Quý Đức kỳ vọng, triển lãm sẽ là nơi nghệ nhân, thợ thủ công gặp gỡ, giao lưu với người làm nghệ thuật, chuyên gia thiết kế và người làm sáng tạo có thể bắt tay hợp tác, cùng đưa nghề sơn phát triển.

Văn hóa - Thể thao

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

 Thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch trong kỷ nguyên số
Văn hóa - Thể thao

Thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch trong kỷ nguyên số

Chuyển đổi số không chỉ giúp ngành văn hóa và du lịch Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại mà còn là một bước đi quan trọng để bảo đảm sự phát triển bền vững trong tương lai. Thời gian qua, ngành văn hóa và du lịch đã tích cực hòa nhập xu thế số hóa toàn cầu, tạo đà cho sự phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này vẫn là nhiệm vụ cấp thiết và đầy khó khăn, thách thức.

Poster phim "Đào, phở và piano"
Văn hóa

Bài cuối: Lãng mạn nhưng kiên cường

26 năm sau "Hà Nội mùa đông 46", năm 2023, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn thực hiện bộ phim "Đào, phở và piano" từ sự thôi thúc bên trong, từ những câu chuyện kể của thế hệ cha anh đi trước mà ông được lắng nghe, và từ chính những ký ức tuổi thơ của đạo diễn về Hà Nội.