Từng bị "ném đá" vì chia sẻ thông tin tích cực
Tại tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ - Likeday” chiều 19.4, ông Lê Quốc Vinh, đại diện Công ty LeBros đặt vấn đề, có một thực tế hiện nay, công chúng ít quan tâm đến thông tin tích cực trên mạng mà ngược lại, những gì là thách thức, những nội dung sử dụng ngôn từ thiếu văn hóa, những hình ảnh không mấy tôn trọng người xem… sẽ nhận được nhiều like, nhiều chia sẻ. Rác rưởi đang tồn tại, chung sống bên cạnh những điều tốt đẹp trong môi trường của chúng ta.
Theo ông Vinh, mạng xã hội bên cạnh những điều thú vị như giúp ông tìm được những người bạn mất liên lạc từ nhiều năm nay; gặp gỡ thần tượng, nghe chính kiến của nhiều người, thân thiết và dễ dàng chia sẻ với số đông, thì tiêu cực, hệ lụy và tồn tại vẫn xuất hiện quá nhiều.
"Tôi từng bị ném đá vì chia sẻ thông tin tích cực trên mạng xã hội, bởi là người tiên phong bàn về việc chống tin giả, việc dùng vaccine hay không tại cao điểm dịch Covid-19. Có những giai đoạn tôi bị tổng tấn công, mà số gạch đá đủ xây biệt thự", ông Vinh hài hước.
Điều mà ông Vinh muốn nói đến nhiều hơn thế, đó là hiện tượng các nghệ sĩ, người trẻ ồ ạt lên tiktok bày cho nhau cách kiếm tiền, bán hàng, mua hàng, KOLs bày cách bom hàng, vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục… Các sản phẩm như thế trên mạng xã hội tưởng chỉ đơn thuần là những thứ cho vui nhưng thực ra nó đang tấn công trực diện vào cuộc sống nhiều người. “Tôi phải học cách để bước qua, song vợ tôi đã có những cơn sốc tinh thần trước những thông tin dối trá này”.
Giới trẻ đa phần ít có khả năng chống đỡ trước các thông tin độc hại nên tổn thương của họ khi bị tấn công trên mạng xã hội rất nặng nề. Một báo cáo cho thấy, 28% người trẻ nghĩ đến tự sát; 41% mắc chứng lo âu, 9% sử dụng rượu bia, bỏ học, ăn uống bừa bãi… Đây là con số toàn cầu, song ở Việt Nam cũng đang tồn tại tình trạng này. Như thế, bàn phím điện thoại di động đôi khi trở thành vũ khí giết người, bởi thực tế có người đã tìm đến cái chết bởi thông tin bịa đặt họ nhận được.
Cần người trẻ, nghệ sĩ lan tỏa năng lực tích cực
Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, nghệ sĩ và giới trẻ là hai đối tượng quan trọng trên không gian mạng.
"Nghệ sĩ là người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng. Mỗi phát ngôn, hình ảnh của họ tác động tới khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Giới trẻ lại chiếm số đông người dùng trên mạng xã hội, có sự cởi mở, năng động, hướng ngoại".
Nghệ sĩ có sứ mạng cao cả là đưa các tác phẩm nghệ thuật đến công chúng, đề cao chân, thiện, mỹ. Bên cạnh đó, khó có ai kêu gọi ủng hộ đồng bào bão lũ được những khoản tiền lớn trong thời gian ngắn như các nghệ sĩ Lệ Thủy, Việt Hương, Phương Thanh, Đại Nghĩa, Hà Anh Tuấn… từng làm. Họ đã có những án nghệ thuật về bảo vệ môi trường, từ thiện nhân đạo quên góp cho những hoàn cảnh khó khăn.
Chính vì vậy, GS.TS Từ Thị Loan cho rằng, có thể sử dụng tầm quan trọng của chính các nghệ sĩ trong việc lan tỏa giá trị tích cực trên không gian mạng để lấn át nội dung xấu độc, giúp giới trẻ thay đổi hành vi ứng xử.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên có các biện pháp xử lý nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm trên không gian mạng, như hạn chế phát sóng, kiểm soát hoạt động biểu diễn quảng cáo trái thuần phong mỹ tục.
"Cục Nghệ thuật biểu diễn đang làm việc với các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để đưa ra quy chế phối hợp nhằm giảm tác động tiêu cực của các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Biện pháp quản lý nhà nước chắc chắn có. Chúng tôi đang xin ý kiến, phối hợp các bộ, ngành khác, sau đó sẽ trình lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, dự kiến công bố trước tháng 10”.
Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương
Trao đổi tại tọa đàm, đại diện Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, các chuyên gia văn hóa, các nghệ sĩ trẻ... cũng đồng tình với những biện pháp xử lý nghiêm, kịp thời từ cơ quan nhà nước để dọn "rác" trên không gian mạng.
Từ các giải pháp được đề xuất hy vọng sẽ góp phần lan tỏa thông điệp chung tay xây dựng văn hóa ứng xử đẹp, thanh lịch trên không gian mạng xã hội. Bởi, theo khảo sát mới được công bố của Microsoft, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia có chỉ số thấp nhất về văn minh trên không gian mạng (DCI). Những thông tin xấu độc được lan truyền để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn khiến không gian mạng ở Việt Nam trở nên xấu xí...