Dấu ấn nghệ thuật và tình hữu nghị
Cuối năm 2023, vở opera “Công nữ Anio” đã được giới thiệu tại Việt Nam và Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Câu chuyện tình yêu có thật giữa nàng Công nữ Ngọc Hoa (Công nữ Anio) của Việt Nam và Araki Sotaro, một thương nhân Nagasaki - Nhật Bản vào thời Mậu dịch châu Ấn thuyền đầu thế kỷ XVII, đã được nghệ sĩ hai nước chung tay tái hiện, giúp công chúng hồi tưởng về lịch sử giao lưu và hữu nghị.
Đóng góp vào thành công của "Công nữ Anio" là hình ảnh chủ đạo của vở diễn - bức tranh sơn mài do họa sĩ Nhật Bản Saeko Ando sáng tác. Tác phẩm đã được họa sĩ dành hơn 4 tháng hoàn thành, và lần đầu tiên sơn ta được sử dụng cho mục đích này. “Không chỉ vinh dự khi được chọn sáng tác hình ảnh chủ đạo của vở opera dựa trên câu chuyện có thật tại Hội An, miền Trung Việt Nam, tôi tự hào thấy rằng không chỉ tình cảm giữa một người Nhật Bản và một người Việt Nam 400 năm trước, mà tình hữu nghị giữa hai quốc gia vẫn tồn tại qua chặng đường dài lịch sử”.
Nổi bật trên nền tranh là hình ảnh Công nữ Ngọc Hoa với mái tóc bồng bềnh như sóng biển kết nối những con thuyền giao thương và tình hữu nghị giữa Việt Nam - Nhật Bản. Họa sĩ cho biết đã sáng tạo dựa trên những cảm nhận của mình về phụ nữ Việt Nam trong thời gian dài cô gắn bó với đất nước hình chữ S và cả nghệ thuật sơn mài độc đáo.
“Số phận đưa tôi sang Việt Nam học sơn mài”
“Khi còn là tiếp viên hàng không, tôi đã đọc một bài viết về Việt Nam đăng trong cuốn tạp chí phát trên chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Nhật Bản. Bị cuốn hút bởi văn hóa Việt Nam, tôi quyết định đến đây du lịch” - nghệ sĩ sơn mài Saeko Ando kể về mối duyên đưa cô đến Việt Nam năm 1995 và không muốn rời đi cho tới khi hiểu hơn về vùng đất có cuộc sống đầy màu sắc này.
Sau một thời gian sống và khám phá đời sống văn hóa ở Hà Nội, Saeko Ando ấn tượng với nghệ thuật sơn mài khi tham quan nhiều cửa hàng trên phố, bởi trước đó cô lầm tưởng nghề làm sơn mài là của Nhật Bản. Cô đã được một người bạn Việt Nam đưa đi thăm các xưởng, gặp các họa sĩ. “Chị ấy đưa tôi đến gặp họa sĩ Trịnh Tuân - người sau này trở thành thầy dạy sơn mài đầu tiên của tôi. Tôi mê mẩn với nghệ thuật sơn mài của thầy ngay lập tức. Hỏi thầy có thể dạy tôi không, tưởng rằng mình sẽ bị từ chối, nhưng bất ngờ là thầy đồng ý luôn. Nghĩ lại đúng là số phận đã đưa tôi sang Việt Nam và học nghệ thuật sơn mài”.
Saeko Ando chưa từng học sơn mài ở Nhật Bản, tất cả kỹ thuật sơn mài đều dựa trên những gì học từ Việt Nam và may mắn được những người thầy giỏi truyền nghề. Ngoài việc nắm được bí quyết sử dụng sơn ta, cô cũng đi sâu tìm hiểu tính logic và khoa học ẩn bên trong nó bằng cách nghiên cứu về các loại cây sơn, kỹ thuật sơn mài ở Việt Nam, Nhật Bản và nhiều nước châu Á khác.
“Để học được những kỹ thuật cơ bản của sơn mài, tôi chỉ mất vài năm, nhưng luôn có thêm câu hỏi mới, nhiều điều tôi chưa biết. Nhiều lúc tôi tự nhủ năm tới mình có thể về Nhật để làm việc độc lập vì đã biết hết mọi thứ về sơn mài. Nhưng sau đó tôi lại thấy mình phải học thêm cái này, điều kia. Dần dần, tôi thấy ở Việt Nam như ở nhà, hơn cả cảm giác khi tôi trở về quê hương thăm bố mẹ. Tôi thường nói đùa kiếp trước tôi là người Việt Nam!”.
Giao hòa tinh thần Nhật và sơn mài Việt
Khám phá các vùng đất dọc chiều dài nước Việt, Saeko Ando chọn dừng chân tại Hội An, nơi nguồn năng lượng của thiên nhiên toát ra từ đồng lúa, sông nước và đại dương trở thành cảm hứng sáng tạo của cô.
Sử dụng sơn ta để sáng tác, giống các họa sĩ Việt Nam, tác phẩm của Saeko Ando được tạo ra từ nhiều lớp sơn với màu sắc và họa tiết cùng các chất liệu khác (như vàng, bạc, vỏ trứng, vỏ trai…) và được mài để các lớp bên dưới lộ lên bề mặt. Tuy nhiên, những bức tranh của cô luôn có sự mới lạ, có lẽ xuất phát từ tinh thần, giá trị thẩm mỹ của người Nhật và cá tính nghệ thuật của họa sĩ.
“Tranh sơn ta như loại rượu vang hảo hạng, càng để lâu chất lượng và hương vị càng tăng cao”. Ví von như vậy, điều khiến Saeko thích thú nhất là độ bóng, trong, khả năng kết dính và màu cánh gián tự nhiên với các sắc thái khác nhau. Cô áp dụng kỹ thuật nhằm tận dụng điểm mạnh này của sơn ta, khiến tranh cứng và trong, ngày càng sáng và tươi màu hơn.
Trên nền chất liệu truyền thống của Việt Nam, cô sáng tạo các chủ đề hiện đại. Cô nhận ra rằng không nhất thiết phải vẽ một hình dáng nhất định để thuyết phục người xem. Cảm hứng tạo ra kết cấu và màu sắc tác phẩm chủ yếu lấy từ cuộc sống hàng ngày, chi tiết thiên nhiên xung quanh. Ngoài sáng tác trên gỗ, cô tiên phong vẽ tranh trên mica, cho phép ánh sáng xuyên qua các lớp sơn tự nhiên. Những tác phẩm sơn mài trên mica của Saeko được nhiều họa sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật khen ngợi bởi sự kết hợp độc đáo.
Sơn mài - vật liệu của tương lai
Không chỉ là một nghệ sĩ, Saeko Ando còn được biết đến với vai trò thành viên Dự án Trao đổi nghiên cứu sơn mài thủ công châu Á, tích cực chia sẻ những khám phá thông qua các bài giảng, hội nghị, hội thảo chuyên đề quốc tế. Cô cũng thành lập công ty sản xuất các sản phẩm sơn mài sử dụng sơn ta, mở không gian hướng dẫn các nghệ nhân trẻ để họ có thể làm chủ vật liệu truyền thống này.
Trong cuộc trò chuyện, Saeko bày tỏ trăn trở về nghề trồng cây sơn tự nhiên của Việt Nam và việc sử dụng chất liệu sơn tự nhiên ứng dụng trong cuộc sống đương đại. “Gần 30 năm làm việc như chuyên gia về sơn mài tại Việt Nam, tôi thường đến Phú Thọ và thấy sự thay đổi trong trồng và thu hoạch sơn ta, về cả phương pháp trồng, thu hoạch, chất lượng và diện tích trồng sơn. Có thể thấy rằng, ngày nay để có được sơn ta chất lượng cao từ Phú Thọ càng nhiều thách thức…”.
Những năm gần đây, cây sơn ta dần thưa bóng. Nhiều nông dân chặt sơn ta để trồng cây lấy gỗ, vì thương lái nước ngoài không mua sơn ta nữa… Sơn ta cũng chưa được các nghệ sĩ, nghệ nhân khai thác, phát huy đúng giá trị, chủ yếu được xuất khẩu sang các nước châu Á, rồi nhập khẩu sơn hóa học về làm sản phẩm sơn mài.
“Sơn ta nghe có vẻ lỗi thời và nhàm chán nhưng là một tài nguyên phi vật thể vô giá Việt Nam cần gìn giữ và phát triển cho tương lai”. Nhận định như vậy, Saeko mong muốn nhiều người nhìn nhận lại giá trị của sơn ta và sử dụng nguyên liệu này sản xuất sơn mài nhiều hơn, mang lại lợi nhuận cho nghệ sĩ và nghệ nhân, nông dân trồng cây sơn, từ đó gìn giữ văn hóa, giá trị độc đáo của nghệ thuật sơn mài Việt Nam.
Chưa từng chọn Việt Nam để phát triển đam mê của mình, nhưng trong những quốc gia đã đặt chân đến, Việt Nam là đất nước duy nhất Saeko Ando không muốn rời đi. “Càng nghiên cứu và luyện tập về sơn mài, niềm đam mê của tôi ngày càng lớn. Cảm ơn đất nước Việt Nam, bởi vì đúng là tôi yêu sơn mài và yêu sơn ta. Nhưng nếu không tận hưởng cuộc sống ở đây mỗi ngày, tôi không thể ở Việt Nam lâu đến vậy”.