Nghệ sĩ Đức - Việt triển lãm "Dệt phối cảnh"

Chiều 7.12, triển lãm nhóm nghệ thuật đương đại của Rosemarie Trockel và Lại Diệu Hà với chủ đề “Dệt phối cảnh” đã khai mạc tại không gian The Outpost và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, giới thiệu 60 tác phẩm về phong cách, sự nghiệp của hai nghệ sĩ.

Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Đức (1975 - 2025), do Viện Goethe tại Hà Nội, ifa (Viện Quan hệ đối ngoại Đức), The Outpost và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hợp tác thực hiện.

ptn04339.jpg
Khai mạc triển lãm "Dệt phối cảnh". Ảnh: Tuấn Ngọc

Đây là cơ hội để khán giả được chiêm ngưỡng các tác phẩm nguyên bản, đa dạng về hình thức thể hiện, của một nghệ sĩ đương đại thành danh và có tầm ảnh hưởng quốc tế, cũng như khám phá những sáng tạo chưa từng được công bố của một nghệ sĩ đương đại hoạt động tích cực, bền bỉ tại Việt Nam.

vo-de-38-1992.jpg
Tác phẩm "Vô đề 38" của Rosemarie Trockel
k2.jpg
Tác phẩm sắp đặt của Lại Diệu Hà

Hơn 60 tác phẩm ý niệm của Rosemarie Trockel, từ tranh vẽ, tranh dệt, ảnh, video, đến sắp đặt, không chỉ chứa đựng nhiều ẩn ý sâu sắc mà còn mở ra không gian tự do biện giải cho khán giả.

Có 12 tác phẩm được trưng bày tại sảnh chính tầng 1 Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và phần còn lại trưng bày trong toàn bộ không gian triển lãm của The Outpost.

Trong khi đó, chỉ với 4 tác phẩm, gồm tranh và điêu khắc mềm/vải, đã phản ánh bốn giai đoạn chính trong sự nghiệp của Lại Diệu Hà.

Hai nghệ sĩ cùng nhau dệt nên những phối cảnh về nghệ thuật và xã hội đương đại, cũng như thân phận con người trong bối cảnh ấy.

k1.jpg
Khách tham quan triển lãm

Nghệ sĩ Lại Diệu Hà chia sẻ, chị và Rosemarie Trockel hiểu nhau về cách làm tác phẩm, lựa chọn chất liệu. Các tác phẩm của cả 2 có sự cộng hưởng giữa chất liệu dân gian và đương đại, phản ánh văn hóa của 2 quốc gia. "Với riêng tôi, tác phẩm được tạo bằng khâu tay thủ công, vượt qua các rào cản về không gian, nơi chốn, ý nghĩa; dựa trên tính thẩm mỹ, khách quan, khác xa với các tác phẩm trước đó của tôi thiên về tính ứng dụng".

Cũng theo Lại Diệu Hà, triển lãm giúp 2 nghệ sĩ và những người làm nghệ thuật hai quốc gia hiểu nhau hơn để cùng nhau sáng tạo, đóng góp những tác phẩm giá trị. "Hy vọng, thời gian tới, Việt Nam sẽ đón nhiều nghệ sĩ quốc tế đến làm việc, hợp tác, giới thiệu tác phẩm".

ha.jpg
Nghệ sĩ Lại Diệu Hà chia sẻ với công chúng tại triển lãm

Triển lãm mở cửa miễn phí đến hết ngày 3.1.2025 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm) và The Outpost (tầng 2, B1, Roman Plaza, Tố Hữu, Nam Từ Liêm).

Trong khuôn khổ triển lãm sẽ có chương trình trò chuyện với nghệ sĩ, các buổi tham quan với chuyên gia và workshop nghiên cứu và sáng tạo trên quan điểm của 2 nghệ sĩ giúp công chúng hiểu hơn quá trình sáng tạo nghệ thuật và những thông điệp mà các tác phẩm muốn gửi gắm.

Tại Đức, vào những năm 1980, Rosemarie Trockel là nữ nghệ sĩ Đức duy nhất xây dựng được sự nghiệp mang tầm quốc tế, trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên đại diện cho Đức tham dự liên hoan nghệ thuật danh giá nhất thế giới Venice Biennale năm 1999.

Trong bối cảnh nghệ thuật phần lớn do nam giới chi phối, Trockel đã sáng tạo ra những tác phẩm phê phán, thách thức các hệ thống, quan điểm, khái niệm và hình mẫu giới tính áp đặt cho cả phụ nữ và đàn ông, không chỉ trong nghệ thuật mà còn trong xã hội nói chung. Hiện nay, bà là một trong những nghệ sĩ ý niệm quan trọng nhất thế giới còn sống, ghi dấu ấn sâu đậm trong lịch sử nghệ thuật.

Triển lãm tại Hà Nội là lần đầu tiên Trockel xuất hiện tại Đông Nam Á, thuộc chương trình triển lãm lưu động do ifa - Institut für Auslandsbeziehungen (Viện Quan hệ Đối ngoại Đức) khởi xướng, gồm các nghệ sĩ hàng đầu khác như Gerhard Richter, Sigmar Polke, và Georg Baselitz. Trước đó, triển lãm của Rosemarie Trockel đã được trưng bày tại 42 điểm bao gồm các thành phố ở Mỹ, châu Âu, Mỹ Latinh, Nga, Ấn Độ, Seoul, Thượng Hải...

Tại Việt Nam, vào đầu năm 2010, Lại Diệu Hà đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật trình diễn khi ở tuổi ngoài 30, với những màn trình diễn sử dụng cơ thể chính mình như đối tượng và phương tiện. Đến năm 2023, Hà giành giải Bạc trong cuộc thi UOB (Painting of the Year) tại Việt Nam, một trong những Giải thưởng hội họa uy tín khu vực châu Á. Năm 2024, những tác phẩm điêu khắc mềm, có thể mang tính ứng dụng và dễ dàng đi vào đời sống thường nhật, đã trở thành những tác phẩm quan trọng của nữ nghệ sĩ.

Sau gần 20 năm hoạt động, Hà không chỉ được công nhận là một trong những nghệ sĩ trình diễn của Việt Nam, mà còn không ngừng mở rộng phương thức thực hành và ranh giới cho chính khái niệm nghệ thuật trình diễn, tạo tiếng vang trong và ngoài nước.

Văn hóa - Thể thao

Họa sắc xưa, tinh thần nay
Văn hóa - Thể thao

Họa sắc xưa, tinh thần nay

Không chỉ là di sản, lưu giữ ký ức ngàn đời, tranh dân gian vẫn đang viết tiếp câu chuyện của mình khi trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận trong cuộc sống hiện đại.

Khắc họa chân dung của mùa Xuân
Văn hóa - Thể thao

Khắc họa chân dung của mùa Xuân

Khi các nghệ nhân làng đào tất bật tỉa tót những gốc đào chuẩn bị mùa Tết, họa sĩ Nguyễn Hữu Khoa lại chuyên tâm chăm chút từng bông hoa đào phơi phới trong hội họa; anh tâm sự mình đã tìm tòi, thể nghiệm qua nhiều đề tài khác nhau nhưng chỉ đến khi vẽ hoa đào mới mang lại cho anh nhiều xúc cảm hơn cả.